Tuổi thơ được cha mẹ cận kề, chăm bẵm, chỉ bảo là điều hạnh phúc nhất của mỗi đứa trẻ. Nhưng xã hội ngày nay, vì nhiều lý do, tỷ lệ ly hôn tăng lên đáng kể, khiến nhiều em phải đối diện với cảnh gia đình ly tán. Những tổn thương tâm lý, khát khao được gần mẹ, gặp cha của các em như em bé trong bài viết dưới đây khiến người lớn chúng ta phải thực sự suy ngẫm.
“Con không muốn quà gì hết. Con chỉ muốn được gặp mẹ”, cô bé nói trong nước mắt.
Zhang Meiyan sống tại một làng nhỏ ở Shuangjing. Ba năm trước bố mẹ em ly dị, khi em mới 6 tuổi. Mẹ rời khỏi Nội Mông còn bố em đi làm xa nhà. Em không gặp lại mẹ từ ấy, chỉ còn em ở với ông nội ốm liệt giường và bà nội già yếu. Ba năm trôi qua, dù hình ảnh về mẹ trong ký ức trẻ thơ dần phai nhạt, nhưng sự nhớ nhung mẹ chưa bao giờ nguôi trong trái tim cô bé. Được gặp mẹ, ở bên mẹ là niềm mong mỏi và là ước mơ xâm chiếm toàn bộ tâm trí Zhang Meiyan.
Trước dịp Lễ hội lần 61, ông bà hỏi bé thích quà gì? Bé nói trong đôi mắt ngấn lệ “Con chỉ muốn gặp mẹ!”.
Các tình nguyện viên của câu lạc bộ Tình thương quyết định giúp em hoàn thành ước nguyện của mình. Trước thềm Lễ hội lần 61, họ đã tìm đến khách sạn nơi mẹ em đang làm phục vụ. Sau khi biết chuyện cô đã xin khách sạn cho nghỉ 2 ngày để về gặp con. Tuy nhiên do đường xa, cô phải chuyển hai tuyến xe nên chỉ còn nửa ngày bên gia đình.
Ngày 31/5, sau 3 năm chờ mong, cuối cùng cô bé đã được nhìn thấy mẹ! Mẹ mua cho em chiếc váy mới, nhưng em không quan tâm váy đẹp hay không. Em chỉ nhìn mẹ không chớp mắt. Em đã chờ đợi giây phút này suốt 3 năm qua, và giờ mẹ ở đây. Em không thể rời mắt khỏi mẹ. Em muốn ngắm nhìn thật lâu để ghi nhớ hình ảnh và niềm hạnh phúc về mẹ vào tâm trí mình.
Giây phút bên mẹ, cô bé trở nên hoạt náo hơn thường ngày. Khi biết mẹ không thể ở lâu với mình, em đã biểu diễn cho mẹ và ông bà những bài hát học được ở trường, với tất cả tình yêu thương và sự háo hức.
Nhưng, thời gian trôi nhanh quá, không khí vui vẻ dần tan biến. Đến lúc mẹ em phải đi rồi, mẹ từ biệt em trong nước mắt. Em không thể thốt lên lời vì cổ họng nghẹn đắng. Nhưng em không thể làm gì để ngăn cản sự chia ly. Bước qua hiên nhà, em vẫn nắm chặt tay mẹ không rời, vì không biết sau lần chia tay này bao giờ em mới lại được gặp mẹ.
Xe đã tới đón, đến giờ mẹ phải đi, cô bé vẫn không chịu buông tay mẹ. Cả gia đình bịn rịn không rời. Xe lăn bánh, cô bé liền chạy vụt theo xe mẹ kêu khóc: “Mẹ ơi đừng đi…..”. Zhang Meiyan tuyệt vọng chạy theo xe của mẹ gần 2 cây số đến kiệt sức.
Quay lại thấy con chạy theo sau mệt lả dưới đường, người mẹ xuống xe ôm con vào lòng khóc nức nở: “Bố mẹ đã ly dị. Mẹ không được ở cùng nhà với con nữa, nhưng mẹ hứa sẽ về thăm con thường xuyên hơn…”. Ôm con một lúc, cuối cùng người mẹ vẫn phải dứt áo rời đi. Phía sau là bóng dáng nhỏ bé liêu xiêu của cô bé đáng thương 9 tuổi…
Các bậc cha mẹ, trước khi cảm thấy không chịu đựng được vợ hay chồng, và quyết sống theo cách của riêng mình, hãy nghĩ tới sự tổn thương tâm lý của con cái khi sống trong gia đình thiếu cha hoặc mẹ hoặc cả hai. Được lớn lên trong môi trường hạnh phúc, đứa trẻ sẽ trở thành người nhân hậu và biết sẻ chia. Còn nếu sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu thốn tình thương từ khi còn bé, đứa trẻ khi lớn lên sẽ trở nên cộc cằn, lạnh lùng hoặc sa vào con đường tội phạm. Vì vậy, nếu có thể, hãy kiềm chế cái tôi của mình lại để sống vì những người thân yêu. Cho đi chính là nhận lại, cuộc sống sẽ cân bằng và tràn đầy những điều tích cực nếu chúng ta giảm bớt sự ích kỷ mà mở rộng tấm lòng mình.
Hoàng Dung (BD)
Video xem thêm: Đời người có 4 nỗi khổ lớn nhất, làm cách nào giải trừ phiền muộn?