Các bà nội trợ thường tốn nhiều thời gian cho việc giặt giũ quần áo mỗi ngày, kể cả khi đã có máy giặt. Một vài mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn không tốn thời gian cho việc phân loại, giặt và sấy quần áo.
Cho viên aspirin vào máy giặt để làm trắng quần áo
Hòa 2-3 viên aspirin 300 mg vào khoảng 4 lít nước nóng. Bạn ngâm quần áo trắng vào chậu nước này, để qua đêm. Sáng hôm sau, cho quần áo vào máy giặt như bình thường, có thể cho thêm vài viên aspirin nữa.
Phương pháp tẩy trắng quần áo này an toàn, không hại sợi vải, mà vẫn làm sạch được các vết ố, vết bẩn bám trên quần áo.
Dùng dầu gội em bé để phục hồi quần áo co lại
Cách này hiệu quả với quần áo len. Hòa theo tỷ lệ cứ 1 lít nước ấm với 15 ml dầu gội đầu em bé và khuấy đều. Cho quần áo vào ngâm 10-15 phút.
Dầu gội em bé có thể làm giãn các sợi vải bị co rút. Khi các sợi vải giãn ra, cho quần áo sẽ trở lại kích cỡ ban đầu.
Ngoài ra, thay vì vặn xoắn vắt bớt nước dễ làm áo bị mất dáng, bạn nên đặt quần áo trên chiếc khăn khô và cuộn khăn lại, ấn khăn cho đến khi nước được thấm bớt. Sau đó, phơi ngang áo trên thanh phơi hoặc đặt áo nằm trên mặt phẳng sẽ không bị bai dão.
Phân loại quần áo theo chất liệu vải và độ dày
Trước khi cho vào máy giặt, ngoài cách phân loại theo màu sắc, bạn cũng nên chú ý đến chất liệu vải. Mỗi loại vải có cấu tạo, đặc tính khác nhau, nên không thể giặt chung trong cùng điều kiện của máy giặt.
Quần áo làm từ vải nỉ hạt nên được giặt riêng. Bạn cũng không nên giặt chung khăn tắm với quần áo làm từ sợi tổng hợp.
Đối với vải jeans, kaki, cần chế độ giặt và giũ mạnh, nhưng ngược lại vải cotton, vải lanh hay sợi nhân tạo phù hợp với chế độ giặt giũ nhẹ, tránh làm hư tổn sợi vải. Ngoài ra, chất liệu vải voan, lụa, tơ tằm… không giặt được với nước nóng hay chất tẩy mạnh, bạn cần chọn chế độ giặt cho máy hợp lý, giặt riêng bằng tay hoặc giặt khô là hơi.
Cho quả bóng nhôm vào máy giặt
Bạn lấy cuộn giấy nhôm bọc thực phẩm vo thành hình tròn nhỏ như quả bóng với đường kính khoảng 3-5 cm. Sau đó, cho vào máy giặt cùng với quần áo bẩn, chất giặt tẩy và giặt như bình thường.
Cách này giúp làm mềm quần áo, làm giảm lực tĩnh điện khiến các xơ vải không bám, giúp quần áo sạch như mới.
Lưu ý, giặt quần áo ở chế độ giặt thường với nhiệt độ trung bình, không để ở chế độ giặt quá lâu.
Dùng nước lạnh giặt tất
Cho tất vào túi giặt trước khi cho vào máy, chúng ta sẽ không phải mất công tìm những chiếc tất giống nhau khi gập quần áo.
Bạn cũng không nên giặt tất bằng nước nóng vì phần lớn chất bẩn (như mồ hôi) là chất đạm. Giặt tất bằng nước nóng sẽ không thể loại bỏ hết bụi bẩn. Đó là lý do tại sao chúng ta nên giặt tất bằng nước lạnh sẽ sạch hơn.
Giặt mũ trong máy rửa bát
Để giữ hình dạng của mũ lưỡi chai, thay vì giặt bằng máy giặt, bạn cho mũ vào máy rửa bát. Chỉ cần đặt mũ trên kệ trên cùng của máy và giặt bình thường. Đảm bảo rằng nước rửa bát mà bạn dùng không có thuốc tẩy để tránh làm phai màu mũ.
Loại bỏ vết bẩn cứng đầu bằng máy sấy tóc
Dùng máy sấy tóc thổi trực tiếp vào vết bẩn cứng đầu đã thoa một ít nước giặt lên trên. Hơi nóng sẽ làm xà phòng đánh bật vết bẩn hiệu quả hơn. Sau đó, cho quần áo vào máy giặt bình thường.
Dùng khăn làm khô quần áo nhanh
Cách hiệu quả để sấy khô quần áo nhanh chóng là vắt kiệt nước trên quần áo. Dùng một chiếc khăn tắm trải rộng ra, đặt quần áo lên trên khăn tắm, cuộn tròn cả khăn và quần áo lại rồi vắt mạnh. Khăn tắm sẽ hấp thụ hết nước trên quần áo. Khi phơi, quần áo cần được treo cách nhau, không chồng chéo, càng thoáng càng tốt để dễ thoát nước.
Sử dụng nước súc miệng để làm sạch máy giặt
Máy giặt hoạt động lâu ngày dễ bốc mùi do cặn xà phòng và vải sợi đọng lại ở các khe kẽ. Đổ một ly nước súc miệng vào trong máy và chạy chu trình giặt ngắn nhất. Nước súc miệng sẽ tiêu diệt nấm mốc, vi khuẩn, làm cho lồng giặt sáng bóng và thơm tho nhanh chóng.
Ảnh: Bestie.vn
An An