Cách cực đơn giản này có thể giúp gan lợn vừa sạch vừa tươi ngon, không còn mùi gây khi bạn chế biến món gan lợn.
Gan lợn có giá trị dinh dưỡng cao bởi chứa nhiều chất đạm, sắt, vitamin nhóm B, các loại men như men tiêu hóa, men thải độc, tốt cho người thiếu máu, mù màu, còi xương. Chưa hết, vitamin A có trong gan còn có tác dụng bổ mắt, tăng cường sức đề kháng, sinh trưởng và phát triển ở trẻ. Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, trong 100g gan lợn chứa 21,3 g protein, 25 mg sắt, 8.700 mcg vitamin A, vitamin B, D, axit folic, nicotilic…
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa HN) chia sẻ trên tờ Tổ Quốc, gan lợn rất giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe nếu được chế biến và sử dụng đúng cách. “Đây là thực phẩm có tác dụng chữa trị và phòng chống thiếu máu rất tốt. Đặc biệt, gan lợn có hàm lượng vitamin A cao hơn hẳn các thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa…”. Chưa hết, lượng collagen trong gan lợn dồi dào có thể làm chậm quá trình lão hóa da, tăng cường sự mịn màng, săn chắc cho da.
Tuy nhiên, nhiều người ngại làm món ăn liên quan đến gan vì khâu chế biến sợ không sạch, ăn vẫn có mùi. Vậy hôm nay, Bếp Đại Kỷ Nguyên chia sẻ với bạn cách giúp gan lợn vừa sạch vừa tươi ngon, không còn mùi gây khi nấu.
Bình thường, mọi người sẽ dùng muối để rửa gan vì muối diệt trừ vi khuẩn; có người lại dùng dầu mè để gan thơm và tươi hơn. Tuy nhiên, đầu bếp lại có cách khác để làm sạch gan, đó là sử dụng bột mì.
Cách làm cụ thể như sau:
– Trước tiên, chuẩn bị một lượng bột mì thích hợp, cho vào cái bát lớn, sau đó đổ một lượng nước thích hợp vào đó, thêm một muỗng muối và một muỗng dầu mè, khuấy thật đều cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.
– Gan lợn rửa với nước, thái thành các miếng vừa ăn rồi thả gan lợn vào bát bột, ngâm 15 phút.
– Sau đó chà xát gan lợn bằng tay.
– Cuối cùng, rửa lại gan lợn dưới vòi một lần nữa. Giờ bạn có thể nấu gan lợn theo cách riêng của mình.
Với cách rửa này, gan lợn không những sạch mà còn hết sạch mùi gây khó chịu.
Video: Dạy con giống như chăm hoa, phải biết cắt cành, nhổ gốc, trồng lại