Đại Kỷ Nguyên

Mở những bức thư không lời gửi Ông già Nô-en của con gái lớp 1, mẹ thấy lòng mình xôn xao…

Năm nay mùa đông đến sớm hơn mọi khi. Cái lạnh tràn về không báo trước. Ngoài ngõ, mấy ngọn cỏ mềm ngủ vùi trong những lớp sương. Sương của mùa đông nhuộm trắng trên đầu cỏ hệt như chòm râu Ông già Tuyết.

Người đời thường không thích mùa đông bởi không khí lạnh, khi khô, khi ẩm ướt, khi buốt vào lòng khó chịu. Riêng tôi, dù không chịu được lạnh nhưng vẫn thích cái se se lành lạnh của mùa đông nơi đây. Hơn nữa, nó vừa khoác lên mình chiếc áo len trắng muốt, trông đáng yêu như thiếu nữ tuổi đôi mươi.

Buổi sáng Chủ nhật, cả nhà cuộn mình trong chiếc chăn bông để tìm thêm chút ấm áp chờ khi mặt trời lên mới thức dậy. Kia rồi, những tia nắng đầu tiên trong ngày đã len qua khe hở trên bức rèm, soi tận vào chiếc giường ngủ màu cà phê sữa.

Vừa bước xuống giường, con gái tôi kêu lên:

– Sao hôm nay lạnh quá vậy mẹ?

Tôi không dám đặt chân xuống nền gạch, ngồi bó gối trên giường, trả lời vọng ra:

– Sắp đến ngày Ông già Nô-en rồi con à.

– Mẹ ơi, hôm nay mẹ có thời gian không? Mẹ dạy con viết thư cho Ông già Nô-en nhé! Hôm trước con nghe Mi Nô kể rằng: có lần Mi Nô viết thư gửi Ông già Nô-en rồi ông tặng cho Mi Nô rất nhiều thứ. Ai có ước mơ gì thì viết rồi bỏ thư vào chiếc vớ, mang ra treo ở cổng, để đêm đến, ông sẽ để lại quà cho.

Tôi trùm chiếc mũ lên đầu, kéo sụp xuống che hai bên tai, mang đôi tất và choàng thêm chiếc khăn vào cổ, bước xuống giường, vừa đi vừa nói:

– Ừ, khi nào xong việc, mẹ sẽ giúp con viết thư! Còn bây giờ con cũng phải đội mũ, mang tất vào cho khỏi lạnh, biết chưa?

Bao nhiêu công việc nhà đều để dành cho ngày Chủ nhật, nên tôi phải gắng sức mà làm cho xong. Việc nhà rồi đến việc cơ quan, chẳng phút nào thong thả được cả. Cứ nghĩ đến công việc chưa hoàn thành là tôi thấy đầu mình nặng thêm. Nào soạn giáo án mẫu mới, nào ma trận đề kiểm tra, nào chấm bài, nào thống kê… Ngoài kia sương tan tự bao giờ, nắng ấm dần lên. Tôi hít thật sâu như thể uống lấy không khí trong lành của một ngày mới. Cảm thấy khoan khoái và dễ chịu biết bao nhiêu. Tạm gác mọi việc lại, tôi thầm nhủ, bận rộn cả tuần rồi, hôm nay tự ký giấy phép cho mình được nghỉ ngơi trọn vẹn 24 tiếng. Tôi dành thời gian ấy cho gia đình, đặc biệt là cho con bé.

Ảnh minh họa (nguồn: Zing).

Sau giấc ngủ trưa, con bé lục tục lôi ra nào giấy, nào bút, nào màu tô và kêu lên:

– Mẹ dạy con viết thư cho Ông già Nô-en đi mẹ!

– Bây giờ con muốn viết điều gì?

Vì mới học lớp 1 nên con bé không tự viết thư được, tôi dạy con học bằng cách viết thư, bởi học từ sách vở hàng ngày thì con bé không siêng như vậy đâu. Nhưng nếu viết thư cho Ông già Nô-en để được quà thì nó tự giác đến say mê. Như vậy sẽ học ôn được âm, tiếng, từ và câu nữa. Con bé đâu biết mục đích đó của tôi. Tôi bắt đầu đọc cho con bé viết và xem như là đang luyện viết chính tả. Từ nào khó tôi phải cầm tay con bé tập viết. Nó nêu rất nhiều ước muốn với ý nghĩ rằng ông già sẽ đáp ứng tất cả cho nó.

Kính gửi Ông già Nô-en năm 2013!

Thưa Ông già Nô-en, cháu tên là Vi Na, năm nay cháu 6 tuổi. Cháu đang học lớp 1. Cháu rất muốn ông sẽ ghé qua nhà cháu một lần. Mấy lần trước cháu chưa ngoan nên không được quà của ông. Bây giờ cháu ngoan rồi và cháu hứa sẽ ngoan hơn nữa. Ông ơi, cháu muốn có áo đầm đẹp, muốn 3 cây bút chì, 2 cây bút mực, cục gôm, hộp bút đẹp và một đôi giày búp bê màu đỏ. Và cháu thích một chiếc xe đạp nhỏ giống bạn Mi Nô. Một chiếc đồng hồ báo thức để không ngủ nướng như hôm qua. Cháu muốn ăn kẹo sô-cô-la dẻo nhưng mẹ không cho. Cháu còn muốn có cài tóc màu hồng nữa.

Từ phòng khách ba nó nói vọng vào:

– Ước vừa thôi, nhiều vậy thì ông già đâu có đủ tiền mua quà.

Con bé ngước mắt nhìn tôi và hỏi:

– Ông già Nô-en còn ít tiền lắm hả mẹ?

– Ừ, ba nói đúng đấy nhưng con cứ viết rồi ông tặng quà gì thì mình nhận quà đó. Không có thì để lần sau được không con?

Con bé “dạ” một tiếng trong veo, rồi đọc lại thư. Tôi muốn biết con thích gì nhất nên hỏi:

– Bây giờ con thích ông tặng quà nào trước cho con?

– Dạ, con thích hết luôn.

– Nhưng ông già không đủ tiền mua hết những quà này đâu. Con chọn ra, thích gì nhất thì ông già sẽ tặng cái đó trước cho.

– Con thích xe đạp nhất.

– Không được đâu, xe đạp nhiều tiền lắm.

– Vậy xe đạp để lần sau nha mẹ. Bây giờ con thích bút, cục gôm, đồng hồ báo thức, áo đầm, giày, cài tóc nữa nè. Bao nhiêu đây Ông già có đủ tiền mua chưa vậy mẹ?

Tôi nhẩm tính rồi trả lời:

– Chắc là được rồi đấy.

Ba đùa với nó:

– Sao con ước nhiều quà vậy, ba cũng thích có quà lắm.

– Ba thích gì thì viết thư cho Ông già Nô-en đi ạ.

– Ba thích xe ô tô, máy tính, điện thoại, nhà lầu nữa. Còn mẹ thì thích xe tay ga, váy, giày nữa nè.

Nó ngạc nhiên kêu to:

– Trời ơi, nhiều vậy sao Ông già mua được hả ba?

Ảnh minh họa (nguồn: Pinterest).

Ba cười, xoa đầu nó. Còn nó vui vẻ gấp thư lại, lục tìm một chiếc vớ màu đỏ rồi bỏ thư vào. Xong đâu đấy, nó cất vào ngăn tủ chờ đến ngày Nô-en để treo thư ra cổng. Nó lại mang màu tô ra, bắt con mèo tam thể lại gần, lấy tấm đệm lót chân đặt ngay ngắn cho con mèo nằm. Nó nhìn con mèo để vẽ và tô màu. Phần tôi, ra vườn cắt tỉa mấy giò phong lan nhưng vẫn để mắt quan sát con bé. Ngôi nhà yên lặng lạ thường. Thỉnh thoảng nó xin ba mấy tờ giấy vẽ. Nó cặm cụi vẽ vẽ rồi viết viết cái gì đó rồi cắt giấy, xếp giấy….

Lát lâu sau nó kêu lên:

– Ba ơi! Ba có đôi vớ không ạ? Ba cho con mượn chút đi.

– Ở trong tủ đó, con tự tìm mà lấy nhen, ba bận xem phim rồi.

Nó lại tủ mở đóng, đóng mở, lục lục tìm tìm… rồi đi thẳng về phòng. Nó vẫn tiếp tục việc của riêng nó… Sau bữa cơm tối, cả nhà tập trung trước ti-vi. Đài thông báo áp thấp nhiệt đới, xảy ra bão ở các vùng biển khu vực miền Trung, mưa to, một số nơi ngập lụt. Gió giật mạnh cấp 8, cấp 9. Vùng gần tâm bão cấp 11, 12. Nhiều ngôi trường, nhà cửa ngập chìm trong nước. Các bạn nhỏ trôi mất sách vở, không có đủ thức ăn, không có áo len, người ướt sũng, run lên từng hồi. Mấy đoạn phim quay lại cảnh nhà bị tốc mái, kẻ bị thương, người mất tích, già trẻ, gái trai đều vật vã trong nước lũ chảy xiết… Thật đáng thương!

Khi chúng tôi đang bàn tán về chuyện bão lũ thì con bé đứng dậy đi về phòng… Im lặng một hồi lâu… rồi lạch cạch… loạt soạt… Những âm thanh như thế này vẫn thường phát ra từ phòng nó nên tôi chẳng để ý.

Hơn 9 giờ đêm, điệp khúc của tôi vang lên:

– Na, uống sữa, đánh răng, đi ngủ sớm để mai còn đi học, đi chào cờ nữa nghe không?

– Dạ, cho con xin thêm 10 phút nữa thôi, con làm cái này sắp xong rồi.

– Na, xong chưa? Dọn dẹp nhanh lên đi!

– Con xong cả rồi ạ!

Sau khi làm mọi việc theo yêu cầu của tôi, con bé leo lên giường, nó hỏi:

– Mẹ ơi, Ông già Nô-en có thể giúp đỡ các bạn ở nơi bị bão lụt không ạ?

Tôi ậm ừ cho qua chuyện:

– Chắc sẽ giúp được thôi con à. Thôi nhắm mắt lại, ngủ đi!

Con bé ngủ say. Tôi sang phòng bên xem thời khóa biểu, chuẩn bị sách vở và mọi thứ cho vào cặp nó như thường lệ. Căn phòng lộn xộn hết chỗ nói: nào vớ, nào bút màu, nào giấy, nào kéo… Trong khi sắp xếp, tôi tò mò kéo hộc bàn ra, thật lạ quá, có mấy chiếc vớ được xếp ngay ngắn, gọn gàng, đặt nằm cạnh nhau. Tôi cầm chiếc vớ màu đỏ lên, bên trong là bức thư với những ước mơ nhỏ bé của riêng con. Chiếc vớ của ba bị thủng một lỗ ở ngón cái, trong đó là tờ giấy A4 được cuộn tròn lại. Mở thư ra…

Chao ôi! Nó vẽ máy tính màu đen, điện thoại màu xanh nước biển, căn nhà màu vàng nâu có nhiều cửa sổ và cửa lớn. Có ba căn nhà giống hệt nhau được đặt chồng lên nhau. Hẳn là nhà tầng đây mà. Góc bên phải là một chiếc ô tô màu đỏ, một chiếc quần dài chưa kịp tô màu. Bên dưới tờ giấy là dòng chữ “Quà này cho ba”. Mặt bên kia tờ giấy nó vẽ nghệch ngoạc một bộ áo váy tô màu vàng, một đôi giày đỏ và ghi “Quà này cho mẹ”.

Một chiếc vớ khác màu xanh đen của ba, nó đựng bức thư thứ ba. Bức thư này chỉ toàn là hình vẽ, bức thư gửi Ông già Nô-en nhưng chẳng có lấy một chữ. Nó vẽ bánh mì, xúc xích, mấy quả trứng, búp bê, áo quần, găng tay, giày dép, áo khoác, có cả sách vở và nhiều cây bút chì nữa. Hình như nó muốn có những thứ này. Thật bất ngờ, mặt bên kia tờ giấy là những ngôi nhà mới ngộ nghĩnh làm sao! Nhà nào cũng có bốn cái chân cao thật cao. Gì thế nhỉ? Dưới mặt đất là nước, hai bên trên mái ngói là hai cánh, nhà thì cánh chuồn chuồn, nhà thì cánh bướm, nhà thì cánh bồ câu. Những ngôi nhà vừa có chân, vừa có cánh đứng bệ vệ trong bão lũ…

Ông già Nô-en có đọc được những bức thư này không nhỉ? Rồi ông có hiểu lòng cháu bé không nhỉ? Chao ôi, thương lắm những bức thư không lời…

Tôi bỗng thấy lòng mình xôn xao, ước mơ con trẻ không hề nhỏ bé! Chỉ có tôi, nghẹn ngào nhận ra mình quá nhỏ bé.

Đêm dần về khuya, mùi hương nguyệt quế lẫn trong sương, xông vào mũi nồng nàn. Không ngủ được, tôi lặng lẽ nghĩ về những ước mơ cỏn con của mình. Nhưng bức thư mùa đông của con trẻ cứ bám riết lấy tâm hồn tôi.

Cô Huỳnh Xuân Thư

(Giáo viên THCS Tô Hiến Thành, Dục Mỹ – Ninh Hòa – Khánh Hòa)

Tiêu đề do ĐKN đặt. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Người luôn từ bi có được 9 lợi ích

Exit mobile version