Có một người phụ nữ, mỗi khi nướng bánh mì cho gia đình mình đều làm dư ra một cái để cho người nghèo. Bà thường để ổ bánh mỳ dư trên thành cửa sổ bên ngoài để những người nghèo đi qua dễ lấy.
Mỗi ngày đều có một kẻ ăn mày lưng gù đều đặn đến để lấy ổ bánh mì đó. Thế nhưng, thay vì nói lời cảm ơn, ông ta cứ vừa đi vừa lẩm bẩm như niệm chú:
“Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”
Điều này cứ diễn ra như vậy, ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, người ăn xin lưng gù kia đều đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu: “Việc xấu người làm thì ở lại với người, việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”
Người phụ nữ rất bực bội. Bà thầm nghĩ: “Ngày nào mình cũng làm một ổ bánh mỳ cho ông ta. Vậy mà ông ta không có lấy một lời cám ơn. Đã vậy còn lải nhải mãi cái câu nói khó chịu ấy, nghe cứ như là nguyền rủa vậy! Không biết hắn ta muốn ám chỉ điều gì?”
Một ngày kia, không chịu được nữa, bà quyết định cho người gù đi khuất mắt. Bà tự nhủ: “Tên ăn mày đó cũng chẳng tốt đẹp gì.Ta sẽ làm cho hắn biến mất.”
Vậy là, bà quyết định cho thuốc độc vào ổ bánh mì dư bà thường làm. Thế nhưng, khi sắp sửa bỏ ổ bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, đôi tay bà bỗng run lên. Bà hốt hoảng nghĩ thầm: “Ta làm gì thế này? Tại sao ta lại có thể độc ác như vậy?”
Ngay lập tức, bà ném ổ bánh có thuốc độc vào lửa rồi vội làm một cái bánh mì ngon lành khác đem để lên thành cửa sổ. Như mọi khi, người ăn mày đến, ông ta lấy bánh và lại lẩm bẩm: “Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người.”
Ông ta cầm ổ bánh đi một cách vui vẻ mà không biết rằng trong lòng người phụ nữ kia vừa có một trận chiến dữ dội giữa thiện và ác.
Thực ra, trong lòng người phụ nữ có một nỗi khổ tâm mà không ai biết. Bà có một cậu con trai đang đi xa tìm việc làm. Đã gần một năm nay bà không nhận được tin tức gì của con. Vậy nên, mỗi khi đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà lại cầu nguyện cho con trai sớm trở về nhà bình an, mạnh giỏi. Nhưng người đàn ông kia thì thật quá kỳ cục khó hiểu, khiến bà cảm giác như có điều chẳng lành.
Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa. Anh gầy xọp đi. Quần áo rách rưới đến thảm hại, đói lả và mệt. Khi trông thấy mẹ, anh ta nói:
– Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi. Con đã tưởng mình sẽ chết dọc đường. Nhưng bỗng có một người ăn mày lưng gù đi ngang. Con xin ông ta cho con một chút gì để ăn. Không ngờ ông ấy đã cho con nguyên một ổ bánh mì rất ngon. Khi đưa bánh cho con, ông đã nói: “Mỗi ngày tôi chỉ có một ổ bánh mỳ này được một người phụ nữ tốt bụng làm cho, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!”
Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc. Bà vội dựa người vào thành cửa để khỏi ngã. Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc đã làm sáng hôm nay. Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết. Ngay lập tức bà hiểu ra ý nghĩa của câu nói mà người ăn mày nói mỗi ngày:
“Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”
Cuộc sống là như vậy, những gì bạn làm ngày hôm nay chính là căn nguyên của những sự việc sẽ đến với bạn trong tương lai. Người ta gọi đó là Luật Nhân Quả. Khi làm điều tốt mà không mong cầu báo đáp, không cần người khác nhớ ơn, không cần ghi danh kể thưởng thì đó mới là cái Thiện chân chính. Và, chỉ cần bạn sống lương thiện, trời xanh sẽ tự khắc an bài!
Bạn đang đọc bài viết: “Mỗi ngày đều làm bánh mỳ cho lão ăn mày, người mẹ không ngờ đã cứu sống con trai mình” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |