Đại Kỷ Nguyên

Món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Rằm tháng Giêng

Dân gian có câu “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Vì vậy, mâm cơm cúng ngày Rằm tháng Giêng được các gia đình rất chăm chút với những món ăn phổ biến: như bánh chưng, gà luộc, bánh trôi nóng… mang ý nghĩa vạn sự vuông tròn, may mắn, đại cát đại lợi.

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng với đủ màu sắc, mùi vị tượng trưng cho sự đủ đầy, hài hòa âm dương: Đỏ (hỏa), xanh (mộc), đen (thổ), trắng (thủy) và vàng (kim); 10 món gồm 4 bát và 6 đĩa với các món ăn: Sông, Núi, Biển, Đồng bằng

Tùy theo phong tục từng địa phương và điều kiện kinh tế của từng gia đình mà những món ăn trên mâm cúng ngày Rằm tháng Giêng (tức 15/1 Âm lịch) khác nhau. Song, mâm cơm cúng Rằm cần đầy đủ, tươm tất, thể hiện lòng thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên.

Bánh chưng: Tượng trưng cho trời, cầu vạn sự được vuông tròn trong Năm mới. Vì vậy, một đĩa bánh chưng xanh sẽ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Rằm.
Gà quay hoặc luộc: Gà cúng phải là gà trống để thể hiện sự oai phong, hùng dũng và chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Chân giò luộc: Theo phong tục cổ truyền của người Việt, chân giò lợn là “trư” (lợn) đồng âm với “chư” (mọi thứ), còn “túc” (chân) mang ý nghĩa “sung túc, no đủ”. Cúng chân giò lợn thể hiện mong muốn cho Năm mới được đầy đủ, sung túc hơn.
Bánh trôi: Trong mâm cỗ cúng có bát bánh trôi bánh chay là mong muốn cho mọi việc cả năm sẽ được trôi chảy.
Cá kho: Cá tượng trưng món ăn đến từ vùng sông nước được kho cùng với khế chua, chuối xanh chát, riềng cay, sốt cá mặn ngọt.
Nộm chay ngũ sắc: Đây sẽ là món ăn giải ngán vì có vị chua chanh, cay ớt, mặn muối, ngọt đường và hạt lạc rang bùi.
Tôm sú lột vỏ hấp sả gừng: Là món ăn tượng trưng cho vùng biển.
Giò: Tượng trưng cho sự sung túc, tròn đầy.
Miến nấu ruốc nấm hương chay: Bát miến cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng Rằm tháng Giêng.
Canh thịt lườn gà ngũ sắc: Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh – hành mộc, đen – hành thổ, màu trắng – hành thủy, màu vàng – kim.

Mỹ Duyên

Exit mobile version