Tôi không biết câu chuyện này của tác giả nào, đã lâu tình cờ đọc được, nhớ và viết lại… nên có thể không còn đúng tên nhân vật, nhưng cốt truyện thì tôi nhớ như in, viết lại để chia sẻ với các thầy cô giáo về một câu chuyện có lẽ không xa lạ gì với chúng ta cả về hoàn cảnh sống, những con người mà mỗi chúng ta, dù làm nghề khác, đều có thể gặp ở đâu đó trong sự nghiệp của mình.
Những ngày học kỳ I của lớp Năm, năm cuối của chương trình Tiểu học…
Cô Thompson là chủ nhiệm, mỗi khi đứng lớp thường nói với học sinh của mình những điều to tát, bóng bẩy… vốn không phải niềm tin của cô khi trở về cuộc sống hàng ngày. Cô nhìn các em và tuyên bố: “Cô coi tất cả các học sinh đều bình đẳng và yêu quý tất cả các em như nhau…”.
Thực ra, cô luôn ưu ái hơn về chỗ ngồi và điểm chác với con cái của các phụ huynh “có ảnh hưởng” đến trường và có thể giúp đỡ được cô lúc nào đó khi cần.
Có một học sinh tên là Tenny, chuyển từ trường khác đến, khiến cô để ý: không hòa đồng, quần áo xộc xệch, tóc tai luộm thuộm… Điều đặc biệt khiến cho cô Thompson rất mất thiện cảm với Tenny là vào ngày Nhà giáo, thay vì mang đến tặng cô món quà thật đẹp, thậm chí có giá trị như các học sinh khác, thì cậu bé lại đợi đến cuối cùng mới rụt rè tiến đến bên bàn cô, đặt lên một hộp giấy nhỏ đã cũ được bao gói bằng giấy tạp hóa và buộc dây rất vụng về.
Cô lịch sự nhận và khá khó khăn mới mở ra được, bên trong là một vòng tay giả kim cương, thiếu mất vài hạt và một lọ nước hoa để trần chỉ còn non nửa. Các học sinh ngồi dưới đang chăm chú theo dõi, thấy vậy cười ồ lên. Điều đó tự nhiên khiến cô thoáng giận cậu bé, dù cô mỉm cười gượng gạo và kèm theo một câu cảm ơn nhưng vô hồn.
Từ đó, mỗi khi chấm bài, cô thường lướt qua bài của Tenny rất nhanh, mới nhìn vào cũng thấy rất nhiều lỗi nhưng cô không có ý định giúp đỡ cậu học sinh này. Hồ sơ của cậu luôn bị cô xếp dưới cùng vì cô cũng không có nhu cầu muốn xem.
Tuy thế, nhà trường có quy định buộc giáo viên chủ nhiệm phải đọc hồ sơ của học sinh. Bất đắc dĩ, cô cầm cuốn hồ sơ của Tenny lên một cách uể oải, nhưng càng đọc, cô giáo càng chăm chú:
– Giáo viên lớp Một nhận xét: Tenny là một học sinh thông minh, vui vẻ. Em làm bài đầy đủ, đạo đức tốt.
– Giáo viên lớp Hai nhận xét: Tenny có học lực xuất sắc, được bạn bè yêu mến, nhưng em gặp khó khăn vì mẹ đang bị ung thư giai đoạn cuối.
– Giáo viên lớp Ba nhận xét: Cái chết của mẹ Tenny là khó khăn to lớn đối với em, phải rất cố gắng em mới vượt qua được để đi học bình thường, vì thiếu sự quan tâm của người bố.
– Cô giáo lớp Bốn nhận xét: Tenny rất lãnh đạm, khép kín, thiếu chú ý và đôi khi còn ngủ trong lớp, trường học quá xa nhà. Có lẽ em sẽ tích cực hơn khi được quan tâm tốt.
Bất giác, cô Thompson cảm thấy tim mình hẫng đi một nhịp, từ sâu thẳm, cô cảm thấy tràn đầy thương cảm cho cậu bé tội nghiệp. Ngẫm lại mình, cô vô cùng xấu hổ…
Hôm sau, bước vào lớp, cô Thompson mở hộp quà của Tenny, đeo chiếc vòng vào cổ tay và mở lọ nước hoa mà Tenny đã tặng thấm một chút lên chiếc vòng, trước khi bắt đầu giảng. Sau khi tan lớp, cô trìu mến gọi Tenny lại và trao đổi về việc học tập của cậu. Cậu bé cảm động, khẽ nói: “Mùi nước hoa này của mẹ em, lâu lắm rồi em mới được ngửi. Cô như người mẹ thứ hai của em vậy…”. Cô Thompson ôm cậu vào lòng, khóc nức nở.
Kể từ hôm ấy, cô giành nhiều thời gian quan tâm và khích lệ Tenny. Nhờ vậy, Tenny đã có sự tiến bộ vượt bậc trong học tập, trở thành một trong những học sinh xuất sắc nhất của toàn khối Năm. Bây giờ, cô Thompson vẫn nói yêu tất cả các em học sinh, nhưng trong thâm tâm, cô yêu quý Tenny nhất.
Ngày cuối cùng của năm học cũng đến. Tiễn Tenny ra cổng trường, cô cúi xuống ôm chặt cậu bé vào lòng thầm thì: “Tạm biệt em, chúc em những ngày sau luôn vui khỏe và giỏi giang như em đã từng cho cô thấy như thế!”.
Tenny khẽ đáp: “Cô tốt với em nhất. Em rất yêu quý cô ạ”. Tenny cầm tay cô lên, áp má mình vào chiếc vòng của mẹ, giờ đang trên tay người cậu thương mến nhất, mắt cậu chợt nhòe đi. Hai cô trò tạm biệt nhau nhưng cô Thompson vẫn đứng mãi đó, vẫy tay chào như gửi theo cậu lời khích lệ, mãi tới khi dáng hình gầy nhỏ của Tenny đã xa khuất hẳn…
Một lần nữa, Tenny lại phải chuyển chỗ tới một nơi xa. Hai cô trò vẫn thường trao đổi thư từ, cô Thompson thường thăm hỏi, động viên cậu và Tenny kể với cô mọi chuyện về cuộc sống cũng như học tập.
Nhiều năm trôi qua, mùa xuân năm ấy, cô nhận được thông báo từ Tenny, chàng trai đã tìm được cô gái của đời mình và quyết định kết hôn. Anh phân vân hỏi cô: “Liệu cô có đồng ý ngồi ở vị trí dành cho mẹ của chú rể trong buổi lễ thành hôn không ạ?”. Cô xúc động, trả lời: “Tenny yêu quý, cô rất vinh dự được như vậy em ạ”.
Vào ngày cưới, vẫn chiếc vòng kim cương giả đã bên cạnh cô suốt những năm qua, và với mùi nước hoa mà mẹ Tenny vẫn dùng trong dịp Giáng sinh cuối cùng của bà khi bên anh, cô Thompson bước vào lễ đường.
Họ ôm chầm lấy nhau, Tenny thầm thì trong nước mắt: “Cô như người mẹ của em, cô à! Cô đã giúp em thay đổi, em vô cùng yêu quý và biết ơn cô…”.
Gạt nước mắt, cô Thompson đáp lại trong sự xúc động: “Không, chính em mới là người dạy cô thay đổi chính mình. Cô đã không biết cách dạy học, không biết cách trở thành một giáo viên chân chính, cho đến khi được hiểu về em hơn…”.
Tình cảm của Tenny ngày thơ ấu vô cùng trong sáng và thánh khiết, đã lay động tâm hồn cô Thompson, gọi lại thiện lương trong cô. Hy vọng rằng, những người giáo viên sẽ luôn hoàn thành thật tốt sứ mệnh thiêng liêng của mình, ươm mầm những hạt giống đâm chồi mạnh mẽ, tươi xanh.
Nguyễn Tất Thịnh
Bài đã được ĐKN biên tập lại. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.
Video xem thêm: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm