Trong ẩm thực, màu đen thường là dấu hiệu của thất bại, bởi màu sắc này đa phần chỉ xuất hiện khi món ăn đã bị cháy khét. Tuy nhiên, vẫn có những món ăn mang một màu đen nguyên bản nhưng lại khiến người thưởng thức hạnh phúc vì hương vị tuyệt vời của chúng. Ẩm thực Việt cũng góp hai món trong danh sách thú vị này.
1. Bánh gai – Việt Nam
Bánh gai được biết đến là một trong những loại bánh đặc trưng của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Chiếc bánh vuông nhỏ vừa lòng bàn tay được gói cẩn thận trong một lớp lá chuối khô. Trái ngược với cảm giác “gai góc” mà tên gọi mang lại, chiếc bánh này mang đến cho người thưởng thức hương vị ngọt đậm, bùi béo. Nhân bánh được làm từ đậu xanh nghiền xào cùng dừa, bí đao. Ở nhiều địa phương, người dân còn cầu kì điểm thêm vào một vài nguyên liệu khác như vừng, lạc, hạt sen hay mỡ lợn thái nhỏ để làm nổi bật vị bùi ngậy của nhân bánh.
Màu đen tuyền bí ẩn của món bánh này được tạo nên từ lá cây gai. Loại lá này sẽ được phơi khô, luộc kỹ giã nhỏ rồi trộn với bột gạo nếp. Tên gọi của bánh cũng bắt nguồn từ loại nguyên liệu này. Vỏ bánh dẻo, dai, có mùi thơm nhẹ làm cân bằng hương vị mọt bùi của nhân bánh, tạo nên một thức quà đâm hương quê mà nhiều người Bắc Bộ yêu thích.
2. Chè vừng đen (chí mà phù) – Trung Quốc, Việt Nam
Chí mà phù là một món ăn có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc. Món ăn này theo những Hoa Kiều du nhập vào nước ta, trở nên rất phổ biến ở miền trong, đặc biệt ở Hội An và Sài Gòn. Chí mà phù là một loại đồ ăn ngọt, tương tự như những món chè ngọt của người Việt ta. Thứ chè này gây ấn tượng đặc biệt với thực khách chính nhờ màu sắc đen tuyền đặc trưng. Nhìn nồi chí mả phù, những thực khách chưa một lần thưởng thức có lẽ sẽ thấy dậy lên cảm giác nghi ngại trong lòng. Nhưng nếu một lần thưởng thức qua, cảm giác ấy sẽ theo làn khói bốc ra từ bát chè mà tan biến.
Màu đen của món chè đến từ nguyên liệu chính làm nên món ăn – vừng đen. Loại hạt này sẽ được lựa kỹ, chọn lấy những hạt chắc, mẩy rồi đem xay thành bột. Người nấu sẽ giã rau mơ, rau má rồi rồi vắt lấy nước. Nước ấy sẽ đem nấu cùng với bột mè đen xay nhuyễn. Để hoàn thiện nồi chè, người nấu sẽ gia giảm bột khoai cùng vị thanh địa (một vị thuốc bắc) cho món ăn. Món chí mà phù sẽ có độ sánh, nhưng không đặc quánh.
Đây không chỉ là thức quà sưởi ấm mùa đông, mà nó còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chí mà phù rất tốt cho hệ tiêu hóa, còn làm mượt tóc. Đặc biệt nó cũng rất tốt cho phụ nữ sau sinh.
Bánh burger đen và bánh mì kẹp xúc xích đen – Nhật Bản
Hãng Buger King đã khiến người dân Nhật bất ngờ với hai sản phẩm lần lượt được đặt tên là Kuro Diamond (Kim Cương Đen) và Kuro Pearl (Ngọc trai đen). Phần vỏ bánh, nước sốt và phô-mai của bánh đều có màu đen tuyền. Hãng này tiết lộ, màu đen của vỏ bánh và phô mai được lấy từ “bột than tre”, còn loại sốt tỏi được làm từ mực của con mực tươi. Hai loại burger này khác nhau duy nhất ở phần rau được thêm vào. Những người không thể dùng bữa nếu thiếu sự tươi mát của rau xanh chắc chắn sẽ yêu thích bánh Kim cương đen của hãng này.
Tại quận Akihabara, Tokyo, chủ một cửa tiệm bánh mỳ cũng có chúng ý tưởng tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu của mình bằng “bột than tre”. Loại bột kỳ lạ này đã mang lại thành công lớn cho quán. Người dân thủ đô rất thích thú khi thưởng thức chiếc bánh đặc biệt này. màu đen của bánh và xúc xích làm nổi bật màu sắc của những nguyên liệu được thêm vào, khiến món ăn càng trở nên bắt mắt.
Bạn có đang thắc mắc “bột than tre” là nguyên liệu gì? Liệu nó có an toàn cho sức khỏe? Câu trả lời chắc chắn sẽ khiến bạn yên tâm. Đầu năm 2017, bột than tre đã trở thành một xu hướng mới trong ẩm thực, đặc biệt ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Loại bột này có xuất xứ từ Nhật Bản, với tên gọi trong tiếng Nhật là Takesumi. Đây là loại bột than hoạt tính thu được sau quá trình đốt các nguyên liệu tự nhiên ở nhiệt độ cao. Theo Thông tư “Lượng hấp thu, phương pháp hấp thu đối với các thực phẩm có lợi cho sức khỏe” do Phòng An toàn thực phẩm, Cục Thuốc và thực phẩm thuộc Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản ban hành ngày 28/7/2005, bột than này an toàn tuyệt đối cho sức khỏe. Thêm vào đó, bột than có chứa rất nhiều những nhân tố như canxi, kali, photpho, sắt rất tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Mùi vị của những đồ ăn này cũng rất đặc trưng. Nó tạo nên cảm giác mới lạ cho người thưởng thức. Hơn thế nữa, những chiếc bánh mì hay bánh ngọt làm từ loại bột này được đánh giá là mềm, xốp và ẩm hơn rất nhiều so với các loại bánh cùng loại.
Tỏi đen – Hàn Quốc
Nhắc đến những món ăn có màu đen tự nhiên chắc chắn không thể không nhắc đến Tỏi đen. Tỏi đen được phổ biến đầu tiên ở Hàn Quốc và Nhật Bản, sau đó được truyền sang các nước châu Á khác. Hiện nay, tỏi đen đã có mặt và bắt đầu đi vào ẩm thực châu Âu. Thực chất, tỏi đen được chế biến từ những củ tỏi thông thường. Nhưng sau một quá trình lên men dài ngày bằng nhiệt, tỏi có được màu đen đặc trưng một cách tự nhiên.
Loại tỏi này rất được người dân thế giới ưa chuộng. Đầu tiên phải kể đến đó là mùi vị và hương vị. Tỏi đen không có mùi hắc và vị nồng của tỏi tươi. Bên cạnh đó tép tỏi lại có vị ngọt dịu. Các chất dinh dưỡng quý trong tỏi vẫn được bảo toàn nguyên vẹn. Tỏi tươi còn phù hợp để chế biến nhiều loại món ăn. Dễ chịu nhưng vẫn bổ dưỡng là những tính chất khiến tỏi đen trở thành thực phẩm rất nhiều người yêu thích, tin dùng.
Mì mực đen – Ý
Một quốc gia châu Âu cũng góp mặt trong danh sách các món ăn đen nhưng ngon lành này là nước Ý với món mỳ ống nổi tiếng của mình. Các nhà sản xuất mì ống tại vùng ven biển nước này đã sáng tạo ra loại mỳ này khi trộn thêm vào bột làm mỳ mực đen được lấy ra từ những con mực ống thông thường. Mực của mực ống khiến món mỳ này vừa có sắc đen đậm đặc trưng lại vừa có được vị hải sâm nhẹ trong sợi mỳ. Đó là lý do vì sao, mỳ ống đen thường được phục vụ với các loại hải sản, nhất là các loại hải sản có vỏ. Sự kết hợp tinh tế này khiến cho mỳ ống đen hải sản được những thực khách sành ăn vô cùng yêu thích. Thưởng thức đĩa mỳ mang hương vị của biển trong mỗi sợi mỳ khiến vị giác của thực khách như được đắm mình trong không gian của biển cả bao la.
Hải Lam