Tình yêu không hẳn là mỗi ngày đều nói những lời yêu thương ngọt ngào, không hẳn là những món quà xa hoa đắt đỏ dành cho người thương. Tình yêu có thể chỉ là một bát cháo nóng hổi mỗi sáng…
Mỗi buổi sáng vào lúc 5h10 sau khi tan ca, việc đầu tiên anh trở về nhà là nấu cháo cho vợ. Dạ dày cô ấy không được tốt, có lần từng cấp cứu bệnh viện vì xuất huyết. Nhà có con gà đẻ, sẵn trứng anh sẽ nấu cho chị một bát cháo nóng hổi. Ở cái hoàn cảnh của anh chị lúc bấy giờ, được ăn cháo trứng gà mỗi sáng đã là niềm mong ước của rất nhiều người rồi.
Anh cẩn trọng khuấy đều, nêm nếm cho vừa miệng rồi đập trứng, xắt hành. Đúng 6h chị dậy là đã có đồ ăn sáng anh nấu. Đã có những lần chị bảo anh đừng mất công như vậy nữa nhưng anh không nghe, anh nói chỉ khi nào chị chán ăn cháo anh nấu thì anh mới từ bỏ thói quen ấy.
Năm đầu cưới nhau, phần vì kinh tế khó khăn, phần anh làm ca đêm, chị làm ca ngày nên họ cũng chưa có ý định sinh con luôn. Anh bảo chị còn gầy lắm, anh phải chăm cho vợ béo khỏe lên mới có sức để đẻ được.
Có ngày người mệt, chị dậy muộn, cuống cuồng thay quần áo chuẩn bị đi làm nhưng vẫn được chồng đút cháo tận miệng với những lời dịu dàng: “Nay anh đánh tan trứng rồi, em húp cho nhanh đừng nhịn đói đi làm”.
Do 2 người làm 2 khoảng thời gian trái ngược nhau nên tính ra 1 ngày họ được bên nhau quá ít ỏi. Không cãi vã, không được chuyện trò nhiều, bát cháo trắng chính là cầu nối duy trì tấm lòng mà họ dành cho nhau.
Gần 2 năm trôi qua chị trung thành với món cháo của anh: Một người không chán, một người vẫn miệt mài nấu ăn. Đó là những ngày tháng bình yên nhất của những năm đầu thập niên 80…
***
Tết năm ấy, nhà máy bị giải thể, anh mất việc phải nghỉ ở nhà một thời gian. Anh nhìn chị cười ngao ngán: “Cứ tình trạng này vợ chồng mình phải ăn cháo cả tháng mất”. Sáng hôm đó, anh gục đầu bên nồi cháo ngủ gật, có lẽ anh đã phải thức đêm vì suy nghĩ. Và chị cũng tuyên bố không muốn ăn cháo anh nấu nữa, không muốn anh thức khuya dậy sớm nữa.
Đối diện với tình trạng khó khăn, không còn sự lựa chọn nào khác, chị phải bán chiếc nhẫn vàng là của hồi môn mà mẹ chị trao để anh lấy vốn buôn bán.
Ban đầu chỉ là cái vài cái phích, mấy chiếc ấm nước, dăm bộ bát… lợi nhuận không quá lớn nhưng cũng vực lại tinh thần của anh lúc này. Anh chạy đôn chạy đáo khắp nơi để mở rộng buôn bán. Có được đơn hàng sỉ đầu tiên anh mừng rỡ khoe vợ: “Chúng mình sắp thoát nghèo rồi em ơi, nhất định em sẽ không phải ăn sáng bằng cháo trứng nữa”.
Kể từ đó, anh đi tỉnh liên miên, anh mở công ty, lăn lộn với bao tâm huyết của mình. Thời gian anh ở bên vợ con tỷ lệ nghịch với số tiền anh cầm về. Anh mở rộng cửa hàng cho vợ thuê người bán, anh xây sửa nhà khang trang hơn. Anh bảo: “Từ giờ em muốn ăn gì ngon ngon cứ bảo anh, chúng mình ra hàng ăn nhé”. Nhưng kể từ khi chị nghe được câu nói ấy, số lần chị được ngồi ăn cùng bữa cơm với anh đếm trên đầu ngón tay.
Một ngày chị ốm, lại bị xuất huyết dạ dày , bác sĩ dặn anh phải chăm sóc chị thế này thế kia nhưng bận bịu như anh thì làm gì có thời gian. Anh ở nhà với chị được 2 ngày rồi thuê một bác giúp việc, chị chỉ việc nằm nghỉ ngơi hưởng thụ.
Đêm hôm ấy anh đột ngột trở về lúc 3 giờ sáng. Nhìn thấy chồng mệt mỏi ủ rũ chị sốt sắng hỏi han thì nhận được thông tin: “Thằng An mất rồi, anh phải sang nhà nó ngay”. An là người bạn thân nhất của anh, có thể nói là ân nhân giúp vợ chồng anh thoát nghèo.
An mất trong 1 vụ tai nạn vì anh ta đi tiếp khách rồi uống quá chén. Giữa màu trắng khăn tang, tiếng người gào khóc, những gương mặt thảng thốt của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh bỗng nhiên anh sợ hãi vô cùng.
Trong căn nhà rộng thênh thang, vợ An mắt vô hồn dựa bên bàn thờ mới lập ôm lấy ảnh chồng. Anh không dám hỏi gì trong lúc này, hai đứa con thì ngủ thiếp đi trong lòng bà ngoại. Sau khi ngất lên ngất xuống thì vợ An nôn ra máu do suy nghĩ và lao lực. Tự dưng thoáng trong đầu anh là hình ảnh chị lúc đi cấp cứu vì xuất huyết dạ dày.
Anh trở về trong nỗi buồn đau hụt hẫng đến khó tả. Anh ôm vợ vào lòng, nhẹ nhàng âu yếm hỏi chị: “Hay anh bỏ hết công việc lại đưa hai mẹ con đi chơi nhé?”. Anh nói mà như muốn nấc nghẹn, có thể vì ám ảnh người bạn mới mất, anh sợ một ngày vợ con anh cũng rơi vào cảnh như thế, đớn đau vô cùng.
Chị nhìn anh mỉm cười đáp: “Em muốn ăn cháo anh nấu!”. Anh gật đầu khóe mắt có chút ướt. Thế mà anh còn tưởng nhà máy giải thể anh sẽ tìm được công việc khác dành nhiều thời gian cho vợ hơn. Thế mà anh cứ ngỡ có nhiều tiền cuộc sống của vợ con anh sẽ đủ đầy, sung túc hơn. Nhưng anh sai rồi…
Chị ăn từng thìa cháo một cách ngon lành, hương vị quen thuộc ùa về. Rốt cuộc thì một ông chủ doanh nghiệp vẫn nhớ cách nấu cháo cho vợ, vẫn nhớ được sự tồn tại của người vợ đứng sau thành công của anh ấy.
Và giờ đây, vào năm 2020, vợ chồng họ đã gần 70 tuổi, cùng nhau trải qua hơn 40 năm hôn nhân. Mọi thứ đã thay đổi, xã hội ngày càng phát triển hiện đại nhưng hương vị bát cháo ấy và tình yêu thương mà họ dành cho nhau thì mãi vẹn nguyên.
Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.
Video xem thêm: Nỗi sợ hôn nhân, ai mà không có?