Đại Kỷ Nguyên

Chỉ chờ 1 phút, người lái taxi có một chuyến xe đêm không bao giờ quên…

Hai mươi năm trước, tôi làm nghề lái taxi như một gã cao bồi không muốn bị quản thúc… Vì lái ca đêm, xe của tôi bất đắc dĩ trở thành một phòng xưng tội di động.

Hành khách lên xe, ngồi sau tôi và hầu hết đều không xưng danh, kể cho tôi nghe về cuộc đời của họ. Tôi đã từng gặp những người mà cuộc đời họ làm tôi hết ngạc nhiên, rồi nể phục, cười rồi lại khóc. Nhưng chưa có ai làm tôi xúc động như người phụ nữ mà tôi đã đón vào một tối muộn tháng Tám.

Khuya hôm đó, tôi đón khách gọi từ một khu nhà phức hợp nhỏ nằm yên tĩnh trong một thành phố. Tôi tưởng rằng mình sẽ đón vài khách đi dự tiệc về trễ hoặc ai đó vừa cãi nhau với người yêu, hay một nhân viên phải làm ca sớm tại nhà máy trong khu công nghiệp của thành phố.

Khi tôi đến nơi lúc 2:30 sáng, tòa nhà tối đen như mực ngoại trừ một ánh sáng đơn độc hắt ra từ cửa sổ tầng trệt. Với tình hình này, nhiều tài xế sẽ lái tới lái lui một hai lần, đợi khoảng một phút, rồi sau đó sẽ lái đi. Nhưng tôi đã từng gặp nhiều người nghèo phải dựa vào taxi như là phương tiện di chuyển duy nhất.

Trừ những tình huống ngửi thấy mùi nguy hiểm, tôi luôn đi thẳng đến cửa. Hành khách này có thể cần đến sự trợ giúp của tôi, tôi trấn an mình như thế. Và tôi bước thẳng đến gõ cửa.

“Chờ một phút”, giọng một người lớn tuổi yếu ớt trả lời.

Tôi nghe thấy tiếng gì đó bị kéo lê trên sàn. Sau khi ngừng một lúc, cửa mở. Một phụ nữ tuổi tầm 80 đứng trước mặt tôi như thể ai đó vừa bước ra từ bộ phim của thập niên 1940. Bà mặc một chiếc váy và đội mũ pillbox có một tấm màn che (loại mũ tròn dáng hộp, dẹt thường được các phu nhân, công nương quyền quý diện trong những dịp quan trọng để tôn phong thái lịch thiệp, sang trọng).

Bên cạnh bà là một chiếc vali nhỏ. Căn hộ trông như không có người ở nhiều năm rồi. Tất cả đồ nội thất đều được che phủ. Trên tường không có đồng hồ, không có đồ trưng bày trang trí và cũng không có đồ dùng trên quầy bếp. Trong góc phòng là một thùng các tông chất đầy ảnh và đồ dùng thủy tinh.

(Ảnh: deadwood painters)

“Cậu giúp tôi mang vali ra xe nhé?” Bà nói.

Tôi đem vali ra xe, sau đó quay lại trợ giúp bà. Bà vịn vào tay tôi và chúng tôi chậm rãi bước về phía lề đường. Bà liên tục cám ơn sự giúp đỡ của tôi.

Tôi bảo bà rằng “Không có gì, tôi mong rằng mẹ tôi cũng được ai đó đối xử tốt như cách tôi vẫn làm với khách hàng của mình.”

“Con trai ngoan,” bà nói.

Khi vào xe, bà đưa tôi một địa chỉ và hỏi “Cậu có thể lái qua trung tâm thành phố được không?”

Tôi liền đáp “Đó không phải là đường ngắn nhất để đi tới địa chỉ này.”

Bà nói “Oh, không sao, tôi không vội. Tôi đang trên đường đến một trại  tế bần.”

Tôi nhìn vào gương chiếu hậu, đôi mắt bà đang long lanh lên.

Bà nói tiếp “Tôi không còn bất kỳ người thân nào. Bác sĩ nói rằng tôi không còn sống được bao lâu nữa.”

Tôi lặng lẽ với tay và tắt đồng hồ tính tiền. Tôi hỏi “Bà muốn đi theo đường nào ạ?”

Trong hai tiếng sau đó, chúng tôi đã lái qua thành phố. Bà chỉ cho tôi xem tòa nhà nơi bà từng làm nhân viên trực thang máy. Chúng tôi lái qua những khu phố nơi bà và chồng bà đã từng sống khi vừa kết hôn.

Bà kéo tôi đến trước cửa một kho hàng nội thất mà trước đây từng là một phòng khiêu vũ nơi bà đã từng đến nhảy múa khi còn trẻ. Đôi lúc bà yêu cầu tôi chạy chầm chậm trước một tòa nhà hay góc đường đặc biệt nào đó và ngồi nhìn chằm chằm vào bóng tối, không nói năng gì cả.

(Ảnh: YellowCabNYC.com)

Khi ánh nắng đầu tiên ló dạng ở chân trời, bà bất thình lình bảo “Tôi mệt rồi. Chúng ta đi thôi.”

Chúng tôi lái xe trong im lặng đến địa chỉ mà bà đưa tôi. Đó là một tòa nhà thấp, giống như một nhà nghỉ dưỡng nhỏ, có đường cho xe chạy vào tận mái hiên. Hai hộ lý bước đến xe ngay khi chúng tôi vừa tới.

Họ chu đáo quan sát từng cử động của bà. Chắc hẳn họ đang đợi bà đến. Tôi mở cốp xe và lấy chiếc vali nhỏ đem đến trước cửa. Bà đã ngồi vào một chiếc xe đẩy.

“Tôi nợ cậu bao nhiêu?” Bà vừa hỏi vừa đút tay vào túi.

“Không bao nhiêu cả.” Tôi đáp.

Bà trả lời “Cậu còn phải kiếm sống mà.”

“Còn có những hành khách khác.” Tôi đáp.

Tôi cúi người xuống và ôm lấy bà mà không nghĩ gì cả. Bà cũng ôm lấy tôi thật chặt.

“Cậu đã cho bà lão này một khoảng thời gian vui vẻ đấy. Cám ơn con trai!” Bà nói.

Tôi nắm chặt tay bà, sau đó bước đi trong ánh sáng buổi sớm mai mờ ảo. Đằng sau lưng, tiếng cửa đã đóng. Đó là âm thanh tiếng đóng cửa của một cuộc đời.

Tôi không nhận thêm khách nào vào ca đó nữa. Tôi lái một cách vô định, lạc trong suy nghĩ. Trong suốt ngày hôm đó, tôi khó có thể thốt nên lời. Sẽ thế nào nếu người phụ nữ đó gặp phải một tài xế nóng tính, hoặc người không kiên nhẫn, không thích chờ đợi người khác và lái xe bỏ đi?

Trong một nhận định thoáng qua, tôi không nghĩ rằng mình đã làm nhiều điều quan trọng trong đời. Chúng ta thường hay mặc định rằng cuộc đời xoay quanh những khoảnh khắc tuyệt vời. Nhưng khoảnh khắc tuyệt vời thường ập đến với chúng ta một cách không ngờ đến – gói gọn một cách tuyệt đẹp trong những gì người khác có thể cho là điều nhỏ nhặt.

—–

* Một câu chuyện có thật của một tác giả ẩn danh

“Bạn không bao giờ có thể làm được một điều tốt quá sớm, bởi vì bạn không bao giờ biết khi nào nó sẽ là quá muộn.”

– Ralph Waldo Emerson

Biên dịch: Hồng Hoa

Xem thêm:

Exit mobile version