Tuổi thơ là thời điểm tốt nhất để hình thành thói quen cho con trẻ. Vì trong khoảng thời gian này, đứa trẻ giống như một trang giấy trắng. Việc cha mẹ có thể hướng dẫn thói quen tốt cho con ngay từ lúc này cũng giống như đặt những viên gạch thành công đầu đời cho đứa trẻ vậy.
Có câu: “Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số mệnh”. Dưới đây là 7 thói quen tốt, cha mẹ cần truyền đạt lại cho con cái mình.
Thói quen 1: Làm việc có kế hoạch
Có rất nhiều trẻ trước mỗi lần kiểm tra đều rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng, làm việc gì cũng không nhập tâm. Để giúp trẻ loại trừ được thói quen xấu này nhất định phải giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của kế hoạch. Chẳng hạn, bạn có thể dạy trẻ học cách lên lịch cho ngày hôm sau, rồi dán lên một nơi dễ nhìn thấy nhất để luôn ghi nhớ.
Hình thành thói quen tốt này, trẻ sẽ nhận được nhiều lợi ích trong suốt cuộc đời. (Ảnh: Internet)
Thói quen 2: Biết lễ phép và đối xử tử tế với người khác
Người luôn nở nụ cười trên môi sẽ tạo cho người khác cảm giác dễ gần. Người luôn đối xử chân thành, lương thiện, khoan dung với người khác cũng sẽ luôn được tất cả mọi người hoan nghênh. Vậy nên, bạn hãy làm gương cho bé từ những việc nhỏ nhất như: thường xuyên nói “xin chào, cảm ơn, xin lỗi”, nhờ vả người khác giúp đỡ bằng cách nói: “phiền bạn có thể giúp tôi …. được không?”… Mưa dầm thấm lâu, dần dần trẻ sẽ ý thức được phải đối xử với người khác như thế nào mới là phải phép lịch sự.
Hãy dậy trẻ thường xuyên nói “xin chào, cảm ơn, xin lỗi”. (Ảnh: Internet)
Thói quen thứ 3: Việc của mình mình tự làm
Có rất nhiều bậc phụ huynh không dám giao việc cho con vì sợ trẻ sẽ làm hỏng việc. Tuy nhiên, bạn phải học cách chấp nhận rủi ro, học cách tin tưởng và giao phó. Hãy cho con mình cơ hội được trải nghiệm, dần dần bạn sẽ phát hiện ra rằng trẻ có thể làm được những việc vượt qua cả sức tưởng tượng của bạn.
Hãy để trẻ hình thành thói quen tốt “việc của mình mình tự phải làm”. Và trước khi để trẻ tự học được đạo lý này, việc mà cha mẹ cần phải làm đó là phải biết buông tay.
Dậy trẻ cách gấp chăn màn mỗi sáng cũng là một điều rất hay. (Ảnh: Internet)
Đặc biệt, các bé mới bước vào tiểu học đều cần phải tự mình làm những việc như thức dậy mỗi sáng, gấp chăn màn, sắp xếp phòng, thu dọn sách vở… Bố mẹ không nên bao bọc làm giúp con. Bố mẹ có thể tổ chức một buổi lễ nhỏ để chúc mừng con đã lớn, sau đó nhắc nhở con: “Hiện nay con đã bắt đầu vào tiểu học rồi, đã là một người lớn, sau này những việc của con con tự làm nhé. Ba mẹ tin rằng con có thể làm tốt”.
Thói quen 4: Không được lấy đồ của người khác
Bạn hãy giúp con nhận thức về quyền sở hữu đồ vật, phân rõ ranh giới giữa đồ của mình và đồ của người khác. Hãy nói với con: “Đồ của bản thân, con có thể tùy ý sử dụng. Nhưng đối với đồ của người khác con không được như vậy, nhất định phải hỏi qua ý kiến của họ”.
Khi trẻ lấy đồ của bạn, bố mẹ nên nhẹ nhàng dạy dỗ trẻ chứ không nên la mắng. (Ảnh: Internet)
Rất nhiều trẻ khi thích đồ của người khác là liền “tiện tay” mang về nhà. Đó là bởi trẻ không ý thức được việc làm của mình là sai hay đúng. Việc của ba mẹ chính là chỉ cho trẻ biết. Khi phát hiện trẻ lấy đồ của bạn, đừng nên cho rằng trẻ cố tình ăn cắp, bạn hãy giúp trẻ phân biệt sự khác nhau giữa đồ dùng cá nhân và đồ dùng chung. Đối với đồ dùng cá nhân, không nên tự ý chạm vào. Còn đối với đồ dùng chung, trẻ lấy ở đâu thì mang để lại như cũ, ai lấy trước thì sử dụng trước, người đến sau phải học cách chờ đợi.
Thói quen thứ 5: Tuân thủ thời gian
Sắp xếp lịch sinh hoạt học tập và làm việc hợp lý thì mới nâng cao được hiệu suất làm việc. Nhưng trên thực tế, để trẻ học được cách tuân thủ thời gian không phải là việc dễ dàng. Bạn có thể để trẻ học cách nắm quyền chủ động bằng cách áp dụng quy chế cho bé như: “Sau 10 phút nữa còn cần tắt tivi đi làm bài tập”, “20 phút nữa cần phải rời khỏi giường”…
Sắp xếp lịch sinh hoạt học tập và làm việc hợp lý cho trẻ. (Ảnh: Internet)
Thói quen 6: Giữ một trái tim luôn biết khiêm tốn
Bạn hãy nói với con: “Mỗi người đều có ưu điểm riêng của mình, cho nên con cần khiêm tốn mới có thể học hỏi được điều hay từ mọi người”. Từng có những trẻ không dám giơ tay trả lời câu hỏi nhưng người bạn cùng bàn lại thường dũng cảm giơ tay phát biểu, luôn được thầy giáo khen ngợi. Đứa trẻ không dám phát biểu ý kiến liền nghe lời mẹ học hỏi “bí quyết” của người bạn cùng bàn. Khi ấy, người bạn cùng bàn vui vẻ chia sẻ: “Dù có nói sai thì cũng không sao mà. Vì thầy cô sẽ không trách chúng ta”. Câu nói này đã giải quyết được khúc mắc trong tâm lâu nay của đứa trẻ. Theo thời gian, đứa trẻ này cũng học người bạn ngồi cùng bàn giơ tay trả lời câu hỏi. Tinh thần hăng say học hỏi này giúp thành tích của trẻ trở nên tốt hơn, tính cách cũng ngày trở nên cởi mở.
Thói quen thứ 7: Cần tự xét lại bản thân khi mắc lỗi
Sai sót trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi nhưng khi trẻ mắc lỗi, các bậc phụ huynh không nên trách mắng con. Thay vào đó, bạn hãy hỏi con câu này: “Con có biết mình sai ở đâu không?”. Đợi sau khi con trả lời, hãy nghiêm túc giao hẹn với con: “Vậy thì chúng ta sẽ cùng ghi nhớ bài học lần này, không để phạm lỗi lần sau nữa, được không?”.
“Cho con núi vàng núi bạc, không bằng cho con một thói quen tốt”. (Ảnh: Internet)
Đối với việc học tập của trẻ cũng cần phải đối đãi hợp lý. Cha mẹ hãy giúp trẻ kịp thời tổng kết, tìm ra chỗ sai sót để giảm đi tỉ lệ mắc lỗi lần sau. Về lâu dài, trẻ có thể “khâu vá” lại những lỗ hổng kiến thức, làm cơ sở học tập căn bản vững chắc trong tương lai.
“Cho con núi vàng núi bạc, không bằng cho con một thói quen tốt”. Khi con còn bé thơ, cha mẹ hãy nuôi dưỡng và hình thành thói quen tốt cho con. Điều đó đặt nền móng rất quan trọng cho quá trình trưởng thành của trẻ. Nó cũng quyết định cả cuộc đời sau này của con cái bạn. Theo tính toán, trẻ cần 21 ngày để hình thành một thói quen tốt. Do đó, các bậc làm cha mẹ cần phải thật kiên nhẫn với con mình dù cho điều này đôi khi thật khó khăn.
Kiên Định (biên dịch)
Xem thêm: