Đại Kỷ Nguyên

Muốn giải quyết khó khăn, cần kiểm soát 4 điểm

Ảnh: Pixabay.

Khi chúng ta bị hãm trong khốn cảnh, thứ trợ giúp chúng ta không phải là vận may mà là thói quen được tu dưỡng hàng ngày. Mấu chốt nằm ở 4 điểm dưới đây…

Đối diện với cuộc sống hiện tại, mỗi người chúng ta đều gặp phải những vấn đề khó khăn ở các mức độ khác nhau. Trong đó, cách thức giải quyết vấn đề lớn nhỏ như thế nào đã trở thành điểm mấu chốt đo lường năng lực của một người, đồng thời cũng trở thành một trong những tiêu chí quan trọng xác định một người có thể đi được bao xa.

Thành thật mà nói, khi chúng ta bị hãm trong khốn cảnh, thứ trợ giúp chúng ta không phải là vận may mà là thói quen được tu dưỡng hàng ngày, điều này giúp chúng ta trở thành người có trí huệ, có thể ngăn cơn sóng dữ, gặp vấn đề mà không lo lắng, có thể giải quyết sự việc một cách tài tình. 

Cụ thể, khi gặp chuyện mà có thể giải quyết một cách thuận lợi, mấu chốt nằm ở 4 điểm dưới đây. 

#1. Khống chế cảm xúc của bản thân

Từ góc độ tâm lý mà nói thì cảm xúc là một loại sức mạnh, nó không vô cớ tồn tại, khi bạn không thể kiểm soát được cảm xúc của mình thì sẽ bị nó khống chế chi phối, tác động khiến bản thân mất đi lý trí và đưa ra những quyết định sai lầm. 

Khi gặp khó khăn trở ngại hay rắc rối, ban đầu nội tâm của chúng ta thường bị dao động mạnh, có người ăn năn hối hận, có người đấm ngực dậm chân, than thân trách phận, cho rằng ông Trời đối với mình bất công hoặc than rằng hoàn cảnh quá éo le, từ đó không nhìn thấy được chân tướng của sự việc hoặc cách thức chính xác để giải quyết vấn đề là gì. 

Chỉ khi thoát ra khỏi sự khống chế của cảm xúc thì chúng ta mới có thể tìm ra được cách thức tốt nhất để giải quyết vấn đề, giúp cho tình trạng bớt trở nên nghiêm trọng và phức tạp. Có vậy chúng ta mới giải quyết được phiền phức và giảm thiểu tổn thất tới mức thấp nhất. 

Lúc lâm nạn thực sự sẽ thấy được khả năng khống chế cảm xúc thật sự của một người. Giữ được bình tĩnh và không bị cảm xúc chi phối, chúng ta mới có thể nhìn ra điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu và làm thế nào để giải quyết một cách nhanh nhất. 

Vì vậy, khi bị vây hãm trong mớ rắc rối, điều đầu tiên chúng ta cần làm là kiểm soát cảm xúc của chính mình, để nội tâm thanh tĩnh, đầu óc tỉnh táo suy nghĩ vấn đề, sau cùng mới thực hiện mọi việc một cách bình tĩnh. Chỉ khi làm được điều này chúng ta mới có thể kiểm soát được cuộc sống của chính mình và làm chủ cuộc đời. 

#2. Không ngừng học tập

Có câu: “Chim muốn bay cao thì trước tiên dương cánh, người cầu tiến bộ trước tiên cần đọc sách”. 

Cũng có câu “văn ôn võ luyện”, một người muốn duy trì được kỹ năng của chính mình, bản lĩnh vượt qua thử thách hay năng lực giải quyết vấn đề, thì việc không ngừng học tập là vô cùng trọng yếu. 

Đối với sinh mệnh mỗi người mà nói, thành tích chỉ đại biểu cho quá khứ đã đạt được, chỉ khi không ngừng học tập rèn luyện thì mới bảo đảm được tương lai tốt đẹp của chính mình. 

Khi bạn có khả năng không ngừng học hỏi, bạn sẽ tìm ra được con đường ngắn nhất để đi, không trở thành người cố chấp bảo thủ. Không ngừng học tập sẽ không ngừng gia tăng sức mạnh, cuối cùng sẽ trở thành người thực sự lợi hại.  

Học tập là cách để chúng ta không ngừng nạp thêm sức mạnh cho bản thân, bù những thiếu sót, để bản thân ngày một hoàn thiện hơn, chỉ có như vậy thì mới có năng lực thật sự khi đối diện với vấn đề, mới có thể giúp bản thân tìm ra cách thức giải quyết trong thời gian ngắn nhất. 

Trên thực tế, một người cuối cùng có thể vượt lên trên những người khác thường thường là dựa vào năng lực tự học tập, học một cách không ngừng nghỉ, tích lũy tri thức từng chút một, giúp bản thân ngày một mạnh mẽ hơn, đến cuối cùng trở thành người mà bản thân mong muốn. 

#3. Ứng biến linh hoạt

Trong Kinh Dịch có viết: “Cùng tất biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”. Ý tứ là đối với mỗi một sự việc đều có biến hóa, khi đi đến tột cùng thì sẽ có thay đổi, thay đổi rồi thì nó sẽ không còn bế tắc, thông suốt rồi thì sẽ được dài lâu. 

Khi làm bất kể việc gì, bạn cần biết cách ứng biến, muốn làm được thì cần phân tích vấn đề một cách cụ thể, không nên cố chấp bảo thủ, thoát ra khỏi lối suy nghĩ cố hữu mới có thể nhìn thấy toàn cảnh của vấn đề, có vậy thì mới có được bản lĩnh gặp núi mở đường, giải quyết nhanh nhất các vấn đề khó khăn. 

Năng lực ứng biến linh hoạt của bản thân giúp cho một người có thể tìm ra con đường mới khi cùng đường chứ không phải là bó tay chịu trói. Nếu không thể ứng biến linh hoạt thì không chỉ lãng phí thời gian và sức lực mà còn làm nhiều công ít, đánh mất thời cơ tốt. 

Ứng biến linh hoạt chính là có thể nhìn vấn đề ở góc độ khác để tìm ra cách giải quyết dễ dàng hơn. Bởi vì nhiều lúc chúng ta thường bị “không nhìn được diện mạo thực sự của Lư sơn bởi vì thân đang ở trong núi này” (1). Khi hiểu được ứng biến linh hoạt thì điều chờ đợi sẽ là ‘một thôn trang ở trước mặt” (2).

Trên đường đời mỗi người sẽ phải đối diện với những bước ngoặt quan trọng, gặp không ít những khó khăn bế tắc, thậm chí có lúc còn không biết liệu bản thân có đi đến đích hay không, nhưng thực tế, những lúc như vậy chính là đang nhắc nhở chúng ta thay đổi cách nhìn vấn đề, ứng biến linh hoạt thì mọi sự sẽ lại thông. 

Một người có khả năng ứng biến linh hoạt cũng cho thấy được năng lực giải quyết vấn đề và giúp anh ta có thể bước đi được xa hơn. 

#4. Tìm ra nguồn gốc của vấn đề

Nhiều khi gặp khó khăn trắc trở, chúng ta tỏ ra rất lúng túng không biết phải làm sao.

Kỳ thực, điều còn thiếu lúc này là không tìm ra được nguồn gốc của vấn đề, không biết phải bắt đầu xử lý từ đâu mới đúng, cho nên tư tưởng cứ bị hãm trong mâu thuẫn khó khăn khiến cho bản thân bị mất phương hướng. 

Vì vậy, chỉ khi có thể xác định được nguồn gốc của vấn đề mới tìm ra được cách thức để đột phá, giải quyết triệt để vấn đề vướng mắc gặp phải. 

Cho nên, để xác định đúng ngọn nguồn vấn đề, trước tiên chúng ta cần phân tích một số điểm mấu chốt, sau đó so sánh được và mất, xem cách thức đó có thể trợ giúp chúng ta giải quyết vấn đề hay không. 

Điều này đòi hỏi khả năng quan sát nhạy bén, phán đoán một cách tỉnh táo, hành động nhanh chóng và quyết đoán mới có thể giải quyết được vấn đề khó khăn, giúp bản thân thoát khỏi khốn cảnh. 

Sức mạnh chân chính của một người không dựa vào vận may mà dựa vào thực lực của bản thân để đạt được từng chút một những thứ mình muốn, giúp cho đường đời ngày càng rộng mở hơn.

Theo Aboluowang
San San biên dịch

Chú thích:

(1) Nguyên văn hai câu thơ của Tô Thức: “Bất thức Lư Sơn chân diện mục, Chỉ duyên thân tại thử sơn trung”.

(2) Nguyên văn hai câu thơ của Lục Du: “Sơn trùng thủy phúc nghi vô lộ; Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”. Tạm dịch nghĩa: Núi cùng nước tận ngờ hết lối, bóng liễu hoa tươi lại một làng.

Exit mobile version