Hút thuốc là có tác hại khủng khiếp đối với sức khỏe con người, nó làm tăng huyết áp và nhịp tim, làm dày máu, và ức chế lượng oxy lưu thông trong cơ thể bạn, làm hẹp động mạch vành, dẫn đến nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Kể cả sau khi bỏ thuốc thì cũng cần 16 năm mới loại bỏ hoàn toàn tác hại của chúng. Bởi vậy hãy giúp người thân của bạn từ bỏ khói thuốc càng sớm càng tốt.
Cai thuốc lá luôn là một quá trình khó khăn. Có rất nhiều biện pháp để giúp cắt cơn nghiện, song tình trạng tái nghiện cũng trở rất phổ biến. Hiện nay hầu hết trên các vỏ bao thuốc lá đều có những lời khuyến cáo, hình ảnh gây sốc để người dùng có thể nhận thức được sự tàn phá khủng khiếp của thuốc lá. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra những thông điệp như này không thực sự hiệu quả.
Theo CDC, số liệu thống kê gần đây nhất về tình trạng hút thuốc lá, hơn 15 trong số 100 người Mỹ từ 18 tuổi trở lên hiện đang hút thuốc lá, có thêm khoảng 37,8 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ. Hơn 16 triệu người Mỹ sống với căn bệnh liên quan đến hút thuốc lá, và đó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể phòng ngừa, chiếm 1/5 số ca tử vong ở Mỹ. |
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, nếu người thân chưa thực sự muốn bỏ thuốc mà bạn cứ ép họ phải cai thì có thể sẽ mang đến tác dụng ngược. Họ có thể hút nhiều hơn như một cách phản khác hoặc lén lút hút ở mọi nơi có thể. Để giúp những người này từ bỏ thuốc hoàn toàn bạn phải đánh vào nhận thức của chính họ, sao cho họ thấy tác hại, sự ảnh hưởng của khói thuốc đến cơ thể và những người xung quanh cũng như trách nhiệm của họ với bản thân và người bên cạnh.
Nhiều người hút thuốc nói rằng họ không thể bỏ thuốc lá vì nó giúp họ giảm bớt căng thẳng. Nhiều người trưởng thành bắt đầu hút thuốc khi gặp những cú sốc trong cuộc đời, như mất việc hoặc ly dị hay thất bại trong công việc…Song thực tế nicotine làm tăng mức độ lo lắng khi làm tăng nhịp tim của người hút. Sở dĩ nhiều người cảm thấy được giải tỏa nhờ khói thuốc là bởi thuốc lá góp phần giải phóng hormone dopamine tạm thời. Thực chất những người đang buồn chán hay thất vọng họ chẳng hề để ý đến sức khỏe hay quan tâm đến lối sống lành mạnh, họ chỉ sống qua ngày, nên cũng chẳng buồn quan tâm đến tác hại của thuốc lá. Dù rằng các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ ung thư phổi cũng tương đồng với những người có rối loạn cảm xúc.
Nếu bạn đang cố gắng giúp đỡ một người thân bỏ thuốc lá, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn chỉ cho họ thấy thói quen này đã ảnh hưởng tiêu cực đến bạn như thế nào. Và các con số của CDC đã chứng mình điều này. Theo công bố của cơ quan này,từ năm 1964 tại Mỹ có khoảng 2.500.000 người không hút thuốc đã tử vong vì tiếp xúc với khói thuốc. 28% người được thuyết phục đã bỏ thuốc vì lý do khói thuốc có thể làm hại tới vật nuôi hay người thân. Và nhiều người cũng quyết tâm chia tay khói thuốc khi nghĩ đến những đứa con nhỏ của mình sẽ bị ảnh hưởng.
Khi mới bắt đầu cai, những người nghiện nicotine cảm thất vật vã, thậm chí còn có các triệu chứng như nôn mửa, nôn khan, và cảm giác thèm ăn dữ dội, buồn bực trong người và không muốn làm gì. Một số người cảm thấy bị mất mát khi không được cầm điếu thuốc trên tay. Tuy nhiên, những triệu chứng này sẽ dần hết sau vài ngày, bởi vậy, bạn cần luôn ở bên họ để động viên họ qua cơn khó chịu đó.
Trên thị trường cũng đã có nhiều công cụ để hỗ trợ cai nghiện thuốc lá như các miếng dán, kẹo cao su nicotine, vv Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp thay đổi thói quen, còn để cai hoàn toàn những người hút thuốc cần được “cắt cơn” ngay từ các hình thức lâm sàng.
- Thay đổi thương hiệu thuốc lá, bởi vì thay đổi thương hiệu sẽ thay đổi hương vị góp phá vỡ thói quen của người hút, dần dần thay đổi hành vi.
- Giãn tần suất hút thuốc, làm giảm sự phụ thuộc nicotine.
- Cắt giảm liều lượng bằng cách chọn thuốc có hàm lượng nicotine thấp hơn, hút không hết điếu thuốc. Mỗi khi định hút thuốc để giảm căng thẳng hãy suy nghĩ nicotine chỉ là chất kích thích không thực sự giúp lấy lại bình tĩnh.
- Hãy đưa cho người ấy một ly sữa mỗi khi họ hút thuốc bởi rượu và cà phê dường như làm tăng hương vị của thuốc lá, các sản phẩm từ sữa như sữa và pho mát làm cho chúng có mùi vị khủng khiếp. Bởi vậy, họ sẽ dần dần chán ghét thuốc lá.
Trong quá trình cắt bỏ thuốc, bạn nên khuyến khích người thân tập luyện thể thao, uống nhiều nước và tăng cường bổ sung vitamin bằng các loại rau quả và nước trái cây. Một số thực phẩm cũng giúp làm sạch phổi như súp lơ, cải bó xôi, quả bơ, cá, trứng, và trà xanh….
Hà Vũ (Tổng hợp)