Đại Kỷ Nguyên

Nằm lòng 4 bí quyết du học New Zealand với chi phí hạn hẹp

Tự nấu ăn, sử dụng ưu đãi của sinh viên và chi tiêu hợp lý là phương án hiệu quả giúp bảo vệ hầu bao của các du học sinh ở New Zealand.

Theo Tuổi Trẻ, ngoài chất lượng về giáo dục, môi trường sống an toàn thì chi phí sinh hoạt hợp lý là lý do quan trọng giúp New Zealand thu hút hàng trăm nghìn sinh viên từ khắp nơi trên thế giới về học tập. Một số bí quyết dưới đây sẽ gúp du học sinh giảm thiểu chi phí khi du học ở xứ Kiwi.

Sử dụng thẻ sinh viên

Với hơn 131.000 sinh viên du học đến từ khắp nơi trên thế giới, các dịch vụ cũng phát triển theo. Nếu là sinh viên, khi sử dụng thẻ sinh viên, bạn sẽ có cơ hội được miễn phí dịch vụ ngân hàng và hoàn toàn có thể được mua mức giá discount như vé xe buýt, sách, vé xem phim, nghe nhạc…

Ngoài thẻ sinh viên, Hội Sinh viên các trường (Student Association) cũng có thể cấp thêm cho mỗi sinh viên một thẻ giảm giá riêng để nhận được ưu đãi từ các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ (cắt tóc, spa…).

Hệ thống nhà hàng, cửa hàng địa phương và các khu giải trí luôn áp dụng các chương trình ưu đãi cho sinh viên. Đây là cách hiệu quả để bảo vệ hầu bao của mình.

Mua hoặc xin đồ cũ

Quần áo và đồ gia dung có thể được mua với giá rẻ tại các cửa hàng đồ cũ ở New Zealand. (Ảnh: thewalkinwardrobe)

Quần áo và đồ gia dụng là những món đồ không thể không sắm sửa trong suốt những năm du học. Tuy vậy, không nhất thiết phải chi tiêu một khoản ngân sách lớn để mua sắm đồ mới, đồ hiệu.

New Zealand có rất nhiều cửa hàng kinh doanh đồ cũ, thậm chí các cửa hàng này còn đông khách hơn các cửa hàng bình thường (người New Zealand không quá coi trọng việc bạn mặc đồ hiệu hay đồ bình dân).

Sinh viên hoàn toàn có thể chọn mua những món quần áo và đồ dùng trong nhà như quần áo, chén bát, giày dép, chăn màn… với giá rất rẻ (giá 1 cái áo/quần hoặc 1 đôi giày trung bình là 3-5 NZD).

Bên trong một cửa hàng đồ cũ ở New Zealand . (Ảnh: thewalkinwardrobe)

Giá rẻ như vậy là vì những cửa hàng đồ cũ ở đây hầu hết đều là thuộc các tổ chức từ thiện/phi lợi nhuận hoặc người bản xứ mang tặng.

Hơn thể nữa, số tiền bán hàng sẽ được quyên góp toàn bộ để giúp đỡ trẻ em bệnh tim, người già, người khuyết tật.

Như vậy, mua đồ dùng cũ không chỉ giúp sinh viên tiết kiệm được một số tiền lớn mà còn góp phần san sẻ được với những hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, sinh viên cũng có thể tìm đến các mạng lưới cho/ xin đồ cũ như freecycle, neighbourly. Người New Zealand có lối sống khá giản dị và tiết kiệm. Khi cần họ sẽ không ngại đăng tin để xin đồ cũ và khi có đồ cũ cần cho đi thì họ cũng đăng tin để những ai cần dùng có thể xin.

Đi làm thêm

Theo quy định của Chính phủ New Zealand, sinh viên quốc tế theo học tại đây sẽ được phép đi làm thêm 20 giờ/tuần và làm việc toàn thời gian trong các kỳ nghỉ.

Nghiên cứu sinh bậc thạc sĩ và tiến sĩ được phép làm việc toàn thời gian. Với ưu đãi này, bạn có thể tranh thủ tìm một công việc phù hợp để có thu nhập trang trải sinh hoạt phí thường ngày.

Phương Anh, cựu sinh viên Đại học Massey, New Zealand chia sẻ trên Tuổi Trẻ , vào thời gian du học, nhờ đi làm thêm mà cô có thể kiếm được tới 1.100 NZD (hơn 18 triệu đồng) một tháng trong mùa đi học và khoảng hơn 2.000 NZD/tháng trong những kỳ nghỉ. Với số tiền này đủ trang trải các sinh hoạt phí mà không phải xin gia đình.

Phương Anh (nữ áo cam, đeo kính) cùng những đồng nghiệp của mình tại Juice Bar Tank. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Một số công việc sinh viên có thể làm là: nhân viên tại các cửa hàng thức ăn nhanh, siêu thị; đóng gói hoa quả tại các nông trại; giữ trẻ; nhân viên thư viện, nhân viên quản lý ký túc xá của trường…

Mức lương tối thiểu cho mỗi công việc là khoảng 17 NZD/ giờ. Bạn có thể tìm đến phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường để được giới thiệu việc làm hoặc liên hệ đến Student Job Search (SJS) – một tổ chức nhằm hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm thêm tại New Zealand để được giúp đỡ và không quên liên lạc với cơ quan cấp visa để kiểm tra các điều khoản được cho phép.

Sinh viên cũng có thể theo dõi thông tin việc làm thông qua các website uy tín như Seek.co.nz hay Trademe.co.nz.

Tự nấu ăn

Sau học phí, chi phí ăn uống, sinh hoạt có lẽ là vấn đề ‘nặng túi’ nhất với du học sinh. Tự nấu ăn là cách giảm thiểu chi phí này.

Theo kinh nghiệm của Lê Kim An Nhiên – đang học thạc sĩ ngành truyền thông quốc tế tại Học viện Kỹ nghệ Unitec, New Zealand, việc tự nấu ăn ở nhà chỉ mất khoảng 70 đôla New Zealand (NZD) một tuần, còn nếu đi ăn ở ngoài, một bữa ăn bình thường cũng đã mất từ 12-15 NZD/bữa. Như vậy tính ra tự nấu ăn có thể tiết kiệm tới 2/3 chi phí ăn uống.

Siêu thị ở New Zealand chủ yếu bán đồ dùng và thực phẩm phù hợp với thị hiếu của người bản địa. Tuy vậy, các siêu thị vẫn có một quầy hàng bán một số thực phẩm châu Á, như nước mắm, nước tương, bún khô, phở khô, bánh tráng.

Ngoài ra du học sinh Việt Nam cũng có thể mua thực phẩm từ các cửa hàng chuyên bán đồ châu Á. Lưu ý là không nên mua các mặt hàng nông sản New Zealand trái mùa sẽ rất đắt đỏ.

Ở New Zealand cũng có khá nhiều “community garden” – những vườn rau củ do người dân địa phương lập ra nhằm mục đích phục vụ cộng đồng.

Bạn có thể đến đây phụ giúp làm vườn và nhận rau củ về sử dụng, một cách để giảm stress sau những giờ học căng thẳng mà lại giúp giảm bớt tiền đi chợ.

Theo Gia Đình Mới , có 8 trường đại học ở New Zealand và với mỗi mức học phí riêng theo ngành học và bậc học.Trung bình, một sinh viên quốc tế phải chi khoảng 20.000 NZD (1 NZD = 16.800 VND) cho bằng đại học khoa học xã hội hoặc, 25.000 NZD cho ngành khoa học kỹ thuật và 75.000 NZD cho cử nhân y khoa và nha khoa.

Sinh viên có thể lựa chọn nhà ở để phù hợp với tài chính như ký túc xá (trung bình200 hoặc 105 đô/tuần); thuê phòng ở ghép (120 đô/tuần) hoặc căn hộ riêng (180 đô/tuần).

New Zealand có mức sinh hoạt phí rẻ hơn so với các nước có chất lượng giáo dục tương đương. Đây là một trong những lý do chinh khiến hơn 131.000 sinh viên quốc tế (trong đó có hơn 2.400 sinh viên Việt Nam) chọn theo học.

Thanh Thanh

Exit mobile version