Đại Kỷ Nguyên

Nàng dâu kiệm lời

Ảnh minh họa (nguồn: Pixnio).

Con dâu đi làm về, chưa kịp cởi giày đã nghe trong bếp tiếng mẹ chồng hậm hực: “3 năm làm dâu chưa bao giờ thấy nó lo lắng Tết nhất với mẹ chồng. Dâu nhà người ta, áp Tết đã xắng xở mua sắm, sửa sang nhà cửa. Còn nó thì đi tối ngày, mà chẳng ai dám mở mồm nói một câu”.

Con dâu không nói gì, để túi xách lên ghế, gieo mình xuống chiếc ghế bành đã bắt đầu bong lớp da bên ngoài.

“Ô hay! Đi đâu về mà còn không kịp cởi giày, nằm ườn ra đấy”. Mẹ chồng chạy lên, trách. Bố chồng ì ạch trong chiếc xe lăn, cằn nhằn: “Bà nói nhỏ cho tôi nhờ, đêm khuya phải để cho nhà người ta ngủ chứ”.

Khổ thế, ở khu tập thể, nhà nào có sự vụ gì là y như rằng ai cũng biết. Mà gia đình ông bà, mấy chục năm sống ở đây, nào có tai tiếng gì. Tất cả chỉ tại con dâu. Ông bà xuất thân trí thức, mỗi anh con trai duy nhất cũng học rộng tài cao. Thế gian được vợ mất chồng, y như rằng rước ngay về một cô vợ có một không hai.

***

Ngay từ lúc mới về nhà chồng, con dâu đã ít nói. Nhiều người nhận xét con trai khéo chọn được vàng mười. Nghe mẹ nói lại, con trai cười sảng khoái: “Ai nhận xét câu khá đấy. Im lặng là vàng mà mẹ”. Tưởng với nét tính cách ấy, con dâu chỉ ru rú trong nhà, ai ngờ chạy như ngựa vía. Nhất là hơn năm nay, ông bị ung thư máu, một tay bà quán xuyến chăm sóc, họa hoằn lắm mới thấy con dâu động tay động chân giúp đỡ.

May mà con trai còn làm ăn được. Mỗi lần điều trị là một lần quẳng tiền qua cửa sổ. Con dâu không giúp được gì, trái lại mặt mày lúc nào cũng bí xị. Chắc tiếc tiền.

Nhớ ngày xưa, nhà con dâu chê con trai là công chức ba cọc ba đồng. Giờ thì rõ mèo nào hơn mỉu nào.

Đã thế, con trai lại bênh vợ chằm chặp, hễ mẹ cằn nhằn lại gạt đi.

Ảnh minh họa (cảnh phim “Mẹ và con trai”).

Giáp Tết, phụ nữ trong khu tập thể, dù chưa được nghỉ nhưng cứ hở ra là đáo chỗ này chỗ kia sắm sửa, riêng con dâu vẫn thong dong đi về. Mà về rất muộn. Lắm hôm, chỉ kịp hôn đứa con gái lên hai một cái, rồi lăn ra ngủ. Chẳng ai ăn mặc như con dâu, cứ như đàn ông, rách rưới, thùng thình, xắn, xén đủ cả. 

***

Sáng ra, con dâu đã sửa soạn chuẩn bị rời khỏi nhà. Bố chồng đang chơi với con bé con, ôn tồn: “Tranh thủ ít thời gian ở nhà lo Tết nhất. Năm nay bố yếu, không phụ mẹ được nhiều”. Con dâu khoác túi lên vai, bẹo má con một cái, trả lời: “Vâng! Chiều con gắng về sớm. Công ty cuối năm lắm việc quá”.

Hôm ấy, con dâu lại về muộn. Mẹ chồng vẫn đang hì hụi dưới bếp. Lần này bà lẳng lặng, chẳng nói gì. Con dâu sà vào, cắt hoa cà rốt. “Mấy ngày nay, người ta đang đánh tiếng đòi món nợ nhà mình mượn hồi giữa năm để thay máu cho bố. Tết nhất đến nơi, mình không xoay được thì áy náy lắm. Năm nay nhà mình ăn Tết cần kiệm thôi”, mẹ chồng than thở. Con dâu lục túi, đưa cho mẹ chồng một cọc tiền: “Lúc chiều, vợ chồng con đã gặp và thanh toán hết cả rồi. Mẹ yên tâm. Còn đây là ít tiền con làm thêm được, mẹ cầm lấy xem nên mua sắm thêm thứ gì. Ăn Tết đầy đủ, vui vẻ, tinh thần bố mới khá được. Mẹ đừng tiết kiệm quá. Chúng con kiếm được”.

Mẹ chồng cầm tiền, mắt bỗng chạm những chỗ rách trên đầu gối chiếc quần bò rộng thình của con dâu. Tự hỏi, con dâu vừa về từ ngoài trời, gió to thế, không biết có lạnh không?

***

30 Tết, mãi tận chiều con dâu mới về. Loanh quanh được một lúc thì ăn tất niên. Lúc này, con dâu mới chính thức xuống bếp trổ tài làm mứt. Con trai đi uống rượu đâu về, hỏi: “Nhà con đâu?”. Mẹ chồng đáp: “Đang làm mứt”. Con trai càm ràm: “Nghỉ cho khỏe, cứ bày vẽ thêm”. Giao thừa, cả nhà quây quần bên nhau. Con trai ngượng nghịu lì xì bố mẹ một món khá to. Con dâu ngồi ôm con, con bé bi bô, có khi còn nói nhiều hơn mẹ.

Khuya mồng 1, đang ngủ, mẹ chồng nhớ ra chưa tắt đèn ở bếp. Đi ra, thấy con dâu đang ngồi trên bàn ăn, chúi mũi vào máy vi tính, tay như múa trên bàn phím. Mẹ chồng thở dài trở lại giường. Bố chồng biết chuyện, thản nhiên: “Khuya nào chẳng thế. Không biết làm cái gì mà thâu đêm suốt sáng”.

Mồng 2 Tết, con trai lại đi uống rượu về. Con dâu với con gái đã sang nhà ngoại chơi. Bố chồng ngủ trong phòng, con trai múa may quay cuồng một lúc rồi nằm bệt ra ghế, lảm nhảm: “Bố mẹ không được trách cứ gì vợ con. Cô ấy quá tốt”. Mẹ chồng lấy cao bôi vào lòng bàn chân, pha nước chanh cho uống, con trai không chịu. Mẹ chồng dỗ dành: “Cho giã rượu, lát nữa còn đi chúc Tết sếp”. Con trai bỗng dưng như tỉnh hẳn: “Mẹ không biết gì thật sao? Không có sếp nào mà đi chúc cả”. “Nói linh tinh. Mọi năm ngày này vợ chồng mày chả đi chúc Tết sếp. Nhanh, để mẹ gọi nó về”. “Mẹ!”, con trai nói giọng buồn bã, “Con mất việc cả năm nay. Có làm ăn gì đâu. Tất cả là nhờ nhà con. Tiền thuốc thang, thay máu cho bố, tiền trả nợ cho người ta, chi tiêu trong nhà. Tất, đều nhà con cả”. Mẹ chồng run run ngồi xuống ghế: “Con nói thật hay đùa? Sao lại giấu bố mẹ?”. “Nhà con không cho nói. Con đã bảo rồi mà. Sự im lặng bằng vàng”.

***

Mồng 3 Tết, mẹ chồng dậy sớm, sửa soạn đồ lễ rồi lên đánh thức con dâu dậy. “Đi đâu hả mẹ?”, giọng con dâu ngái ngủ. “Lên chùa với mẹ. Lát về còn chuẩn bị mâm cỗ tiễn ông bà. Có cả bạn bè của bố với chồng con đến nữa đấy”.

Con dâu dậy, mở tủ quần áo, đắn đo mất một hồi mới chọn được bộ cánh phù hợp. Con dâu đèo mẹ chồng, không dám chạy nhanh, dù đường vắng hơn mọi ngày. Một cơn gió cởi chiếc cúc duy nhất của chiếc áo chần bông con dâu đang mặc trên người. Mẹ chồng ngồi sau chỉ định cài giúp, nghĩ thế nào lại vòng tay ôm chặt lấy thân hình nhỏ bé của con dâu.

Con dâu vẫn chạy xe băng băng trên phố. Ngày Tết, không còn phải mặc quần bò rách, áo cắt xén lại có mẹ chồng ôm nên ấm áp hơn nhiều. Còn mẹ chồng, bỗng nhiên ứa nước mắt. Người ta bảo, ngày Tết, dù buồn bã, bực bội đến đâu cũng nén dòng nước mắt. Nhưng bà không dừng được. Cây lá mùa xuân lao xao những điều gì đó, nghe rất thân quen, nồng nàn.

Nguyễn Nhật Hoàng

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Làm mẹ chồng cũng có lắm nỗi khổ tâm

Exit mobile version