Đại Kỷ Nguyên

Nét độc đáo trong văn hóa dùng đũa của người Nhật Bản

Nhật Bản, một quốc gia hoàn mỹ ở mức đáng kính nể, một đất nước mà cho đến nay nền văn minh huy hoàng của Trung Hoa cổ đại được xem là còn được lưu lại nhiều nhất. Không chỉ trong lối sống, phép ứng xử mà còn thể hiện trong cả nghệ thuật ẩm thực. Và văn hóa dùng đũa của người Nhật cũng là một phần trong số ấy.

Chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… đều sử dụng đũa trong trong bữa ăn hàng ngày. Mặc dù vậy, mỗi nước lại có một nét riêng trong cách sử dụng đũa. So với đũa của người Trung Quốc và Việt Nam, những đôi đũa của người Nhật được xem là ngắn và dễ sử dụng hơn.

(Ảnh: Getty)

Đũa đã trở thành một bộ phận của văn hoá Nhật như thế nào?

Người ta cho rằng, đũa được truyền từ Trung Quốc vào Nhật Bản từ thời nhà Đường, và qua nhiều thế kỷ, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ Phù Tang.

Theo quan niệm của học thuyết Khổng Tử, dao và nĩa không được sử dụng trong bữa ăn, vì chúng liên quan đến bạo lực và binh đao. Trong khi đó, đũa tượng trưng cho sự thanh cao và lòng nhân từ. Đũa trong tiếng Nhật được gọi là ‘hashi’, cũng có thể được hiểu là cây cầu bắc qua sông. Nguyên gốc của từ ‘hashi’ được sử dụng để chỉ việc kính dâng lễ vật lên các vị Thần – nối liền cuộc sống ấm no của con người với các Đấng Tối cao.

(Ảnh: Alamy)

Từ thời xa xưa, những bậc đế vương sẽ dùng những đôi đũa ngắn, bậc càng thấp dùng đũa càng dài. Đây là một quy định trong hoàng cung. Nhưng điều này lại trái ngược với quy tắc dùng đũa trong đời sống của người dân, theo đó người chồng sẽ dùng đũa dài hơn người vợ, cha mẹ dùng đũa dài hơn con cái và anh sẽ dùng đũa dài hơn của em. Nghe khá phức tạp, nhưng điều này đều nhằm thể hiện sự kính trên nhường dưới trong từng nếp ăn nếp sống của người dân xứ này.

Quy tắc dùng đũa của người Nhật

Người Nhật Bản có những quy định riêng khi sử dụng đũa trong bữa ăn, nếu bạn có ý định đến Nhật Bản để sinh sống trong một thời gian thì nên tìm hiểu qua về văn hóa này của người Nhật để tránh những ấn tượng không tốt.

Không dùng đũa di chuyển đĩa thức ăn

“Cái đĩa kia để hơi xa một chút. Liệu tôi có thế chuyển nó lại gần hơn…”, Xin hãy tránh dùng đũa để di chuyển đĩa thức ăn quanh bàn, hoặc làm việc khác chứ không phải để gắp thức ăn.

Làm sạch đũa

(Ảnh dẫn qua: Jalan.net)

Nếu đũa bị bẩn, tốt nhất nên tránh nhúng mạnh chúng vào bát súp (ví như súp miso hay suimono). Nếu bạn cần đũa sạch, hãy kín đáo chùi nhanh nó bằng một chiếc khăn.

Không chọn thức ăn

Trên bàn ăn, có một món ăn mới lạ hấp dẫn, bạn muốn xem thử thành phần của nó. Nhưng nhớ rằng, đừng dùng đũa của mình để bới tung đĩa thức ăn, đây là một hành động được xem là rất tệ trong mâm cơm của người Nhật. 

(Ảnh: Getty)

Không gắp thức ăn lên thẳng miệng

Nhiều người Việt có thói quen gắp thức ăn đưa thẳng lên miệng dùng, nhưng trong văn hóa dùng cơm của người Nhật, họ sẽ gắp phần thức ăn vào bát rồi mới đưa lên miệng thưởng thức. 

Đũa chung

Cách dùng đũa của người Nhật khá đặc biệt: Trên bàn ăn luôn có một đôi đũa chung để gắp thức ăn từ đĩa chung vào bát của mình. Nếu không có đũa chung, họ sẽ trở ngược đầu đũa của mình để gắp thức ăn rồi lại dùng đầu đũa cũ để ăn.

Để chia sẻ món ăn hay bánh ngọt, người ta dùng những chiếc đũa chuyên biệt để chia phần cho mỗi người. Những chiếc đũa này không dùng để ăn mà chỉ được dùng với những món ăn chung như ăn lẩu,…

(Ảnh dẫn qua sushi)

Không dùng đũa chuyền đồ ăn

Chuyển thức ăn từ một đôi đũa này sang đôi đũa khác là một hành động rất kinh khủng trên bàn ăn. Điều này khiến người ta liên tưởng đến việc hỏa táng những bình tro cốt trong lễ an táng người mất tại Nhật Bản. 

Còn rất nhiều điều thú vị về Nhật Bản nữa mà chúng ta vẫn chưa khám phá hết, hy vọng những thông tin trên đây góp thêm chút xíu hiểu biết của bạn về xứ sở Mặt trời mọc – đất nước của những tinh hoa văn hóa truyền thống. 

Xuân Dung

Exit mobile version