Thói quen ngủ và ăn của trẻ sơ sinh khá thất thường khiến các mẹ đôi khi thấy bối rối về lượng thức ăn cần cho trẻ. Với những trẻ bú mẹ, thật khó để biết trẻ đã ăn được bao nhiêu sữa, với trẻ bú bình thì mẹ lại lo bao lâu mới cần cho con ăn và con ăn hết bình như vậy là đủ hay quá thừa.
Các bà mẹ luôn lo lắng cho sức khỏe của con, và thường lo ngại con ăn không đủ hay chưa đạt chuẩn. Thậm chí nhiều người còn dành mọi thời gian để chăm lo cho chuyện ăn uống của con, đến mức ám ảnh về bữa ăn. Thật khó để xác định được lượng sữa vừa đủ cho trẻ, nhưng kể cả là ít hay nhiều thì mẹ cũng nên hiểu là trẻ vẫn có khả năng tự điều chỉnh để có phản xạ đói. Vì vậy, chỉ cần quan sát, nếu con muốn tiếp cận với bình sữa nghĩa là trẻ đang đói, còn nếu trẻ vẫn quay đi dù bạn đã cố ép thì có nghĩa là trẻ không có nhu cầu. Nếu trẻ bị ép thường xuyên sẽ dẫn đến tâm lý sợ, căng thẳng, khi tình trạng này kéo dài trẻ sẽ trở nên biếng ăn.
Mẹ có thể căn cứ vào một số dấu hiệu sau để nhận biết trẻ đang bị “nhồi” sữa quá mức.
Trẻ tăng cân
Nhiều bậc cha mẹ dường như khá tự hào khi những đứa trẻ bé bỏng có khuynh hướng trông mũm mĩm so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ nghĩ đến trường hợp con bạn bị béo phì, thừa cân?
Không giống như người lớn, trẻ sơ sinh không ngừng phát triển, chúng cần tăng cân hằng tháng. Tuy nhiên, khi ăn quá nhiều, trẻ bị nạp calo nhiều hơn mức cần thiết trong khi chúng không thể đốt cháy lượng calo dư thừa, dẫn đến tình trạng tăng cân nhanh chóng. Ngược lại, trong trường hợp em bé có khuynh hướng chớ do ăn quá nhiều, bé có thể sẽ giảm cân. Với những bé vừa bú sữa mẹ vừa nuôi sữa ngoài thì rất khó để xác định trẻ tăng cân do ăn quá nhiều. Tình trạng của trẻ sẽ được xác định khi đến bác sĩ khám định kỳ và theo dõi biểu đồ tăng trưởng.
Phân có mùi hôi
Theo dõi sự bài tiết của trẻ cũng giúp mẹ phát hiện những bất ổn trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu trẻ đi ngoài liên tục và thường xuyên có mùi hôi cũng là một dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bé đang bị quá tải.
Chướng bụng và quấy khóc
Đường ruột của trẻ sẽ phải làm việc nhiều hơn do trẻ ăn quá nhiều dẫn đến tình trạng chướng bụng. Trẻ không thể tiêu hóa hết được lượng sữa đã bú khiến bụng đầy hơi, làm trẻ cảm thấy khó chịu, đau bụng và thường xuyên quấy khóc.
Chớ, ọc sữa
Nguyên nhân của tình trạng nôn trớ thì nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, trẻ thường xuyên chớ, và từ chối bình sữa có thể là dấu hiệu trẻ đã bị nhồi ăn quá nhiều. Bé ọc chớ ngay sau khi ăn sẽ thể hiện trẻ đang bị quá tải với bữa ăn.
Bé từ chối bình sữa
Bé sẽ từ chối bình sữa khi đã no bụng. Cha mẹ nên tôn trọng lựa chọn này của trẻ mà dừng việc ép trẻ uống hết. Thay vào đó, cha mẹ hãy trò chuyện với trẻ, để tạo nên không khí vui vẻ, thoải mái.
Tã trẻ luôn ướt
Kiểm tra tã cũng có thể nhận biết được trẻ ăn đủ và đúng cách hay không. Với trẻ sơ sinh từ 6 tuần tuổi, cần thay tã bỉm 4-5 lần/ngày. Tuy nhiên, quy tắc này cũng có thể thay đổi theo sự phát triển của bé. Bé ăn đủ là khi bạn thay tã cho trẻ ít nhất 4 lần/ngày. Nếu thường xuyên phải thay tã, nhiều hơn 8 lần/ngày thì mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám để phát hiện những điều bất thường hoặc có thể là do trẻ được cho ăn quá nhiều so với nhu cầu.
Ợ hơi quá mức
Trẻ sơ sinh luôn cần được ợ hơi sau khi ăn. Tuy nhiên nếu trẻ ợ hơi nhiều hơn bình thường đi kèm với các dấu hiệu bất thường khác thì rất có thể là em bé của bạn thực sự bị quá tải với chế độ ăn. Nếu em bé của bạn đang ợ hơi ngay cả trước khi bạn vỗ lưng, thì có khả năng bé đang được cho ăn nhiều hơn mức cần thiết. Khi em bé ăn nhiều hơn thực tế, thì chúng cũng nuốt nhiều không khí hơn dẫn đến các đợt ợ hơi mạnh. Đôi khi, việc để tư thế chai sữa không đúng cũng khiến cho khí lọt vào miệng trẻ, gây đầy hơi.
Rối loạn giấc ngủ
Khi bạn uống nhiều nước trước giờ đi ngủ khiến cho bạn không có được giấc ngủ ngon và thoái mái.Với trẻ sơ sinh cũng vậy. Em bé của bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi bị đánh thức bởi phản xạ đi tiểu, điều này khiến cho chúng khó ngủ ngon và khóc quấy khó chịu.
Thiếu linh hoạt
Bản thân người lớn cảm thấy nặng nề khi ăn quá nhiều. Với trẻ sơ sinh cũng vậy, dạ dày no căng cũng sẽ gây khó chịu và thậm chí là đau nếu ăn quá mức. Khi bé bị trớ vì ăn no thì cảm giác của bé còn khó chịu hơn nhiều.
Kích ứng dạ dày
Các vấn đề về dạ dày có thể xảy ra khi trẻ ăn quá nhiều là co thắt dạ dày, tiêu chảy, đầy hơi và co thắt ruột. Nhưng cơn đau dữ dội khiến trẻ quấy khóc, trẻ có cảm giác muốn đi ngoài nhưng lại không thể, khiến cơn khó chịu tăng cao. Bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám để được điều trị. Tình trạng này khá phổ biến ở những trẻ thường xuyên ngậm ti giả.
Hà Vũ (Tổng hợp)