Đại Kỷ Nguyên

Nếu con mắc tính kiêu ngạo, hãy dạy những điều này để trẻ ngoan hiền hơn

Bậc cha mẹ thương con, ai chẳng mong con mình thành tài, thành đức; ngay từ khi bé đã dạy con điều hay lẽ phải để con hiểu được thế nào là làm người. Tuy nhiên, một ngày kia bạn chợt nhận ra tất cả công sức và cố gắng của mình đều hóa thành bong bóng xà phòng mà bay đi.

Môi trường hay tâm lý tuổi dậy thì?

Con gái lớn của tôi năm nay 13 tuổi. Từ cuối lớp 6 đến đầu lớp 7, con tôi bắt đầu có sự thay đổi tính cách, thay đổi một cách chóng mặt. Cô bé thích nghe những bản nhạc mạnh theo phong cách hip-hop, rock,… Đi học về, cô bé tự mở nhạc, vừa nghe vừa uốn lượn theo những cô ca sĩ. Khi giao tiếp với người lớn, cô bé sử dụng những câu nói không chủ không vị, dùng kiểu “đàn anh đàn chị” nói chuyện với em gái mình. Điều này, thật sự khiến tôi đi hết từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác. Hôm nay dạy con cần sửa điều này, ngày mai con đã mang cả tá những điều “mới lạ” khác về, sự việc tiếp diễn trong thời gian lâu khiến tôi thấy mình không chạy theo kịp để dạy bảo con, đôi lúc đó là cảm giác thật sự bất lực và bế tắc trước sự hư hỏng của con mình…

Cô bé thích nghe những bản nhạc mạnh theo phong cách hip-hop, rock,… Đi học về, cô bé tự mở nhạc, vừa nghe vừa uốn lượn theo những cô ca sĩ. (Ảnh minh hoạ)

Có mẹ nào không vui khi con mình được thầy cô giáo khen trên lớp? Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra đâu là lời khen đâu là lời động viên khích lệ của thầy cô. Tôi bắt đầu nhận ra con mình có biểu hiện của tự cao tự đại xuất phát từ tự tin thái quá. Hôm nào, trên lớp con bé được thầy cô hay ai đó khen ngợi là y như rằng chưa cần cô bé bước đến cửa là tôi đã biết chuyện rồi. 

Mỗi buổi tối ăn cơm xong, con bé thong thả bật ti-vi lên ngồi xem kiểu như một bà cụ non về hưu đợi tin tức thời sự. Tôi nhắc nhở con chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau, thì giọng con bé dõng dạc từng chữ: “Thầy giáo dạy Toán bảo rằng thông minh bằng mười chăm chỉ, mẹ không cần lo cho con”. Hơn ai hết, tôi biết sức học của con mình, những lời động viên của thầy để khích lệ trí thông minh của con chứ tính nó thì cẩu thả. Bài kiểm tra không khi nào đạt điểm cao vì cách trình bày sơ sài, con bé không hiểu ý thầy tự cho rằng mình thông minh nên không cần chăm chỉ như mẹ nhắc nhở. Tôi cho rằng, đây là một trong những mối họa tiềm ẩn của việc con mình không được học phép khiêm tốn đúng mực.

Tính tự cao tự mãn này không chỉ biểu hiện ở hành vi mà còn ở lời nói và cách nhận xét bạn bè, cho rằng bạn này không bằng mình, bạn kia điểm thấp hơn mình nhiều…Không biết từ bao giờ, đối với con bé, nó luôn ở vị trí trung tâm và mọi người còn lại ai cũng đều không bằng mình. Tôi từng nói với con rằng, việc học là việc của mình, nếu có thể giúp đỡ bạn bè thì nên giúp đỡ chứ đừng phán xét, khinh khi các bạn như vậy. Con bé chẳng những muốn hiểu mẹ nói gì mà nói lại: “Cô còn khen con có tố chất làm lãnh đạo, sau này con cũng muốn làm lãnh đạo”.

Cũng như bao bà mẹ khác, tôi rất mong con mình có một tương lai tốt đẹp, nhưng không phải vì thế tôi ủng hộ tính tự cao tự đại thái quá đang làm thay đổi phần tốt đẹp trong con mình một cách nhanh chóng như vậy.

“Cô còn khen con có tố chất làm lãnh đạo, sau này con cũng muốn làm lãnh đạo”. (Ảnh minh hoạ)

Ban đầu, tôi cố gắng đi tìm nguồn gốc của sự thay đổi, tôi không hiểu do môi trường hay do tâm lý của những đứa trẻ mới lớn làm con gái mình thay đổi nhanh thế, nhưng cả hai giả thiết đều không cho tôi câu trả lời thỏa đáng.

Cuối cùng, tôi nhận ra tất cả những sự kiện liên tiếp khiến tôi ngỡ ngàng hôm nay là hệ quả của việc nuôi dạy con cái sai cách ngay từ khi nhỏ mà tôi đã vô ý không nhận ra. Từ việc, con khoe mình được điểm cao, múa giỏi, rồi khả năng hoàn thành bài tập của mình,… Những khi ấy, vì để con vui tôi đã khen ngợi con mình một cách thái quá, tôi cho rằng kết quả của nhiều lần như vậy đã bắt đầu dần hình thành trong con tôi ‘tính kiêu ngạo’. Cách chúng tôi chiều chuộng con mình như kiểu, gọi con là: “‘Công chúa’ của mẹ hôm nay con muốn ăn gì nào?” thường xuyên đã hình thành trong con tôi tâm lý rằng mình là người quan trọng và cần được đối xử đặc biệt hơn so với người khác.

Tôi không hề biết rằng lúc mình thoải mái nhất mới là khi mình cần dạy con nhiều nhất. Những câu nói đùa kiểu như, “Ôi! Con mẹ là nhất”, “Con mẹ giỏi quá!” … khi chơi đùa cùng con có thể đã hình thành trong đứa trẻ tâm lý tự cao tự đại này.

Vì lo con sức yếu và mệt nên tôi không để con làm việc nhà cùng mẹ mà thường mình tự tay làm hết để con có thời gian học bài. Những hành động nhỏ này dần gieo rắc vào tư duy của con mình rằng, mình nên phải được đối xử như vậy. Đây là một biểu hiện mặt tiêu cực của việc chăm con thái quá. Những mầm mống này được ấp ủ lâu dần đến khi cộng hưởng cùng thanh âm, tiết tấu mạnh mẽ của những bản nhạc mạnh, kích thích tâm lý muốn nổi bật, muốn làm ca sĩ, muốn có nhiều người ngưỡng mộ từ môi trường bên ngoài, là lý do vì sao con tôi nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân vì sao con mình đã thay đổi tính cách một cách chóng mặt đến vậy.

Những hành động nhỏ này dần gieo rắc vào tư duy của con mình rằng, mình nên phải được đối xử như vậy. (Ảnh minh hoạ)

Ban đầu khi nhận ra những sai lầm của mình, tôi đã thật sự bàng hoàng vì cho rằng ‘kiểu yêu thương’ con của mình là đúng cách, nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại. Đứng trước sự thật này, tôi bắt đầu tìm cách tháo gỡ mớ rối của hiện tại bằng cách bắt đầu cuộc hành trình trở thành một người bạn thân của con.

Hàm dưỡng lòng biết ơn

Tôi hiểu rằng, dù là người lớn hay trẻ em căn bệnh ‘tự cao tự đại’ này đều xuất phát từ việc không tôn trọng và biết ơn người khác. Nên tôi bắt đầu bằng việc để con mình hiểu thế nào là lòng biết ơn.

Trong những bữa cơm gia đình, tôi bắt đầu tìm cách kể cho con câu chuyện hành trình của những hạt cơm, giải thích cho con biết làm sao để cả nhà mình lại có những hạt cơm trắng như vậy để ăn, kể về công sức của những người nông dân vất vả gieo trồng dãi nắng dầm mưa ngoài đồng, phơi phong vất vả như thế nào.

Thỉnh thoảng vào những dịp cuối tuần, khi cả gia đình cùng đi ăn bên ngoài, tôi kể cho con nỗi vất vả của những nhân viên phục vụ trong nhà hàng rằng mấy cô chú thường xuyên phải đứng, chạy đi chạy lại khi đông khách; nỗi khổ khi cứ bàn này bàn kia đều yêu cầu họ phục vụ tận nơi khắt khe như thế nào. Để cô bé biết tôn trọng những người phục vụ đồ ăn cho mình hơn, không phải vì cô bé là công chúa mà bởi vì đó là công việc và sự vất vả của người khác.

Trong những bữa cơm gia đình, tôi bắt đầu tìm cách kể cho con câu chuyện hành trình của những hạt cơm, giải thích cho con biết làm sao để cả nhà mình lại có những hạt cơm trắng như vậy để ăn. (Ảnh minh hoạ)

Tôi dạy con cách thu gom rác trong nhà, cùng con đem tới nơi bỏ rác và thỉnh thoảng hỏi con vài câu kiểu như: “Con thử tưởng tượng nếu ngày mai bác thu rác bị bệnh và không đến thu rác khu phố nhà mình nữa, thì quang cảnh ở đây sẽ trở nên như thế nào?”.

Tôi dạy con cách biết cảm thông với nỗi khổ của người khác, từ đó học cách nói lời cảm ơn với những người phục vụ đồ ăn cho mình…

Hãy để con tự lập

Tôi bắt đầu để con mình tự lập hơn trong việc chủ động giờ giấc đi học hay sinh hoạt trong nhà mà không nhắc nhở con nhiều. Tôi cho rằng điều này cũng phần nào liên quan tới việc hình thành tư duy được cưng chiều quá mức kiểu công chúa bà hoàng ở trong nhà và đem tâm lý này ra xã hội.

Cứ nhiều lần như vậy, cô bé dần hiểu ra và biết trân quý hơn mọi người xung quanh; hiểu rằng mỗi người đều có vai trò quan trọng trong cuộc sống, và mình không phải là ‘trung tâm của vũ trụ’.

Bên cạnh việc bầu bạn cùng con trong cuộc sống hàng ngày, tôi cũng thường xuyên chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm khi cảm thấy con mình đang có dấu hiệu thay đổi bất thường. Tôi cảm thấy an tâm khi được các thầy cô giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm quan tâm con cái, điều này đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong hành trình nuôi dạy con của mình.

Cô bé dần hiểu ra và biết trân quý hơn mọi người xung quanh mình và hiểu rằng mình không phải là ‘trung tâm của vũ trụ’. (Ảnh minh hoạ)

Chúng ta dạy con không mong đợi hay yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha mẹ trong nửa quãng đời còn lại sau này. Ngược lại, chúng ta cũng không thể bao bọc nửa quãng đời sau này của các con. Nên chúng ta hãy đồng hành cùng con cho đến lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc chúng ta đã làm tròn Thiên chức của mình.

Gia Viên – Hồng Tâm

Exit mobile version