Nghiên cứu mang tên “Khoảng cách Giới hạn và Thiết lập Mục tiêu” đã chỉ ra rằng, cả nam và nữ đều hiện thực hóa mục tiêu tốt hơn khi tự mình viết ra nội dung cụ thể.
Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu trả lời câu hỏi: “Bạn có bao giờ viết, vẽ và trình bày mục tiêu của mình cho người khác thấy chưa?”. Kết quả cho thấy, chưa đến 20% người được hỏi có khả năng mô tả mục tiêu của mình một cách sống động, rõ ràng.
Khả năng mô tả cụ thể các mục tiêu của bạn bằng văn bản có liên quan chặt chẽ đến khả thành công của mục tiêu. Và những người có thể mô tả sinh động các mục tiêu của họ có xác suất đạt được thành công cao hơn hẳn những người không bao giờ viết ra mục tiêu của chính mình.
1. Viết ra mục tiêu giúp lưu trữ thông tin tốt hơn
Việc lưu giữ nội dung mục tiêu bằng một mẩu giấy, note điện thoại, một bản word trên máy tính sẽ giúp bạn có thể xem xét và đánh giá lại nội dung mục tiêu bất cứ lúc nào. Mỗi ngày não bộ của chúng ta phải ghi nhớ vô vàn các sự kiện, nếu bạn không cụ thể hóa mục tiêu thành vật chất rõ ràng giúp mình ghi nhớ, thì những suy nghĩ về mục tiêu ấy sẽ dễ bị “lạc” giữa muôn vàn các suy nghĩ khác.
Rất nhiều người đã từng rơi vào trạng thái nảy ra được một ý tưởng hay ho, tuy nhiên, vì không viết ra nên họ đã quên mất nó hoặc chỉ nhớ từng có một ý tưởng mà không nhớ nội dung cụ thể thế nào. Ghi lại suy nghĩ chính là một công cụ trực quan nhắc nhở bạn hàng ngày về mục tiêu của mình.
2. Viết ra mục tiêu giúp mã hóa thông tin
Hồi hải mã trên não là nơi để lưu trữ các thông tin dài hạn. Mã hóa thông tin chính là quá trình sinh học mà thông tin đi đến hồi hải mã, được phân tích, và khắc sâu vào trí nhớ hơn. Hầu hết các ký ức sự kiện trong ngày của chúng ta được liệt vào phần trí nhớ ngắn hạn, vì vậy, viết ra mục tiêu cụ thể bạn sẽ giúp ghi nhớ thông tin lâu hơn, chuyển chúng thành trí nhớ dài hạn. Để hoàn thành một mục tiêu sống thì chắc chắn những dự định sẽ phải được thực hiện trong một quá trình dài chứ không thể đạt được thành tựu nếu chỉ là suy nghĩ thoáng qua.
Các chuyên gia tâm thần học đã xác định được “hiệu ứng thế hệ” là khả năng các cá nhân thể hiện trí nhớ đối với tài liệu họ tự viết tốt hơn là tài liệu họ đọc lại của người khác. Khi bạn viết ra được mục tiêu của mình, bạn lặp lại “hiệu ứng thế hệ” hai lần. Lần đầu là khi bạn khởi tạo mục tiêu, tạo ra một bức tranh mô phỏng mục tiêu trong đầu. Lần thứ hai là khi bạn viết ra, bạn đã xử lý và tái tạo lại hình ảnh về bức tranh thêm một lần nữa. Bạn phải suy nghĩ lại về những điều diễn ra trong tâm trí, cụ thể ra giấy, đánh giá mức độ thực tế và bắt đầu mô phỏng một cách rõ ràng chi tiết hơn.
Như vậy, khi bạn có thể viết ra mục tiêu của mình và giải thích được cho mọi người xung quanh, điều đó chứng tỏ bạn đã biết mình cần phải hành động như thế nào. Ước mơ mơ hồ trở thành một bản kế hoạch thực sự. Bạn ghi nhớ công việc cần làm tốt hơn, biến chúng thành hành vi rõ ràng, cụ thể thì đương nhiên xác suất thành công sẽ cao hơn. Đấy là lý do tại sao chúng ta cần phải đặt bút viết ra mục tiêu sống của mình ngay hôm nay thay vì chỉ nghĩ về nó.
Minh Lan