Đại Kỷ Nguyên

Ngắm hộp cơm tình yêu của người mẹ Nhật để hiểu: Nội trợ cũng là một nghề được trân quý

Ẩn đằng sau những hộp cơm tình yêu dinh dưỡng và đẹp mắt không chỉ là tình thương vô bờ của mẹ Nhật, nó còn ẩn chứa sự trân quý của xã hội Nhật với “nghề nội trợ”.

Hộp cơm tình yêu

Đối với học sinh Trung học của Nhật Bản, đem cơm trưa mẹ nấu tới trường là một điều không thể thiếu. Bởi vì những hộp cơm trưa ấy luôn đầy màu sắc và dinh dưỡng. 

Hộp cơm  của mẹ luôn có đầy đủ các món: cơm – thịt – rau. Nhưng các mẹ Nhật không dừng lại ở việc nấu những món ăn đơn giản, nhanh gọn. Ngược lại, họ thường chế biến một nguyên liệu theo nhiều cách, để con luôn có món mới mỗi ngày. Bên cạnh việc nấu, các bà mẹ Nhật còn biến hộp cơm của con thành những tác phẩm nghệ thuật. 

Hộp cơm trưa giống như một nhà hàng và một phòng trưng bày nghệ thuật thu nhỏ dành riêng cho con. Vậy nên, dù lớp học có mệt nhọc, căng thẳng đến đâu, khi nhìn thấy bữa cơm của mẹ, mọi cảm xúc tiêu cực của con đều không cánh mà bay. 

Hộp cơm của mẹ như một nhà hàng và một nhà trưng bày nghệ thuật (Ảnh: Sora News 24)

Hiếm có bà nội trợ Nhật Bản nào bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời chăm sóc con về  cả thể chất, tinh thần này. Hộp cơm vì thế trở thành cầu nối giữa cha mẹ và con. Hãy cùng xem những thông điệp ẩn chứa trong hộp cơm tình yêu cuối cùng của các học sinh Nhật. Sau khi kết thúc cấp học, các em sẽ không còn nhiều dịp được tận hưởng những hộp cơm ngon lành này thường xuyên nữa. 

“Cảm ơn mẹ vì những hộp cơm ngon miệng và rất đáng yêu mỗi ngày. Chúng luôn làm con hạnh phúc”, tâm sự của một học sinh Nhật vào ngày cuối cùng được ăn cơm trưa mẹ nấu (Ảnh: Sora News 24)

Những hộp cơm cũng khiến những cô gái, chàng trai trẻ ngưỡng mộ mẹ mình: 

“Hôm nay là ngày cuối mẹ đánh thức tôi dậy và làm kyareben (cơm hộp hình các nhân vật truyện tranh) cho tôi. Những hộp cơm luôn được trang trí chi tiết, đôi khi theo chủ đề phù hợp với sự kiện của trường. Tôi rất ngưỡng mộ khả năng sáng tạo của mẹ” (Ảnh: Sora News 24)

Để đáp lại tình cảm của mẹ, các chàng trai, cô gái trẻ đều sẽ thưởng thức trọn vẹn bữa ăn mỗi ngày. 

“Chào buổi sáng! Đây là hộp cơm cuối cùng tôi làm cho con trai thứ hai. Cảm ơn con vì luôn nói rằng con thích cơm mẹ nấu, mỗi ngày trong suốt ba năm học, chưa từng quên một ngày nào”, chia sẻ của một bà mẹ nhân ngày cuối cùng làm cơm cho con trai đi học  (Ảnh: Sora News 24)

Hộp cơm kỳ công và trái tim của mẹ 

Những người mẹ ở Nhật thường làm cơm cho con cái của họ suốt ba năm trung học. Đây trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày của một người phụ nữ. Họ bền bỉ thể hiện tình yêu đối với con bằng cách thiết thực nhất này. Không cần nhiều ngôn từ, chỉ cần một hộp cơm được làm với tất cả sự chu đáo mỗi ngày, mẹ Nhật đã có thể truyền cho con động lực mạnh mẽ để tiếp tục cố gắng: 

“Mẹ tôi luôn nấu nướng một mình, nhưng hôm nay là ngày cuối, hai mẹ con đã chuẩn bị cùng nhau. Tôi biết ba năm trung học mẹ đã tốn rất nhiều công sức cho những hộp cơm trưa. Mẹ đã dạy tôi rất nhiều điều. Tôi sẽ cố gắng hết sức sau khi tốt nghiệp”.

Hộp cơm của mẹ truyền cảm hứng cho con mỗi ngày (Ảnh: Sora News 24)

Tới đây, bạn có thắc mắc, tại sao phụ nữ Nhật có thể làm những hộp cơm kỳ công đến thế mỗi ngày? Câu trả lời không chỉ nằm ở tình yêu mà mẹ Nhật dành cho con. Bởi như một lẽ đương nhiên, không ai thương con nhiều bằng mẹ dù đó là ở quốc gia nào. 

Vậy điều gì khiến những hộp cơm trưa đẹp mắt và ngon miệng này lại trở thành một truyền thống đáng quý ở Nhật. Hơn nữa, nó vẫn đang tồn tại một cách phổ biến trong thế giới hiện đại ngày nay? Bí mật nằm ở quan niệm của người Nhật về nghề nội trợ. 

Quan niệm về “nội trợ” ở nhiều quốc gia

Ở nhiều quốc gia phương Tây hay như ở Việt Nam, người phụ nữ ở nhà nội trợ thường không nhận được sự tôn trọng của những người xung quanh. Họ thường bị gắn cho những nhãn dán như “bị động”, “thất nghiệp”, hay tệ hơn là “ăn bám”. Những người xung quanh cũng thường dò xét và tỏ thái độ không mấy tôn trọng với những người phụ nữ ở nhà, chuyên tâm làm công việc nội trợ.

Do thái độ của số đông người trong xã hội, công việc nội trợ ở nhiều quốc gia là một loại trách nhiệm nặng nề (Ảnh minh họa: eva)

Nhiều người nghĩ rằng những bà nội trợ thường không phải đi làm, nên đương nhiên phải gánh những công việc trong gia đình. Họ giữ quan niệm ấy trong đầu và sẵn sàng trách mắng người phụ nữ của mình khi con cái nghịch bẩn hoặc bữa tối được dọn ra muộn hơn so với thường lệ. Nói một cách khác, ở nhiều quốc gia, thái độ của những người xung quanh đã góp phần không nhỏ biến “nội trợ” trở thành một trách nhiệm nặng nề trói buộc tự do của người phụ nữ.

Để giải phóng mình khỏi sự mệt mỏi, thậm chí là kiệt quệ về tâm lý, phụ nữ hiện đại có xu hướng vươn ra thế giới bên ngoài. Họ đi làm, giao lưu, kết bạn. Nhìn nhận một cách kỹ lưỡng, chúng ta có thể nhận thấy, sự đấu tranh về giới mạnh mẽ nhất thường diễn ra ở những quốc gia mà người phụ nữ không tìm thấy vị thế, sự tôn trọng dành cho họ trong gia đình. 

Để mẹ toàn tâm, cả xã hội ủng hộ

Ở nhiều lĩnh vực, người Nhật thường có cách nghĩ và cách hành động “đi ngược dòng”. Cách nhìn nhận về công việc “nội trợ” là một trong những ví dụ điển hình. Ở xứ sở Phù Tang “nội trợ” cũng được coi là một nghề. Chính phủ Nhật Bản thể hiện rất nhiều sự ủng hộ đối với những người nội trợ.

Những người phụ nữ đảm nhận trách nhiệm chăm lo cho gia đình và nuôi dạy con cái được chính phủ trả lương đầy đủ. Thậm chí họ còn được nhận lương hưu, tương đương với 50% số lương hưu của chồng. Việc trả lương không chỉ giải quyết vấn đề tự chủ kinh tế cho người phụ nữ. Nó góp phần rất lớn tạo nên nhìn nhận đúng đắn về những cống hiến của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội khi họ đảm đương công việc nội trợ mỗi ngày.

Ở Nhật, những người phụ nữ có toàn quyền tự do lựa chọn công việc “làm mẹ toàn thời gian” mà vẫn có được sự tôn trọng của mọi người (Ảnh minh họa: cnews)

Đây là cách chính phủ Nhật giúp người dân của mình hiểu rằng “nội trợ” không phải là tập hợp những công việc không tên nhàm chán. Ngược lại, nó đòi hỏi những kỹ năng, kiến thức và lòng yêu nghề như bất cứ nghề nghiệp cụ thể nào khác. Người phụ nữ Nhật vì thế luôn tìm thấy sự tôn trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Từ đó, họ có thể hoàn toàn yên tâm với lựa chọn nghề nghiệp “nội trợ” của mình. 

Bên cạnh đó, xã hội Nhật còn trợ giúp người phụ nữ củng cố vị thế “tay hòm chìa khóa”. Tài khoản lương của đa số nam giới tại Nhật đều do vợ quản lý. Nhiều công ty cũng chuyển khoản thẳng tiền lương của chồng vào tài khoản của vợ. Ở Nhật, người đàn ông sẽ chăm chỉ kiếm tiền để chu cấp kinh tế cho gia đình. Nhưng người thực sự quản lý những chi tiêu ấy lại là người phụ nữ.

Phụ nữ Nhật là “tay hòm chìa khóa” đúng nghĩa trong gia đình (Ảnh minh họa: kaskus)

Sự phân chia nhiệm vụ này khiến mỗi người đều có thể chuyên tâm làm tốt công việc của mình. Đồng thời giúp xóa bỏ hoàn toàn mọi mặc cảm “bị động” hay “để chồng nuôi” của người phụ nữ. Bởi lẽ, việc chăm chút cho chi tiêu trong gia đình đòi hỏi rất nhiều công sức của người phụ nữ. Để làm tốt, bên cạnh sự tỉ mỉ và chu đáo, họ sẽ phải không ngừng suy nghĩ, học hỏi và trau dồi khả năng của mình. Nhiều người đàn ông Nhật đã cố đảm nhận cả phần việc quản lý chi tiêu gia đình này, nhưng họ đều nhanh chóng bỏ cuộc. 

Hình thức quản lý chi tiêu cùng việc được trả lương giúp người nội trợ Nhật ý thức rõ ràng vị trí của họ trong gia đình. Với những trách nhiệm họ đảm đương, người phụ nữ Nhật giống như “nội tướng” song hành cùng chồng, giữ cho gia đình luôn vận hành một cách thịnh vượng, hài hòa và ổn định. 

Những lợi ích của dân tộc khi nghề làm mẹ được tôn vinh

Công việc nội trợ của người phụ nữ nhìn qua “thật đơn giản”, “nhẹ nhàng” và “không mấy quan trọng”. Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra một điều hoàn toàn ngược lại. Công việc nội trợ đóng vai trò quan trọng không chỉ với một gia đình. Nó còn đóng một vai trò không nhỏ trong sự phát triển thịnh vượng của một quốc gia. 

Người đàn ông xây dựng sự nghiệp bên ngoài, họ gây dựng những tài sản vật chất cho xã hội. Còn người phụ nữ làm nội trợ, họ đang xây dựng tổ ấm của mình. Nhưng quan trọng hơn, họ đang cùng nhau vun bồi nên “nguyên khí” của quốc gia. Đó chính là những đứa trẻ. Việc giáo dục con cái là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với người nội trợ Nhật Bản. Với thời gian, sự tôn trọng và kỳ vọng mà gia đình, xã hội trao gửi, những người nội trợ Nhật đã biến việc nuôi dạy con trở thành một nghệ thuật. Bạn thấy đấy, cha mẹ ở rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang say mê nghiên cứu nghệ thuật nuôi dạy con này mỗi ngày. 

Những người phụ nữ đang cùng nhau vun bồi nên “nguyên khí” của quốc gia (Ảnh minh họa: jpninfo)

Quay trở lại với nước Nhật, khi nghĩ về những giá trị cao quý nhất của người Nhật tinh thần kỷ luật – sự tự lực tự cường – ý chí kiên cường không bao giờ khuất phục, bạn có bao giờ tự hỏi: Vì đâu họ gìn giữ được những đức tính ấy qua nhiều thế hệ đến vậy? Câu trả lời phải chăng nằm trong chính những hộp cơm tình yêu mà chúng ta chiêm ngưỡng ở phía trên. 

Khi những người mẹ có toàn thời gian, đủ điều kiện kinh tế và có thể toàn tâm cho việc chăm sóc con cái của họ, bạn sẽ thấy họ mạnh mẽ đến thế nào. Bằng sự khéo léo, mềm dịu, nhẫn nại những cương trực của mình, họ sẽ chăm lo cho con về mọi mặt. Đứa trẻ sẽ có được một cơ thể khỏe mạnh, một tâm hồn giàu có nghệ thuật, một thái độ sống đúng mực. Hơn thế nữa, người mẹ sẽ có thời gian theo sát, uốn nắn con tới từng chi tiết nhỏ nhất. Đó là lý do vì sao công việc làm mẹ toàn thời gian giúp người Nhật tạo nên những đứa trẻ tiềm năng nhất. Để từ đó trở thành những người Nhật mạnh mẽ, kiên cường. 

Hy Văn

Exit mobile version