Đại Kỷ Nguyên

Ngày bé, tôi luôn thấy mẹ khó hiểu. Giờ đây, tôi tự hào khi nói: “Con muốn giống như mẹ”

Hôm nay, lần thứ hai tôi lại phải hâm nóng tách cà phê của mình trong lò vi ba. Tôi không biết là mình nên khóc hay cười khi ở trong tình cảnh này. Con trai tôi giật mình thức giấc, khóc ỏm tỏi, tôi phải mất cả tiếng đồng hồ hát hò, vỗ về, và đu đưa cho nó ngủ trở lại. Và thế là, tách cà phê của tôi nguội ngắt, đó là lý do tôi phải hâm lại nó.

Tôi lớn lên và luôn tự nhủ sẽ không bao giờ giống như mẹ của mình. Mẹ là một phụ nữ tuyệt vời và tốt bụng mà bất cứ ai cũng muốn được giống như vậy, thế nhưng lại chẳng có mấy ai trong thị trấn biết mẹ tên là gì. Đối với thầy cô và bạn bè của các con, tên của mẹ đơn giản chỉ là “mẹ của…” (chỗ trống đó sẽ được điền tên của một trong năm đứa con của mẹ). Ở cửa hàng tạp hóa, tiệm bán phụ tùng xe hơi, hay tiệm ngũ kim, mọi người gọi mẹ là “bà Dale” – theo tên của cha tôi, còn khi đến một ngân hàng, một công ty, hoặc ở nơi trang trọng nào đó, mẹ lại được gọi là “bà Keffer” – theo họ của cha tôi. Những lúc như vậy, mẹ tôi chỉ mỉm cười.

Trái lại, tôi chẳng thể nào chấp nhận nổi chuyện đó. Tôi hay nói với người thu tiền ở cửa hàng tạp hóa là: “Tên của bà ấy là Joyce ạ”. Mỗi khi ông ấy đưa gói hàng cho mẹ, ông ấy lại chúc bà một ngày tốt lành kèm theo tên gọi như tôi đã nói ở trên. Mẹ tôi luôn cười và nói: “Tôi cũng chúc ông một ngày tốt lành!”, sau đó liếc nhìn tôi bằng ánh mắt trách yêu, ngụ ý như thể: “Cư xử hay đấy! Mẹ dạy con như thế hay sao?”.

Khi chúng tôi đi ra xe, tôi sẽ nhí nhéo: “Mẹ cũng có tên. Mẹ đâu phải là cái bóng của cha!”. Mẹ tôi luôn trả lời: “Mẹ có thể chấp nhận bị gọi bằng bất cứ cái tên gì! Hơn nữa, điều đó chứng tỏ ai cũng biết cha con”.

Ai trong cái thị trấn nhỏ xíu này mà chẳng biết cha tôi. Cha là một người vui tính và chăm chỉ, ông sẵn sàng cho bất cứ ai một lời khuyên về xe hơi. Ông sẵn sàng sửa giúp đứa bé hàng xóm chiếc xe đạp bị hỏng, và sẵn sàng đến giúp bất kỳ ai bị nổ lốp cho dù bị gọi dậy ngay giữa đêm mùa đông lạnh giá.

Và đương nhiên mọi người cũng biết mẹ tôi. Nếu cha là một người đàn ông tuyệt vời, thì mẹ cũng có cái đặc biệt riêng của mẹ. Mẹ cư xử tốt với tất cả mọi người, luôn đưa ra những lời khuyên chân thành. Khi đám học sinh bị kẹt lại thị trấn vì bão tuyết, mẹ sẵn sàng đưa chúng đến nhà, rồi lại tất bật dậy thật sớm trong cái rét buốt của mùa đông để chuẩn bị bữa sáng cho tất cả mọi người. Nếu ai đó cần, mẹ luôn sẵn sàng có mặt để giúp đỡ. Mẹ sẽ đứng ra quyên góp đồ dùng cho một gia đình bị cháy mất nhà cửa, giúp nhà thờ làm từ thiện, hay quyên góp quần áo cho một bà mẹ trẻ tuổi không có ai giúp đỡ.

Khi ở tuổi đó, tôi không bao giờ hiểu được mẹ. Làm sao mà một người có quá nhiều cống hiến cho xã hội lại có thể bằng lòng chấp nhận làm cái bóng của chồng và các con mình? Sao mẹ không tỏ ra tự hào một chút nào về bản thân mình? Ngày xưa, ước mơ của mẹ là trở thành y tá và tham gia vào tổ chức hòa bình, giúp đỡ cho các quốc gia nghèo. Vậy thì ai đã xóa đi những giấc mơ của mẹ rồi biến chúng thành công việc giặt giũ tã lót cho con và lo cơm nước cho chồng?

Tất cả những gì tôi biết là mình sẽ không bao giờ trở thành một người như mẹ. Ước mơ của tôi là làm nên một điều khác biệt với mọi người, nhưng không phải như cách của mẹ. Tôi lập một kế hoạch để trở thành người nổi tiếng. Còn chồng tôi, nếu như có, sẽ là người luôn đứng phía sau tôi, và các con tôi sẽ là những đứa trẻ ngoan ngoãn, có vú em chăm sóc. Tôi sẽ không như mẹ, tôi sẽ là chính tôi. Và mọi người sẽ biết đến tôi như một người có danh tiếng và địa vị.

Vậy mà giờ tôi lại đứng đây, phải hâm nóng lại tách cà phê của mình đến lần thứ hai. Giống y như tôi đã thấy mẹ làm vậy cả trăm, cả ngàn lần khi mẹ buộc phải bỏ tách cà phê xuống để đi gói bữa trưa cho con, cột dây giày cho con, lấy quần áo ra khỏi máy giặt, trả lời điện thoại, và cả trăm ngàn lý do khác nữa. Tôi ước ao được đắm mình trong tách cà phê thơm phức sau bữa sáng, trước khi bắt đầu một ngày làm việc bận rộn, vậy mà giờ tôi lại phải uống cà phê hòa tan trong một cái cốc của trẻ em.

Nhưng giờ tôi đã hiểu. Cách đây 8 tháng, tôi đã hiểu mẹ, khi ôm đứa con trai đầu lòng trong tay. Tôi đã hiểu mẹ khi bàn tay nhỏ nhắn của nó nắm chặt lấy ngón tay tôi và khi đôi mắt to tròn của nó nhìn tôi rồi dần dần chìm vào giấc ngủ. Tôi đã hiểu mẹ khi ngắm nhìn đứa bé nằm cuộn tròn trên đôi tay to khỏe của chồng tôi và khi nhìn thấy những giọt nước mắt sung sướng của anh ấy. Tôi đã hiểu ngay lập tức.

Bây giờ, tôi đang trông ngóng đến ngày tôi được mọi người gọi là “mẹ của Andrew”. Mỗi ngày, khi thấy chồng trở về từ sở làm, thấy gương mặt rạng ngời của anh khi con trai nắm lấy tay anh, tôi lại tự hào khi được làm “bà Frank Huff” (tên chồng tôi). Cũng giống y như mẹ, rất tự hào khi được gọi là “bà Dale Keffer”.

“Con muốn giống như mẹ” – đó là 5 từ mà tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ thốt ra một cách tự hào như bây giờ.

Bài viết đã được ĐKN biên tập lại. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây

Video xem thêm: Mẹ già như chuối chín cây”, đọc xong câu chuyện này rất nhiều người bật khóc

Exit mobile version