Bạn tin được không, thời buổi này, vẫn có một người Thầy ban ngày đi dạy, tối về làm bạn với cây đàn và khi đêm xuống thì đi kéo cá cho học trò để các em cải thiện bữa ăn? Người ta bảo hiếm lắm, thầy phải được phong là nhà giáo nhân dân.

Người Thầy đáng kính mà tôi muốn nhắc đến là Thầy Hà Mạnh Quyết hiệu trưởng trường THCS Tân Dân – người đi kéo cá nuôi học sinh ở Mai Châu, Hòa Bình. Dù nắng mưa, mặc cho cái lạnh rét căm căm khắc nghiệt vùng núi cao, chưa hôm nào thầy không đến trường với một xô cá tràn đầy.

Thầy Hiệu trưởng Hà Mạnh Quyết bên chiếc vó bè của Trường THCS Tân Dân. (Ảnh: websongdep.com)

Trường THCS Tân Dân (huyện Mai Châu), hiện có 116 em, với hơn chục lớp học chủ yếu người dân tộc Mường và Tày. Nhà em gần trường nhất thì khoảng cách cũng phải đến 9km, xa thì 14-15km. Để tiện học tập, nhà trường bố trí cho khoảng hơn 60 em ở nội trú. Mỗi học sinh nội trú được nhà nước hỗ trợ 460.000 đồng/tháng.

Số tiền này nhà trường chuyển hết cho phụ huynh, cứ hàng tuần các em về nhà lấy gạo và chút đồ mang theo lên trường, tự tổ chức nấu ăn theo từng nhóm. Với mức hỗ trợ đó, mỗi em có khoảng 15.000 đồng tiền ăn/ngày. Khó khăn trăm bề, rất khó để đảm bảo cho các em đang tuổi ăn, tuổi lớn, chưa kể nhiều trường hợp gia đình quá nghèo, đến thời kỳ giáp hạt chẳng thể gửi lương thực cho.

Nhìn vào bữa ăn của học trò, thầy Quyết nhiều lần không cầm được nước mắt. Thầy quyết định đêm xuống sẽ làm “ngư phủ” để cải thiện bữa ăn cho các em. 11 giờ đêm, khi những trang giáo án gấp lại cũng là lúc thầy Quyết cùng các đồng nghiệp lặng lẽ xuống lòng hồ kéo vó kiếm cá bổ sung thức ăn cho học trò.

Ngày nào cũng 2 lần, khoảng 23h và 5h sáng là các thầy đi cất vó. Cá kiếm được dù to hay nhỏ sẽ được chuyển về bếp của nhà trường, sau đó chia cho các em cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Vô cùng biết ơn và trân trọng những người Thầy tận tuỵ, đáng kính (Ảnh: báo Hoà Bình)

Với học sinh giỏi, đi thi cấp huyện đạt thành tích, thầy tặng các em một con lợn giống. Khi gia đình nuôi và khi có lứa lợn mới, thầy xin bắt một con mang về tặng học sinh giỏi khác. Vì sự tận tụy của thầy Quyết và các thày cô trong trường, các em bé miền núi cao Hòa Bình đã có thể có thêm sức mạnh để bám trường, bám lớp.

Thầy Quyết vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mai Châu. Từng trải qua tuổi thơ nghèo khó và cơ cực như hầu hết những đứa trẻ vùng cao, thầy rất thấu hiểu nỗi vất vả của con người nơi đây và càng thêm thương những cô cậu học trò nhỏ của mình. Thầy xem học trò cũng như con cái mình. “Để cái bụng trò đói, cái chân giá lạnh, quần áo không đủ ấm cũng đau lòng như chính nỗi đau của mình nên gắng được chút nào thì giúp các em tới đó cho đỡ khổ tâm” – Thầy Quyết chia sẻ. 

***

Giữa những ngày cả nước đang ồn ào chuyện nâng điểm thi ở Hoà Bình, Sơn La, khi mà niềm tin vào giáo dục nước nhà đang ngày càng vơi cạn, câu chuyện về thầy giáo Hà Mạnh Quyết như một ngọn đèn hi vọng đang le lói sáng trên mảnh đất vùng cao xa xôi ấy…

Thừa nhận rằng, nghề giáo đã không còn cao quý như trong văn hoá truyền thống xưa, có những người đến trường mỗi ngày nhưng chẳng làm Thầy mà chỉ xem việc dạy học như một nghề kiếm cơm. Thế nhưng, chúng ta không thể chỉ vì con sâu mà làm rầu nồi canh, cũng không thể chỉ vì những chuyện tiêu cực trong thời gian qua mà đánh mất đi sự tôn nghiêm của người Thầy.

Trường học là nơi dạy làm người, thầy giáo là người đứng lớp dạy về nhân nghĩa, đạo đức. Dù thế nào chăng nữa, việc chúng ta tranh cãi đúng sai; lên án, chỉ trích những người thầy làm ra việc chẳng đáng một chữ “nhân”, cũng chẳng thể thay đổi được bức tranh giáo dục đang ngày một xấu xí kia. Bởi, con người ta dễ bị cảm hóa bởi Thiện tâm hơn là chịu khuất phục bởi hình phạt, phê phán hoặc chỉ trích.

Giáo dục ơi, xin đừng ồn ào nữa. Để những chuyến đò lặng lẽ qua sông (Ảnh: Dailytrip)

Lúc này, có lẽ chỉ có thể dùng tấm lòng bao dung, tha thứ và nhẫn nại, mới mong xoá đi được những “vết ố” trong bức tranh giáo dục nên phải thiêng liêng và đẹp đẽ. Chẳng ai dám tự vỗ ngực nói “tôi luôn đúng”, “tôi chưa từng sai lầm”. Nếu đã vậy, chuyện ai đúng nhiều hơn ai, ai sai nhiều hơn liệu còn ý nghĩa gì nữa?

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên tha thứ cho những lỗi lầm mà những người làm thầy đã từng phạm phải

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần tôn vinh những người thầy đáng kính như thầy Hà Mạnh Quyết hơn là dành thời gian chỉ trích những câu chuyện giáo dục xấu xí

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta gửi gắm lại niềm tin cho những người làm Thầy

Và, có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần trả lại sự cao quý cho Thầy như ông cha ta đã từng…

Trần Phong (TH)

 

Xem thêm: