Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4, người Do Thái lại được nghỉ những ngày lễ dài, cả gia đình quây quần bên nhau ăn mừng sự kiện trọng đại: Người Do Thái thoát khỏi ách nô lệ.
Lễ Vượt qua hay còn được gọi là Lễ Quá hải, trong tiếng Hebrew gọi là Pesach là lễ hội quan trọng nhất trong lịch của người Do Thái. Trong Thánh Kinh Torah, lễ hội sẽ bắt đầu từ ngày 14 của tháng Nisan, theo lịch Do Thái. Theo cách tính lịch của Chính thống giáo Tây phương, Lễ Vượt qua năm nay rơi vào ngày 1/4 đến ngày 7/4 dương lịch.
Truyền thuyết Thánh Moses rẽ nước biển Đỏ
Sử sách ghi chép lại, trong một thời kỳ xa xưa, tại xứ Goshen, phía Đông sông Nile, người Do Thái và Ai Cập sống hòa bình cùng nhau. Nhưng sau một thời gian, do những mâu thuẫn người Ai Cập đã bắt những người Do Thái trở thành những nô lệ và đối xử vô cùng hà khắc. Một ngày nọ, Pharaon Ai Cập nhận được lời tiên tri rằng có một đứa bé sơ sinh sẽ trở thành người dẫn đường vĩ đại và trả lại tự do cho dân tộc Do Thái.
Chính vì điều này, Pharaon bắt đầu lo lắng khi nghĩ đến việc người Do Thái sẽ lật đổ ngai vàng, ông hạ lệnh bắt cóc tất cả những bé trai Do Thái mới sinh đem ném xuống dòng sông Nile. Yochebed, một người phụ nữ Do Thái khi đó đã hạ sinh một bé trai và đem nuôi trong hang được 3 tháng. Khi các quan binh tuần tra gắt gao hơn, biết không thể tiếp tục bảo vệ con mình lâu hơn nữa, cô đặt con mình vào một chiếc nôi và thả nó trôi theo dòng sông Nile để số phận định đoạt.
Miriam, chị gái của cậu bé đã dõi theo canh chừng chiếc thuyền con vượt bao hiểm trở trên dòng sông Nile. Và điều kì diệu đã xảy ra, chiếc nôi trôi đúng đến nơi nàng công chúa Ai Cập Thermuthis đang tắm cùng các nữ tì, vì cô đang bị bệnh phong và tin rằng nước của sông Nile sẽ rửa trôi tất cả bệnh tật. Thấy một chiếc nôi đang trôi lại gần, công chúa bước đến và phát hiện ra bên trong là một đứa bé trai người Do Thái. Cô ngạc nhiên nhận ra ngay khi mình chạm vào chiếc nôi thì bệnh phong của mình cũng đã biến mất. Không quan tâm đến những luật lệ của cha, cô quyết định cứu đứa bé và xem đó như là đứa con riêng của mình.
Nhân cơ hội này, Miriam dũng cảm bước đến cầu xin được chăm sóc đứa trẻ, công chúa Thermuthis đồng ý với đề nghị này. Thế rồi, Yochebed lại trở thành vú nuôi của chính con mình. Công chúa đặt tên đứa bé là Moses, với hàm nghĩa là được “cứu khỏi nước”. Vậy là, Moses trở thành một thành viên của Hoàng tộc.
Khi Moses trưởng thành, một lần chứng kiến cảnh quản nô Ai Cập đánh nô lệ người Do Thái một cách dã man, Moses không nhịn được, đã giết hại người quản nô và vùi xác anh ta vào trong cát. Bị đe dọa tố cáo, sợ rằng sẽ bị Pharaon xử tội, Moses chạy trốn, và thật không ngờ khi vừa ra đến khỏi thành anh gặp vợ chồng chị gái Miriam mà khi đó anh không biết rằng đó chính là chị gái của mình. Miriam đã nói cho Moses về thân thế thật sự của anh. Quá đau khổ và thất vọng, Moses chạy trốn khỏi hoàng cung tới bán đảo Sinai. Tại đây, trong khi dừng chân bên một giếng nước, Moses đã bênh vực bảy cô gái chăn cừu khỏi một nhóm người hung bạo. Cha của các cô gái, một thầy tư tế xứ Midian tên Jethro, đã tiếp đãi Moses và gả con gái mình là Zipporah cho anh.
Trong 40 năm, Moses sống hạnh phúc cùng nàng Zipporah và có một cậu con trai tên là Gershom. Vào một ngày nọ, khi dẫn bầy cừu lên núi Horeb, Moses đã nhìn thấy một bụi gai đang bốc cháy nhưng không lụi tàn. Tò mò, ông đến gần đề quan sát kĩ hơn. Tại đây, Moses được nghe Chúa Trời phán bảo. Moses có nhiệm vụ dẫn đường cho người Do Thái tới một miền Đất Hứa và ông cũng được ban cho rất nhiều quyền năng kỳ lạ.
Trở về Ai Cập, Moses đã thuyết phục được người Do Thái đi theo sự chỉ dẫn của mình. Sau đó, Moses đến cầu kiến Pharaon, xin nhà vua cho phép người Do Thái rời thành đi tìm Miền Đất Hứa theo thông điệp của Chúa Trời. Tuy nhiên, Pharaon không những không đáp ứng được yêu cầu đó mà còn bắt các nô lệ phải lao dịch nặng nhọc.
Moses đã cố gắng thuyết phục các Pharaon bằng nhiều phép lạ khác nhau, như biến cây gậy ông cầm thành rắn, biến dòng sông Nile thành biển máu, và diệt trừ nạn ếch nhái đang hoành hành tại Ai Cập. Tuy nhiên, Pharaon vẫn kiên quyết không thay đổi ý định của mình. Cũng chính vì thế, nhiều thảm họa đã liên tiếp giáng xuống Ai Cập: dịch muỗi, ruồi mòng, châu chấu, dịch lệ tiêu diệt hết súc vật, dịch ghẻ, mưa đá, sấm sét, v.v. Cuối cùng, chỉ sau khi tai nạn thứ 10 ập đến với lời răn nặng nề: “Hết thảy con trưởng nam trong xứ Ai Cập đều chết, từ thái tử của Pharaon ngồi trên ngai, cho đến con cả của người tôi đòi ở sau cối xay,” Pharaon mới đồng ý nhượng bộ cho người Do Thái được tự do theo bước Moses.
Giương cao cây gậy của mình và cầu xin Chúa Trời hiển linh, Moses đã làm cho Biển Đỏ rẽ sang hai bên, mở lối cho người Do Thái đi qua. Và khi người Ai Cập đuổi tới, nước Biển Đỏ lại đột nhiên phủ đầy trở lại, và chôn vùi đạo quân hùng hậu…
Moses dẫn dắt dân chúng đi về hướng Đông, khởi đầu một cuộc hành trình dài tiến vào Canaan. Đoàn người di chuyển chậm chạp, và phải cắm trại hai lần trước khi vượt qua biên giới Ai Cập để đến bên bờ Biển Đỏ. Nhưng vào lúc này, Pharaon đột nhiên đổi ý. Ông ta tập hợp binh lính để đuổi theo những kẻ nô lệ vừa được phóng thích. Mọi người khiếp đảm khi ở trước mặt họ là biển lớn, và sau lưng họ là đoàn quân Ai Cập hùng hậu. Nhưng Moses đã lại một lần nữa cho những người đi theo ông được chứng kiến một Thần tích huy hoàng.
Bữa tối cầu nguyện
Lễ Vượt qua với nhiều nghi thức ý nghĩa là cách để người Do Thái nhắc nhở nhau và dạy dỗ con cái họ ca ngợi những ân đức của Thần đối với hạnh phúc và tự do mà người Do Thái có được hôm nay.
Trong những ngày Lễ Vượt qua, những thành viên trong gia đình người Do Thái sẽ quây quần bên nhau trong bữa cơm tối có tên là Passover Seder – Lề luật. Bàn ăn được bày biện trang trọng cùng rượu nho và những ly dĩa đẹp nhất. Họ cùng nhau đọc cuốn sách Haggadah có nghĩa là ‘kể lại’. Theo sách Xuất Ai Cập ký (Exodus trong kinh Cựu ước), cha mẹ phải có bổn phận kể lại cho con cái nghe về cuộc vượt thoát khỏi Ai Cập và những khó nhọc của tiền nhân.
Những lời cầu khấn, nguyện xin được cất lên trước một ly rượu nho. Trong Lễ Vượt qua, lịch sử được kể lại trên ly rượu, đó là lịch sử của niềm tin vào Thiên Chúa và lòng yêu chuộng tự do, vì thế khi uống rượu người uống sẽ được tràn đầy tự do và niềm tin.
Chính giữa bàn là k’arah (seder plate), đó là một cái dĩa lớn có vòng ngoài được chia làm 6 phần. 6 phần này dành cho 6 món ăn có tên: Maror, Chazeret, Charoset, Karpas, Z’roa và Beitzah. Đây là 6 món ăn mang ý nghĩa biểu tượng. Món thứ 7 không thể thiếu là món bánh Matzah nhưng được đặt riêng. Ngoài ra, còn có nước muối hoặc dấm.
Matzah là bánh nướng dùng bột không men. Trong đêm vượt thoát, người Do Thái phải vội vã lên đường đến nỗi bánh không kịp dậy men. Để kỷ niệm thời khắc cấp bách ấy, suốt trong tuần lễ Vượt Qua, người Do Thái không những không ăn loại bánh mì thường có men nổi (leaven) mà còn tránh không ăn tất cả những thức ăn khác có men.
Vào những buổi tối của kỳ lễ hội sau khi dùng cơm cùng gia đình, những trẻ em người Do Thái thường cùng nhau chơi một trò chơi truyền thống. Một miếng Matzah được gọi là Afikoman sẽ bị giấu đi, ai tìm thấy miếng bánh trước sẽ được nhận giải thưởng.
Tuệ Minh