Bạn đang mơ mộng tới một căn phòng thoáng đãng và gọn gàng theo đúng chủ nghĩa tối giản của Nhật. Nhưng khi nhìn lại căn phòng ngổn ngang đồ đạc của mình, bạn thấy rằng, chủ nghĩa tối giản chỉ là một giấc mơ viển vông, khi ấy chính là lúc bạn cần đến sự giúp đỡ của Marie Kondo.
Marie kondo được biết đến là tác giả của hai cuốn sách đứng đầu danh sách Best Seller của New York Times, “The Life-Changing Magic of Tidying Up” và “Spark Joy”. Đồng thời, cô được tạp chí Times bình chọn là 1 trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới (năm 2015).
Tuy nhiên, điều gì đã khiến cho cô gái Nhật mảnh mai này có sức hút lớn đến như vậy. Phải chăng chính là niềm đam mê của cô với công việc dọn dẹp và sắp xếp không gian sống? Marie Kondo chia sẻ, cô đã ham mê công việc này từ khi lên 5 tuổi, cô thích dọn dẹp đồ đạc của mình, tìm đúng vị trí cho chúng hơn tất cả chơi những trò chơi khác.
Trong những năm tháng tiếp theo, cô đã dành rất nhiều thời gian để đưa công việc dọn dẹp và sắp xếp không gian sống này trở thành một nghệ thuật, mang đậm những nét tinh túy của văn hóa truyền thống Nhật Bản. Từ tinh thần “vạn vật có linh” trong đạo Shinto cho tới sự tỉ mỉ và tính kỉ luật của người Nhật, đều được cô gái có giọng nói và phong thái đáng yêu này gửi gắm vào một phong cách dọn dẹp được đặt tên là Phương pháp KonMari.
Trước khi cùng tìm hiểu những nét đặc trưng nhất của phương pháp này, hãy cùng lắng nghe Marie Kondo chia sẻ về ý nghĩa của việc “dọn dẹp không gian sống” đối với mỗi cá nhân, qua cuộc phỏng vấn ngắn với báo 20 minuites (Pháp).
Thành công vang dội của hai cuốn sách của cô trên khắp thế giới mang tới cho cô những cảm xúc gì?
Thành công này khiến tôi rất xúc động, đặc biệt nhất là khi tôi được đọc những chia sẻ tuyệt vời và rất nhiệt thành của các bạn đọc. Tôi đã viết cuốn sách này với mong muốn giúp mọi người có được niềm vui trong cuộc sống và có được cảm giác thoải mái nhất trong không gian sống của họ. Tôi rất hạnh phúc và tự hào nếu như những chia sẻ của tôi có thể giúp ích cho nhiều người trên thế giới.
Bạn có cảm thấy mình khiến cho “việc dọn dẹp không gian sống” trở thành một xu hướng sống mới?
Tôi có thể đảm bảo với những ai áp dụng phương pháp dọn dẹp này rằng: “Một khi bạn dọn dẹp, sự bừa bãi sẽ không bao giờ trở lại”. Theo tôi hiểu, “xu hướng” là một điều gì đó trở nên rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến trong một thời gian ngắn, nếu vậy thì tôi hy vọng rằng việc dọn dẹp không gian sống sẽ không mang tính nhất thời như vậy.
Don dẹp là một điều mang tính chất thường xuyên, là một phong cách sống, một chiếc chìa khóa để có một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc.
Bạn có nghĩ rằng tất cả mọi người đều phải học cách dọn dẹp gọn gàng không gian sống của mình?
Nếu bạn nhận thấy rằng mình hạnh phúc và thật sự thoải mái khi sống trong một không gian với ngổn ngang đồ đạc và điều đó cũng không mang tới sự phiền toái cho nhũng người sống quanh bạn, thì tôi nghĩ bạn sẽ không phải thay đổi gì hết.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người mà tôi đã từng gặp đều nhận thấy rằng một ngôi nhà ngăn nắp và gọn gàng mang tới cho họ một cuộc sống lấp lánh niềm vui và sự giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống. Tôi cũng đã nghe nhiều người khẳng định rằng, họ đã sống hoàn toàn thoải mái trong sự lộn xộn, nhưng sau khi áp dụng phương pháp dọn dẹp của tôi, họ rất khó tìm lại cảm giác dễ chịu trong sự bừa bộn trước kia.
Những nguyên tắc cơ bản của phương pháp KonMari là gì?
Trước khi áp dụng phương pháp này, bạn hãy hình dung thật rõ ràng về cuộc sống và ngôi nhà lý tưởng của mình, và hãy giữ hình ảnh ấy trong quá trình thực hiện việc dọn dẹp. Một trong những điểm quan trọng khác, hãy ghi nhớ, đừng dọn dẹp ngôi nhà của bạn theo đồ đạc mà là theo “cách phân loại đồ đạc”. Có nghĩa là, chúng ta sẽ bắt đầu phân loại và sắp xếp quần áo, sau đó đến sách vở, sau đó là các tài liệu giấy tờ, v.v.. Chúng ta sẽ để những đồ vật mang đến nhiều kỉ niệm và cảm xúc đến sau cùng, khi bạn đã hoàn tất quá trình xếp gọn các loại đồ đạc khác.
Một khi chúng tôi đã gom lại tất cả những đồ vật theo loại như bạn gợi ý, làm thế nào để sắp xếp lại chúng?
Xin hãy cầm mỗi đồ vật trên tay, nâng chúng và nếu có thể để chúng gần trái tim của bạn nhất, sau đó bạn sẽ tự hỏi chính mình rằng đồ vật này có khiến cho mình cảm thấy vui vẻ khi sở hữu nó hay không? Đừng nghĩ tới những vật dụng mà bạn muốn vứt đi, hãy tập trung suy nghĩ đến những thứ mà bạn mong muốn giữ lại.
Nếu bạn cảm nhận được một tia sáng của niềm vui, một sự rung động nào đó với đồ vật, hãy giữ nó lại. Nếu không, hãy để nó đi, hoặc bạn có thể tặng lại nó cho một người bạn, hoặc một tổ chức từ thiện nào đó.
Trước khi để những đồ đạc này ra đi, bạn hãy chân thành nói lời cảm ơn với chúng vì khoảng thời gian chúng ở bên và phục vụ bạn. Hành động này sẽ giúp giảm nhẹ cảm giác tội lỗi đối với những đồ đạc không được giữ lại và làm đầy sự biết ơn mà bạn dành cho những đồ vật sẽ tiếp tục ở lại trong cuộc sống của mình. Mục đích thực sự của việc làm mọi thứ trở nên ngăn nắp chính là thay đổi cách nhìn cuộc sống của bạn, khiến bạn sống vui hơn.
Cô có thể vui lòng giải thích rõ hơn về những tác dụng về mặt cảm xúc và tâm lý của việc dọn dẹp trong cuộc sống của chúng ta?
Khi thực hiện công việc dọn dẹp này, bạn cần phải suy nghĩ về mỗi đồ vật, điều đó giúp bạn trở nên thành thật hơn với bản thân. Khả năng lựa chọn dứt khoát những đồ vật hữu dụng và mang tới niềm vui cho bạn sẽ khiến bạn trở nên tự tin hơn trong những lĩnh vực khác.
Bạn sẽ sống vui vẻ hơn, chính phong cách sống gọn gàng mới của bạn sẽ đem lại những tác động tích cực đến những người sống xung quanh. Sự dọn dẹp cũng có tính chất “lây lan”, nhưng nó sẽ là một “sự lây lan tốt đẹp”. Một khi bạn có thể xác định rõ điều gì trong ngôi nhà có thể mang tới niềm vui cho bạn, bạn đang phát triển một khả năng mới – đánh giá và xác định những điều sẽ khiến bạn hạnh phúc trong những lĩnh vực khác của cuộc sống.
3 điểm chính yếu tạo nên sự khác biệt của phương pháp dọn dẹp KonMarie
Marie Kondo giới thiệu rất kỹ lưỡng về phương pháp don dẹp nhà cửa KonMari – một lần cho mãi mãi trong hai cuốn sách của cô. Các bạn đọc Việt Nam có thể tìm thấy bản dịch tiếng việt với tiêu đề “Nghệ thuật bài trí của người Nhật” (NXB Lao Động và Thái Hà Book).
1. Chỉ giữ lại những điều khiến cho bản thân có được niềm vui
Hãy chỉ thực hiện phương pháp phân loại này 1 năm một lần, thậm chí 1 lần trong đời. Hãy dọn dẹp theo từng thể loại. Với mỗi loại đồ đạc hãy bày tất cả những gì bạn có xuống sàn, như vậy bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về sự mua sắm và sở hữu của mình. Sau đó, là công việc chọn ra những thứ có thể đem lại niềm vui cho bạn.
2. Càng sở hữu ít, chúng ta càng hạnh phúc
Theo Marie Kondo, khi chúng ta sở hữu ít đồ đạc nhưng chúng đều là những đồ đạc mà chúng ta yêu quý, muốn nâng niu, điều đó sẽ khiến cuộc sống của chúng ta trở nên dễ chịu, dễ quản lý và dễ lập lại trật tự hơn khi căn nhà có xu hướng đi chệch khỏi sự gọn gàng. Học thói quen chỉ giữ lại bên mình những thứ đồ đạc mà mình yêu mến, sẽ khiến bạn giảm bớt được sự mua sắm quá độ mỗi lúc có tâm trạng. Khi ấy, thay vì đi mua sắm thật nhiều ở bên ngoài, bạn sẽ quay ngôi nhà thân yêu của mình và bắt đầu tiến hành dọn dẹp và chăm sóc nó.
3. Tìm lại sự kết nối với đồ đạc của mình – Yếu tố quan trọng nhất để giữ được sự gọn gàng mãi mãi
Theo Marie Kondo, người Nhật luôn tin rằng mỗi đồ vật đều có một dạng giống như “linh hồn”, nghĩa là nó hoàn toàn có thể cảm nhận được sự đối xử của bạn chứa đựng tình cảm và năng lượng tích cực hay tiêu cực. Đó chính là lý do vì sao, Marie Kondo đều kết nối và xin phép ngôi nhà mà cô sẽ tư vấn dọn dẹp, trước khi tiến hành bất cứ thay đổi nào. Điều đó thể hiện sự tôn trọng với chính ngôi nhà và các đồ đạc trong nó.
Cô gái Nhật này cũng luôn nhắn nhủ với những người bạn Mỹ, trong các chương trình truyền hình cô được mời tham gia rằng, hãy đối xử thật tốt với món đồ mà bạn sử dụng. Ví dụ như khi gấp hay là quần áo. Đừng chỉ làm qua loa để xong chuyện, hãy dành thật nhiều yêu thương và sự nâng niu khi bạn gấp hay là quần áo. Như vậy, chúng sẽ thấy “vui” và sau đó sẽ lan tỏa lại cho bạn năng lượng tích cực khi bạn mặc chúng. Đây cũng chính là lý do Marie đã tạo ra một cách gấp quần áo mới, khiến chúng trở nên gọn, dễ sắp xếp trong tủ, đặc biệt trông chúng thật xinh xắn.
Một khi bạn kết nối được với đồ đạc của mình, thêm vào đó, số lượng đồ đạc không quá nhiều sẽ khiến bạn có nhiều thời gian để chăm sóc chúng. Không có căn nhà nào có thể mất đi sự gọn gàng nếu người chủ thực sự yêu quý và trân trọng những gì mình đang có. Đó cũng chính là thông điệp mà Marie Kondo luôn muốn người đọc của cô ghi nhớ và thực hành.
Hy Văn
Xem thêm: