Trong cuộc sống hàng ngày, kỹ năng giao tiếp là một điều rất quan trọng. Và không phải lúc nào, nói nhiều cũng là điều tốt. Chúng ta thích trò chuyện với một người, nhiều khi không phải vì những gì họ nói mà vì cách họ lắng nghe chúng ta. Một người nghe chân thành là người tạo được lòng tin, nói chuyện lôi cuốn, họ sáng suốt và thấu hiểu. 

Có thể nói, lắng nghe là một kỹ năng quan trọng nhưng không phải ai cũng biết. Đó còn là một kĩ năng mà chúng ta có thể học tập, thực hành và hoàn thiện từng ngày. Hãy bắt đầu bằng việc hình thành các thói quen, sau đó là thực tập chúng mỗi ngày.

Ảnh: pixabay.com

1. Lắng nghe một cách chủ động

Nên nhớ rằng bạn đang lắng nghe. Hãy hướng sự chú ý vào người nói, gật nhẹ đầu biểu lộ sự tán thành và làm cho họ thấy rằng dường như lúc này chỉ có một điều khiến bạn quan tâm: những gì họ đang nói. Điều này cho thấy người nghe đang thật sự chú ý và lĩnh hội được thông tin. 

2. Bày tỏ sự tôn trọng với người nói

Xem xét những ý kiến của người nói thật kĩ lưỡng. Không nên đánh giá thấp hay tỏ ra coi thường những gì bạn đang nghe, vẻ mặt cũng không nên biểu lộ sự thiếu tôn trọng. Dĩ nhiên bạn không nhất thiết phải đồng ý với mọi điều đối phương nói, nhưng hãy đợi cho đến khi họ trình bày hết quan điểm của mình. Như vậy, bạn có thể hiểu trọn vẹn nội dung đối phương muốn truyền tải.

Ảnh: pixabay.com

3. Đặt câu hỏi

Khi gặp thời điểm thích hợp, đưa ra những câu hỏi để xác nhận lại thông tin cũng là một cách để bạn bày tỏ sự quan tâm. Nhưng, bạn hãy chú ý, một câu hỏi không đúng chỗ có thể làm buổi trò chuyện rơi vào ngõ cụt. Không nên lèo lái đề tài câu chuyện theo ý mình. Những người biết lắng nghe luôn để người kia làm chủ tình hình. Cách tốt nhất là ghi nhớ câu hỏi đó và sau khi người nói đã nói hết những điều họ muốn thì bạn hãy đặt câu hỏi. Trong lúc lắng nghe, bạn cũng không nên suy nghĩ xem đến phiên mình bạn sẽ nói gì. Vì nếu như vậy thì bạn sẽ không tập trung vào những gì người kia đang nói. 

4. Cuối cùng, hãy im lặng: Im lặng làm nhiều người cảm thấy không thoải mái. Chúng ta thường sợ những khoảnh khắc im lặng và thường cố nói một điều gì đó. Một người nghe chân thành lại khác, họ cũng sẽ thoải mái trong lúc im lặng vì biết rằng nó chứa đựng nhiều điều để suy ngẫm. Thỉnh thoảng, chờ đợi một vài phút sẽ làm cho người nói đi sâu hơn vào những điều muốn bày tỏ. Đôi khi, chúng ta phải im lặng để người đối diện vượt qua những cảm xúc của mình. 

Những bí quyết trên đây không có nghĩa một người nghe chân thành thì không cần phải trình bày những ý kiến cá nhân. Dĩ nhiên, cần phải lắng nghe và nói đúng lúc. Tuy nhiên, một người nghe chân thành là người biết cách lắng nghe khi người khác cần được chia sẻ. Những bí quyết này sẽ giúp chúng ta thêm yêu quý và thông cảm cho nhau hơn. Lắng nghe sẽ giúp chúng ta hiểu vấn đề một cách sâu sắc và giúp đối phương cảm nhận họ được tôn trọng và thấu hiểu, từ đó tạo nên một mối quan hệ bền vững.

Ân Vũ