Đại Kỷ Nguyên

Nghe tiếng con trai khóc nức nở, người mẹ sốc nặng khi phát hiện sự thật đau lòng bên trong tấm thiệp Giáng sinh

Mỗi mùa Giáng sinh đến, ai cũng mong muốn nhận được những tấm thiệp mang các thông điệp tốt lành. Nhưng cậu bé tội nghiệp trong câu chuyện dưới đây đã suýt nữa có một mùa Noel buồn đến mức khó quên…

Ở nhiều nước trên thế giới, việc tặng thiệp chúc trong lễ Giáng sinh là cách thể hiện tình cảm ấm áp, mối quan hệ thân thiết giữa những người thân và bè bạn. Vào đêm thiêng liêng tưởng nhớ ngày Chúa ra đời, một cây thông xanh được tô điểm bởi những chiếc tất chứa đựng quà tặng sặc sỡ, xen lẫn những tấm thiệp xinh xắn bên cạnh lò sưởi sẽ giống như một thông điệp của sự may mắn và tốt lành mà Chúa dành cho mỗi gia đình.

Như nhiều bậc phụ huynh khác, cô Anna Mitchell cũng mong rằng đứa con trai bé bỏng của mình sẽ nhận được những món quà đầy yêu thương vào dịp Giáng sinh năm nay.

Trong ngày đặc biệt này, bọn trẻ luôn là người hào hứng và hân hoan nhất vì chúng sẽ được nhận vô vàn quà tặng từ bố mẹ, thầy cô và bạn bè, và có cơ hội thể hiện lòng yêu thương, sự quan tâm của mình đến người khác qua việc chọn lựa quà và viết những lời chúc tốt đẹp gửi đến họ.

Sau khi kết thúc buổi học ở trường mẫu giáo, cậu con trai 5 tuổi của Anna trở về nhà với một ba lô căng phồng đầy bánh kẹo và quà tặng giáng sinh. Cậu bé vui mừng chạy ngay vào phòng, đổ đống quà ra sàn nhà và hăm hở bóc từng lớp giấy gói.

Nhưng chỉ một lúc sau, tiếng nức nở của cậu bé vang lên và càng lúc càng to dần. Cô Mitchell vội vàng chạy vào phòng con và trước mặt cô là hình ảnh cậu bé đang nước mắt giàn giụa, khuôn mặt sợ hãi, sững sờ, trên tay cầm một tấm thiệp. 

Cô hoảng hốt chạy đến bên cậu và hỏi chuyện gì đã xảy ra. Cậu bé run rẩy đưa cho mẹ tấm thiệp cậu đang cầm. Đó là một tấm thiệp giáng sinh trang nhã với hình vẽ chú chim cánh cụt đáng yêu bên ngoài cùng nhiều hộp quà đủ sắc màu. Thoạt nhìn, cô không hiểu tại sao món quà dễ thương này lại khiến con trai cô òa khóc, nhưng khi mở nó ra và đọc những dòng chữ bên trong, Anna mới vỡ lẽ.

Lúc ấy, Anna cũng không tin vào mắt mình khi ba chữ “Tôi ghét bạn” và hình vẽ một trái tim bị gạch chéo phía dưới hiện rõ ràng trên nền trắng tinh tươm của bức thiệp. Một người lớn như cô còn cảm thấy bị chấn động khi thấy nó vào đúng cái ngày đặc biệt này, vậy thì một cậu bé ở tuổi mẫu giáo như con trai cô chắc chắn sẽ tổn thương tới mức nào.

Cô hiểu nỗi đau mà cậu bé phải chiụ đựng thật khủng khiếp và quá sức nên đã tìm cách an ủi cậu rằng có thể ai đó đã gửi nhầm hoặc đây chỉ là trò đùa của một người bạn vui tính thích “nói ngược” nào đó. Có vẻ như bị thuyết phục bởi lời động viên của mẹ, cậu bé sau một lúc cũng đã vui vẻ trở lại. Lau vội những nước mắt trên má, cậu tiếp tục cặm cụi mở từng món quà và hét lên vui sướng khi thấy món đồ chơi mà cậu yêu thích và mong mỏi từ lâu. Đây là những món quà mà Anna đã khéo léo nhờ ông già Noel mang đến.

Tuy nhiên, sự việc vừa xảy ra khiến cô Anna suy tư không ít. Cô hy vọng những đứa trẻ được nuôi dưỡng và trân trọng những cảm xúc thơ ngây trong sáng, và không muốn sự việc tương tự xảy đến và làm tổn thương những tâm hồn non nớt khác nên cô đã đến trường bé con trai mình để làm rõ sự việc. Nhưng thật không may, họ cũng không biết được ai là “tác giả” của tấm thiệp ấy.

Anna vẫn không từ bỏ ý định và nghĩ ra một kế khác. Cô đăng tải hình ảnh tấm thiệp lên Facebook với hy vọng tìm ra được chủ nhân của nó. Thế rồi vào một buổi sáng đẹp trời, cô nhận được một tin nhắn trên mạng của một người đàn ông. Anh ta nói muốn hẹn gặp cô để trao đổi về tấm thiệp Giáng sinh của con cô… Anna vội vàng đồng ý và nhanh chóng sửa soạn đến địa chỉ như đã hẹn. 

Bước vào quán cà phê ấm cúng trên con phố nhỏ, cô tới gần chiếc bàn như người đàn ông mô tả và ngồi đợi. Một lúc sau, người đàn ông đó đến, mỉm cười thân thiện bắt chuyện với cô. Anh ta nói mình là cha của đứa trẻ viết tấm thiệp đó, và muốn hẹn gặp riêng để chia sẻ sâu hơn về vấn đề này. Anna rất hồi hộp muốn biết vì sao con gái anh lại viết những dòng gây tổn thương như vậy cho con trai cô. Người đàn ông đó chậm rãi kể: “Sau khi nhìn thấy bài đăng của cô trên Facebook, tôi đã nhận ra đó là tấm thiệp con gái mình viết. Cũng do tôi quá bận, không để tâm tới những tấm thiệp đó, nên không đọc kỹ nội dung bên trong trước khi con gái tôi gửi đi. Và hôm qua tôi cũng có trò chuyện với nó, thì biết được lý do vì sao con gái tôi làm vậy…”.

 “Con gái tôi kể rằng, ở trên lớp, cứ thỉnh thoảng nó lại nhận được một mẩu giấy trong ngăn bàn viết những điều không tốt về mình. Có lúc trong mảnh giấy viết rằng hàm răng của con gái tôi thật xấu, và con gái tôi chẳng dễ thương chút nào. Có khi thì chê con gái tôi chậm hiểu và thường hay quên đồ. Con gái tôi cứ nhận được những mẩu giấy ‘tiêu cực’ như thế. Nó rất buồn và cảm thấy tổn thương nặng nề. Có nhiều lần nó trốn vào nhà vệ sinh khóc nức nở rồi mới đi ra. Nó cố gắng tìm chủ nhân của những bức thư ấy nhưng vô vọng… Cho đến một ngày, khi cả lớp có buổi học ngoài trời, con gái tôi quên đồ dùng học tập trong lớp nên đã chạy vào để tìm kiếm. Bất ngờ, nó chứng kiến cảnh con trai cô đang len lén đặt một mẩu giấy dưới ngăn bàn của nó, rồi vội vã chạy đi. Con trai cô đã không biết bị con gái tôi trông thấy… nên cậu bé vẫn hành xử như không có gì xảy ra… Con gái tôi hiểu rằng, chính con trai cô là chủ nhân của những lời ác ý ấy, nó đã rất thất vọng và bất ngờ vì từ trước đến nay nó rất yêu quý thằng bé… Dịp Giáng sinh này, con gái tôi cũng viết một tấm thiệp dành cho cậu bé, nhưng như cô biết đấy, đó không phải là một lời lẽ yêu thương…dường như con bé đã chịu ấm ức và kìm nén quá lâu. Tôi cũng quá bận rộn để có thể nói chuyện với con gái mình… Tôi cảm thấy bậc làm cha làm mẹ như chúng ta đôi khi vô tâm và thiếu xót quá…”

Anna gần như không thốt nên lời sau những chia sẻ của người đàn ông đó. Cô cảm thấy sững sờ xen lẫn buồn bã, hóa ra đằng sau ba chữ “Tôi ghét bạn” là cả một câu chuyện ‘động trời’ như thế. Cô cũng không biết rằng bấy lâu nay thằng bé che giấu điều này với cô. Cô muốn nói chuyện với con trai mình để hiểu rõ về chuyện này… Vậy là cô vội vàng cảm ơn người đàn ông vì những lời chia sẻ và hứa sẽ nói chuyện với con trai mình để có biện pháp giáo dục phù hợp nếu đây là sự thật.

Tối đó, Anna vào phòng gặp con trai rồi tường thuật lại những gì được biết với cậu bé. Ngược với suy đoán của cô, cậu bé không tỏ ra sợ sệt mà bình tĩnh kể với cô rằng, hôm đó, cậu bé để một mẩu giấy trong ngăn bàn cô bạn ấy chỉ với mục đích động viên cô. Cậu biết cô bé thường hay trốn vào phòng vệ sinh khóc và bị người khác trêu ghẹo. Cậu chỉ muốn cô bé biết rằng, có một bạn trong lớp rất yêu quý cô bé, đó là lời cậu viết trong bức thư hôm ấy. Nhưng có lẽ, cô bé đã không mở ra xem mà xé chúng luôn rồi…

Hóa ra toàn bộ câu chuyện là như vậy, cô ôm đứa con trai đáng yêu, sâu sắc của mình vào lòng òa khóc. Cậu bé tuy còn nhỏ nhưng rất biết nghĩ cho người khác, và cô thấy xấu hổ với chính bản thân mình khi chưa bao giờ hiểu hết đời sống tinh thần của con trai mình. Cô nhắn tin lại cho người đàn ông kia và kể toàn bộ câu chuyện… Mọi sự việc đều được hóa giải, bằng sự sẻ chia, cảm thông và lòng tốt.

Anna Mitchell cảm thấy tinh thần con trai mình phấn chấn hơn sau khi biết được sự thật, em không còn tự ti hay sợ hãi vì bị một người ‘ẩn danh’ nào đó ghét bỏ nữa. Về phần mình, Anna cũng thấy nhẹ nhõm hơn vì nỗi muộn phiền trong lòng con trai đã được giải tỏa, suýt nữa là cậu bé đã có một kỷ niệm buồn khó có thể quên về một ngày Giáng sinh tưởng như sẽ rất hạnh phúc…

Sau chuyện này, cô nghĩ rằng các bậc làm cha làm mẹ nên quan tâm, để ý tới đời sống tinh thần của con cái mình và uốn nắn chúng kịp thời khi phát hiện chúng có những suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực. Trong trường hợp tương tự như của Anna, chúng ta nên xem qua những lời chúc của con trẻ trước khi các tấm thiệp được gửi đi. Như vậy, chúng ta có thể hiểu được mối quan hệ của chúng với bạn bè và biết chúng đã lưu giữ, thể hiện những giá trị tinh thần theo cách nào. Khi chúng có những cảm giác sai lệch về người khác, chúng ta nên dạy chúng cách cảm thông hoặc điều chỉnh lại thái độ, và không nên nói những lời gây tổn thương. Hay khi chúng phải chịu nhiều mất mát và tổn thương về tinh thần, chúng ta cũng nên có biện pháp an ủi kịp thời.

Dạy các bé biết nghĩ đến và trân trọng cảm xúc của người khác cũng như của chính mình sẽ nuôi dưỡng tâm hồn lương thiện cho các bé khi trưởng thành. Ngoài ra, viết những lời chúc Giáng sinh cùng các em cũng là một hoạt động gắn kết đầy yêu thương của cha mẹ và con cái trong ngày lễ ấm áp này. Hãy nuôi dưỡng và quan tâm con cái bạn theo đúng cách, để chúng không gặp phải những tình huống tương tự như hai đứa trẻ trong câu chuyện trên. 

Theo Littlethings 
Kim Nguyên biên dịch

Xem thêm: 

 

Exit mobile version