Không mỹ miều như lời tỏ tình “Anh yêu em”, không lãng mạn như lúc ngỏ lời “Hãy kết hôn và cùng nhau chung sống đến hết cuộc đời nhé”, câu nói “Anh sẽ không bao giờ cho em sinh con nữa” tuy giản dị nhưng lại thể hiện tình yêu chân thành, đồng thời chứa đựng biết bao sự thấu hiểu, cảm thông và trách nhiệm lớn lao của người đàn ông dành cho người vợ yêu dấu của họ.
Đây là lần thứ hai chị Trần Lan mang bầu và sinh con, nhưng lại là lần đầu tiên chồng chị có mặt trong cuộc vượt cạn của chị, ở bên chị trong những giây phút đau đớn khó khăn nhất. May mắn hơn nhiều người chồng khác, chồng của chị đã được vào phòng sinh cùng vợ.
Lần sinh trước, chồng chị Lan phải đi công tác. Khi anh trở về, đứa con đầu tiên của họ đã chào đời. Khi ấy, điều anh cảm nhận được có lẽ mới chỉ dừng lại ở niềm hạnh phúc khi ôm một sinh linh nhỏ bé, đáng yêu tựa thiên thần trong vòng tay của mình. Chính vì niềm hạnh phúc vô cùng thiêng liêng khi lần đầu được làm cha ấy nên trong lòng anh luôn thầm cảm ơn vợ đã đưa con đến với cuộc đời anh.
Nhưng lần sinh con này của chị Lan đã để lại trong anh một ấn tượng thực sự sâu sắc. Anh đã được chứng kiến tất cả, từ những đau đớn về thân thể, căng thẳng về tinh thần của chị cho tới những tiếng rền rĩ, những tiếng la hét thất thanh khi cái đau lên tới đỉnh điểm và vợ anh như phải cướp lấy từng hơi thở, phải dùng hết sức mình để đưa con ra ngoài. Mọi việc đều nằm ngoài sức tưởng tượng của một người chồng như anh. Vợ anh, người phụ nữ nhỏ bé và yếu đuối lại đang vô cùng kiên cường để vượt qua những cơn đau dữ dội. Anh cảm thấy tất cả như một bản giao hưởng kỳ lạ, có những cao trào dữ dội nhưng lại vô cùng hùng tráng. Sau nhưng giây phút ấy, việc sinh con của vợ không còn đơn thuần là thiên chức của cô, là một chuyện bình thường của người phụ nữ như anh vốn nghĩ.
Nhìn vợ đau đớn, vật vã và kiệt sức để sinh con, nhưng lại không thể thay cô chịu nhận nỗi đau ấy, anh chỉ biết nói với vợ bằng tất cả sự xúc động, biết ơn và trân trọng rằng: “Em à, anh sẽ không để em sinh con nữa đâu”. Một câu nói nhưng gửi gắm cả tấm lòng của anh trong đó. Anh chỉ có thể nói được lời yêu thương ấy khi đã thấu hiểu những hy sinh của vợ. Trước đây, anh chưa bao giờ có thể hình dung được việc sinh con lại giống như một cuộc chiến như vậy, và vợ thực sự là một chiến sỹ dũng cảm và kiên cường nhất trong mắt anh.
Anh biết người phụ nữ nào cũng phải trải qua nỗi đau này, nhưng chỉ có chứng kiến tận mắt anh mới thấy thấm thía, mới thực sự cảm thấy những người phụ nữ đã phải chịu đựng những gì và hy sinh tới mức nào tới. Và cũng qua câu nói ấy, anh muốn chị hiểu: Anh thực lòng không muốn chị phải chịu đựng thêm một lần nào nữa. Dù mong muốn có thêm thành viên trong gia đình của anh có lớn tới đâu, anh cũng có thể buông nó xuống, để nghĩ cho người bạn đồng hành của mình, nghĩ cho sức khỏe và cuộc sống của cô.
Khi được nghe lời tâm sự ấy của chồng, chị Trần Lan đã thực sự cảm thấy hạnh phúc. Chị hạnh phúc vì cảm nhận được sự thấu hiểu mà chồng dành cho mình, chị xúc động khi biết anh đã thực sự cảm nhận được những cố gắng của chị trong thời gian qua, đặc biệt trong lần vượt cạn này. Có anh ở bên, tiếp thêm động lực, tiếp thêm dũng cảm và dành cho chị một lời yêu thương như vậy “anh sẽ không để vợ sinh con nữa đâu”, chị Lan thấy mình là người vợ hạnh phúc nhất. Chị chia sẻ niềm vui của mình trên một nhóm chia sẻ trên Facebook, không phải để khoe khoang mà là để những người chồng khác biết rằng, chỉ một sự quan tâm chân thành, một sự trân trọng của các anh dành cho những gì các chị đã làm, đã hy sinh, đã đủ để khiến các chị hạnh phúc tới nhường nào:
“Đây là lần vượt cạn thứ 2 của em nhưng cùng với anh thì đây là lần đầu và chắc cũng là lần cuối cùng vì anh bảo: “Anh sẽ không bao giờ cho em đẻ nữa, anh đau không thể nào tả được khi nhìn thấy em đau mà không thể chịu thay em. Lần đầu, mình không ở bên nhau nên anh không biết em phải mệt mỏi thế nào khi vượt cạn, không thấy được cơn đau kinh hoàng mà em phải trải qua để sinh con cho anh. Nhưng lần này cùng em đi hết chặng đường anh thực sự không biết nói từ nào ngoài thương em hết. Em giỏi lắm, đứa này nữa thôi là quá đủ rồi…
Chia sẻ của chị, cùng bức ảnh anh ngồi ngủ bên cạnh giường bệnh, nắm chặt tay chị đã khiến rất nhiều người xem xúc động. Câu chuyện của chị đã được 10.000 lượt yêu thích.
Hôn nhân là việc đại sự trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, ngày nay, thái độ và hành vi thiếu tôn trọng của chúng ta đối với hôn nhân đã gây ra rất nhiều vấn đề trong xã hội như bạo hành, phản bội, ly hôn… Nguyên nhân dẫn đến điều đó có lẽ vì chúng ta đã quá đề cao cái tôi cá nhân, phóng túng dục vọng, không còn biết điều chỉnh và yêu cầu bản thân theo những tiêu chuẩn đúng đắn, theo lễ nghĩa truyền thống nữa.
Vẫn có câu nói rằng: “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Nên vợ nên chồng trong cuộc đời này không chỉ nhờ những cảm xúc nhất thời của trái tim, không phải ở những khao khát dục vọng của con người, cũng không phải là lời hứa hẹn trong thoáng chốc. Thành vợ thành chồng đều nhờ cậy ở duyên phận, ở mối lương duyên lâu dài mà tìm thấy nhau. Bởi vậy, điều chúng ta cần làm không chỉ là sống bên nhau dưới một mái nhà, không chỉ là sinh con đẻ cái và kiếm tiền duy trì cuộc sống. Điều chúng ta dành cho nhau là tình nghĩa, là sự trân trọng và cảm ân, là sự khắc cốt ghi tâm mối duyên phận tốt đẹp của hai người. Điều chúng ta dành cho nhau là trong khó khăn không nóng giận, khi mắc sai lầm không oán trách, khi bất đồng không tranh đấu, khi hiểu lầm không phán xét, mà ngược lại cần bao dung.
Trân trọng người bạn đời của mình cũng là trân trọng chính mình, bởi giữa biết bao người trong thế gian, mình đã lựa chọn và nguyện sẽ gắn bó với người ấy. Và nếu có lúc nào cảm thấy không thể chịu đựng họ, không thể tha thứ cho họ, thì hãy bình tâm mà tự hỏi mình: Rốt cuộc khi xưa ta đến với nhau là bởi điều gì?
Lý Minh – Hải Lam
Xem thêm: