Đại Kỷ Nguyên

Nghịch lý chuyện người Việt đi xe: Coi trọng cái đẹp hơn sự an toàn của chính mình

Thực tế, có những “sự thờ ơ” tuy nhỏ nhưng đổi lại là những hậu quả nghiêm trọng. Khi tham gia giao thông, một “sự thờ ơ” nhỏ đôi khi phải trả giá bằng cả tính mạng.

Xe máy bỏ gương chiếu hậu vì vướng víu và mất thẩm mỹ

Vốn dĩ, mỗi chi tiết bộ phận được nhà sản xuất gắn trên một chiếc xe đều không hề thừa thải và có mục đích riêng. Thế nhưng, chúng ta vẫn bắt gặp không ít những chiếc xe máy đã bị người dùng tháo bỏ kính chiếu hậu. Trong khi đó, chi tiết này lại rất quan trọng trong việc hỗ trợ người đi xe quan sát, góp phần hạn chế các vụ va chạm, tai nạn khi tham gia giao thông.

Lý do được nhiều người đưa ra khi loại bỏ chiếc gương chiếu hậu rất đơn giản và hồn nhiên “cho đỡ vướng víu và tăng tính thẩm mỹ, thời trang”. Không ít người sau khi mua xe về liên tháo ngay cặp gương chiếu hậu đem đi cất. Có một số người, đặc biệt là giới trẻ thì thêm một cái gương chiếu hậu thời trang, kiểu cách gắn bên trái, nhưng để đối phó và tránh bị phạt chứ không phải để quan sát lúc đi xe.

Xe máy thiếu kính hậu, khiến tầm nhìn từ phía sau của người lái bị hạn chế (Ảnh: thanhnien)

Xe máy không có gương hậu, khiến khả năng hỗ trợ tầm nhìn cho người lái bị hạn chế rất nhiều khi điều khiển xe trên đường, quay đầu xe hay chuyển làn… Thực tế, đã có không ít các vụ tai nạn xuất phát từ việc người đi xe máy thiếu quan sát, mà nguyên nhân phần nào cũng chỉ vì “xe thiếu gương hậu”. Khi tầm nhìn giảm, không quan sát được phía sau thì tránh sao được những vụ tai nạn khí chuyển làn hay quay đầu xe…

Người Việt xem trọng thẩm mỹ hơn cả tính mạng (Ảnh: autobike.vn)

Cái tâm lý xem nhẹ sự an nguy của người Việt còn thể hiện ở thói quen chọn xe. Người nước ngoài khi bước vào showroom để chọn xe thì đầu tiên là trao đổi với nhân viên kinh doanh về nhu cầu đi lại, điều kiện tài chính, những yêu cầu thiết yếu và tính an toàn của chiếc xe rồi mới lựa chọn chiếc xe phù hợp.

Nhưng người Việt thì “đơn giản” hơn rất nhiều. Họ vào showroom, quan sát một vòng rồi chỉ tay vào chiếc xe cảm thấy bắt mắt nhất. Dường như với họ chỉ cần tiêu chí thẩm mỹ thôi là đủ rồi. Thế mới nói, xe cộ dù sao cũng chỉ là phương tiện di chuyển thôi, nhưng dân ta lại đề cao cái đẹp hơn chính sự an toàn của mình!

Mua ô tô tiền tỷ nhưng nhiều người Việt “thờ ơ” về tính an toàn

Cách đây không lâu, Toyota Việt Nam vừa chính thức ra thông báo triệu hồi khoảng 20 ngàn xe Vios và Yaris sản xuất trong giai đoạn 2009-2012 để “fix” lỗi túi khí dành cho hành khách phía trước.

Triệu hồi – một động thái rất đỗi quen thuộc và đáng mừng của nhà sản xuất xe hơi, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, nơi tính mạng và quyền lợi của khách hàng luôn được xem trọng một cách đúng mực. Ấy thế mà ở ta, nhiều người không hề quan tâm đến thông báo này và chẳng buồn mang xe đến hãng để sửa, có lẽ là cho rằng không cần thiết chăng!

Thói quen chọn xe của người Việt thường “thờ ơ” với sự an toàn (Ảnh: robbreport)

Theo kinh nghiệm của một chuyên gia về xe hơi thì tiêu chí đầu tiên khi chọn ô tô của người Việt là thẩm mỹ, chiếc xe càng bóng bẩy, càng sang trọng càng tốt. Tiếp theo đến vấn đề giá cả và tiết kiệm xăng, chứ khá hiếm người quan tâm đến hệ thống túi khí có đầy đủ và hiệu quả không. Trong khi cái “bong bóng” ấy có khả năng giành lại mạng sống cho chính người thân của họ.

Đừng thờ ơ trước sự an toàn cũng như mạng sống của chính mình và những người thân chỉ vì mải theo đuổi “cái đẹp”. Nói sâu xa hơn, hãy quan tâm tới những điều thực sự cần thiết và hữu ích đối với cuộc sống của bạn, đừng mãi chạy theo những điều phù phiếm, như bong bóng kia dẫu đẹp nhưng mỏng manh dễ vỡ. Cuộc sống này không quá dài để mãi cho ta cơ hội làm lại từ đầu, bởi vậy, hãy sống thật lý trí để có được hạnh phúc thực sự bền lâu.

Hiểu Minh (tổng hợp)

Exit mobile version