Đại Kỷ Nguyên

Nghiên cứu chỉ ra: Người hay săm soi lỗi chính tả có vấn đề về tính cách

Nếu là một người thường xuyên khó chịu với lỗi chính tả của người khác, xin chia buồn, các nhà khoa học dường như đang có tin xấu dành cho bạn…

Trong một nghiên cứu của trường đại học Michigan, 83 người tham gia được yêu cầu đọc một email phản hồi cho quảng cáo tìm bạn ở ghép. Những email này có thể không chứa lỗi sai hoặc sửa để có những lỗi sai chính tả. Chẳng hạn như “mkae” thay vì “make”, “abuot” thay vì “about”. Hoặc lỗi ngữ pháp như “to/too,” “it’s/its,” hay “your/you’re”.

Cuối thí nghiệm, người tham gia được hỏi liệu họ có nhận ra lỗi chính tả hay ngữ pháp trong các mail trả lời không. Nếu người tham gia trả lời “Có”, họ sẽ chỉ ra các lỗi sai khiến họ khó chịu như thế nào. Tiếp đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm ra mối liên kết giữa đặc tính nhạy cảm với lỗi sai chính tả với tính cách của người tham gia. Tình nguyện viên được yêu cầu hoàn thành bài trắc nghiệm tính cách Big Five (bài trắc nghiệm xác định mức độ của 5 loại tính cách: hướng ngoại, tận tâm, sẵn sàng trải nghiệm, dễ chịu, tâm lý bất ổn). Họ cũng được yêu cầu đoán xem người viết email là người như thế nào bằng cách đoán xem họ thông minh đến đâu, thân thiện ra sao với một thang điểm cho trước.

Kết quả nhận được cho thấy, những người khó chịu với các lỗi chính tả và ngữ pháp mà họ đọc được thường có tính cách “kém dễ chịu” hơn so với những người bỏ qua lỗi này. Những người như thế thường được đánh giá là ít cởi mở hơn, thường xuyên nhìn nhận về sai lầm của người khác tiêu cực hơn. Thêm vào đó, những người tính cách khó chịu thường nhạy cảm với lỗi ngữ pháp, trong khi những người ít cởi mở lại hay nhạy cảm với lỗi chính tả.

Mặc dù nghiên cứu chỉ được thực hiện với 83 người và không thể đại diện cho số đông, nhưng kết quả trên cũng đã phần nào phản ánh sự liên hệ giữa tính cách con người với sự diễn giải ngôn ngữ. Nếu bạn thường xuyên săm soi lỗi chính tả hoặc ngữ pháp, bạn có tránh khỏi thói quen phán xét những sai lầm khác của mọi người?

***

Tôi là một giáo viên, và theo như đánh giá của học sinh thì dù tôi là một người quá nghiêm khắc. Tôi thường xuyên trừ rất nhiều điểm mỗi khi các em mắc lỗi chính tả hoặc lỗi ngữ pháp. Thậm chí tôi còn không chấm bài nếu bài viết phạm quá nhiều lỗi. Các em đều cảm thấy rất áp lực và nặng nề khi đến giờ của tôi.

Tôi không nhận ra vấn đề đó. Tôi cho rằng việc nghiêm khắc và yêu cầu các em chỉnh từng lỗi nhỏ trong mỗi bài viết sẽ tốt hơn cho chúng. Điều đó sẽ rèn luyện đức tính cẩn thận và giúp chúng ghi nhớ tốt hơn để không tái phạm lỗi nữa. Tuy nhiên, phương pháp của tôi đã phản tác dụng. Các em không có sự tiến bộ nào đáng kể. Ngược lại, chúng còn tỏ ra chán nản và không muốn phối hợp.

Không chỉ vậy, trong nhiều năm liền, cuộc sống của tôi trở nên khá áp lực và căng thẳng. Tôi thường có cảm giác không hài lòng về cuộc sống, những người xung quanh và cả bản thân mình. Tôi luôn nhìn ra những khuyết điểm của người khác, thấy tiêu cực với cuộc sống. Đặc biệt, suy nghĩ “Tôi không đủ tốt” khiến tôi luôn có cảm giác nặng nề. 

Thật may mắn, người bạn thân đã giới thiệu cho tôi một khóa thiền định. Tôi bắt đầu thực hành thiền mỗi ngày và sống theo những nguyên lý Phật gia. Tôi nhận ra, thói quen săm soi lỗi chính tả một cách thái quá của tôi xuất phát từ việc thường xuyên phán xét người khác. Đó là biểu hiện khi người ta không hài lòng và khó chịu với bản thân. Cuối cùng, họ đã đẩy những năng lượng xấu đó sang cho người khác một cách vô thức. 

Tôi học cách “dễ dãi” hơn với những khuyết điểm của người khác và bản thân. Các bài viết sai chính tả của học sinh không còn khiến tôi khó chịu như trước nữa. Tôi có thể nhắc nhở các em về lỗi của chúng với một tâm trạng thoải mái và không cần trừ điểm. Chỉ trong một thời gian ngắn, các em đã có tiến bộ đáng kể, và cuộc sống của tôi cũng an nhiên hơn bội phần!

(Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Video: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh

Exit mobile version