Đại Kỷ Nguyên

Ngôi làng ở Nhật Bản phân rác thải thành 34 loại khác nhau – Đổ rác đâu phải chuyện dễ dàng

Tại ngôi làng hẻo lánh Kamikatsu, thuộc huyện Katsuura, tỉnh Tokushima, Nhật Bản có một thứ gần như không bao giờ tồn tại: Đó chính là rác thải!

Ngôi làng không một cọng rác

Vào những 1990, khái niệm tái chế vốn không được người dân tại ngôi làng Kamikatsu biết đến. Họ thường xuyên đốt rác thải sinh hoạt hoặc vứt chúng ra môi trường xung quanh một cách bừa bãi, khiến thiên nhiên bị tàn phá nặng nề.

Ngôi làng thanh bình này thoạt trông chẳng có gì đặc biệt, thế nhưng khi khám phá, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên…

Tuy nhiên, khi nhận thấy mối nguy hiểm tiềm ẩn cho môi trường, người dân trong làng đã quyết định thay đổi trước khi quá muộn. Một lối sống hoàn toàn mới được bắt đầu từ năm 2003 khi dân làng đưa ra ‘Bản tuyên ngôn Không rác thải’. Điều này đồng nghĩa với việc mọi thứ đều sẽ được tái chế theo cách riêng nào đó, thay vì xử lý một cách bừa bãi như trước đây.

Một lối sống hoàn toàn mới được bắt đầu từ năm 2003 khi dân làng đưa ra ‘Bản tuyên ngôn Không rác thải’.

“Chương trình ấy đã tạo thêm gánh nặng mới cho tôi, thật tốn thời gian khi phải phân loại rác thải xem nó có phải làm bằng nhựa hay có dễ cháy nổ không. Tôi chỉ muốn gom hết lại và đốt cháy ở khu vực sân trống như trước”, anh Takuya Takeichi, chủ cửa hàng ăn uống tại Kamikatsu nói.

Thế nhưng, những lời than vãn đó chỉ xuất hiện trong quãng thời gian đầu tiên, bởi người dân tại ngôi làng nhỏ bé đã dần phát hiện ra hệ thống phân loại rác thải chính là chìa khóa dẫn tới sự thành công của Kamikatsu.

Ngôi làng nhỏ bé đã dần phát hiện ra hệ thống phân loại rác thải chính là chìa khóa dẫn tới sự thành công của Kamikatsu.

“Điều từng là gánh nặng đã trở thành lối sống quen thuộc của chúng tôi. Tất cả đã học được cách nhìn nhận rác thải bằng một con mắt khác, đồng thời đặt mục tiêu về một môi trường sống xanh – sạch – đẹp tuyệt đối vào năm 2020”, bà nội trợ Hachie khẳng định.

Người dân tại ngôi làng Kamikatsu có thể phân chia 34 loại rác thải khác nhau.

Dẫu có vất vả hơn, song khoảng 1.500 cư dân tại ngôi làng xinh đẹp Kamikatsu vẫn coi điều đó là hết sức bình thường và không thể ngừng lại vì bất cứ lý do nào: “Chúng tôi biết cách quan tâm tới cuộc sống xung quanh, điều này giúp tâm hồn của mỗi người trở nên rộng mở hơn rất nhiều”, các cư dân chia sẻ.

Chuyện vứt rác – Bài toán không hề đơn giản

Nếu là khách du lịch đến làng Kamikatsu, bạn có lẽ sẽ bối rối vì không biết đổ rác vào thùng nào, bởi tại trạm đổ rác của làng Kamikatsu có rất nhiều các loại thùng rác khác nhau. Thậm chí, chỉ riêng rác giấy, ngôi làng cũng phân thành 4 loại là thùng đựng rác giấy báo, tạp chí, bìa carton và tờ rơi. Ngay cả rác lon đồ nước cũng bị chia thành lon nhôm, sắt hay dạng bình xịt. Vỏ chai cũng được phần loại riêng với nắp chai, bởi chúng có thể tái chế thành những sản phẩm khác nhau. Đây mới chỉ là một vài phân loại trong số ít nhất 34 loại rác với thùng rác khác nhau của làng Kamikatsu.

Nếu là khách du lịch đến làng Kamikatsu, bạn có lẽ sẽ bối rối vì không biết đổ rác vào thùng nào.

Câu chuyện nghe có vẻ nực cười, nhưng với ngôi làng hơn 1.700 cư dân này thì đây lại là một nghĩa vụ thiêng liêng. Theo đó, Kamikatsu đang hướng đến trở thành ngôi làng tái chế rác 100% vào năm 2020, và điều thú vị là họ sắp gặt hái được thành công đó.

Tính đến năm 2015, Kamikatsu đã tái chế đến 80% lượng rác thải tiêu dùng và có 20% được tái phân bổ cho đất đai, trồng trọt. Để làm được điều này, người dân làng đã phải tốn 12 năm để có thể thiết lập được một hệ thống tái chế hoàn thiện.

Những vị khách tỏ ra khá thích thú khi ghé thăm ngôi làng xinh xắn này.
Cửa hàng bán các sản phẩm tái chế từ rác thải.

Thêm một yếu tố nữa khiến tỷ lệ vứt rác bừa bãi ở làng Kamikatsu nói riêng và Nhật Bản nói chung thuộc hàng thấp nhất thế giới là họ không có thói quen vừa đi vừa ăn. Mặc dù thức ăn đường phố Nhật khá nổi tiếng nhưng hầu hết người dân thưởng thức chúng ngay tại chỗ thay vì mang về hoặc ăn trên đường. Bởi người dân Nhật khá quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình nên họ hạn chế vừa ăn vừa đi cũng như vứt rác bừa bãi, tạo nên hiện tượng đường phố sạch sẽ mà không cần các biển cấm.

Nguồn ảnh: trithuctre

Hiểu Minh

Exit mobile version