Với tâm niệm “sống để gieo nên sự tử tế”, Lê Thị Thanh Nhàn (SN 1993, Tp. Huế) đã từ bỏ công việc đáng mơ ước để lập nên một ngôi nhà hoa đẹp như chính cái tên, là nơi sinh hoạt, tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ khuyết tật.

Ngôi nhà hoa (Lavin Home) nằm sâu trong con hẻm số 35/69 Lê Ngô Cát, Tp. Huế. Mùa xuân đang đến nơi cố đô, ngôi nhà hoa trở nên đẹp lạ thường. Không gian mở với những đóa hoa giấy lẫn xen trong vườn cây xanh, tiếng chim trời ríu rít là những gì mà Nhàn xây dựng nên, lấy lòng cả những người khó tính nhất. 

Khởi nguồn của ước mơ

Thanh Nhàn kết thúc bốn năm giảng đường với tấm bằng tốt nghiệp đại học hạng ưu Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ. Đảm nhiệm vị trí quản lý tại một công ty phát triển sản phẩm du lịch ở Huế lúc bấy giờ là công việc đáng mơ ước của những ai vừa mới ra trường, trong đó có cô.

“Hồi đó mình hay làm hoa giấy rồi đưa lên mạng xã hội. Hoa mình làm ra cũng được mọi người đón nhận nó khá nhiều. Sau đó, có một bạn chủ động nhắn tin cho mình, ngỏ ý muốn cùng mình làm hoa giấy. Mình thấy đây là cơ hội để làm một điều gì đó cho các bạn khuyết tật và rồi bắt tay vào làm hoa, lập nên ngôi nhà chung cho những bạn kém may mắn” – Thanh Nhàn kể lại trên tờ Thanh Niên.

Cái tên Lavin Home được Nhàn giải thích rằng nó chính là nơi chứa đựng những ước mơ mà cô cùng mọi người muốn gửi gắm. La – một nốt nhạc tạo nên sự vừa phải trong một bản nhạc và cũng là mong muốn tạo nên một lối sống vừa đủ trong căn nhà này. Từ La còn là Lavender – hoa oải hương. Chúng tạo nên sự đồng điệu khi Lavender là một loài hoa khó trồng nhưng nếu được trồng ở môi trường thích hợp, nó sẽ sống rất bền bỉ và tươi đẹp. 

Chân dung của cô gái Huế xinh đẹp. Ảnh: Phương Dung/ NVCC.

Nhàn từng trăn trở “mình cần tiền để sống hay là sống để gieo nên sự tử tế?”. Vượt qua những khoảnh khắc vô định, những áp lực của công việc, của sự phản đối từ những người thân, Nhàn quyết định: nghỉ việc ở công ty. Cô chọn một cuộc sống không như cái tên của mình, một lối đi riêng mà ở đó cô tin tưởng hoàn toàn vào sự sẻ chia.

Thử thách

Nếu cuộc nói chuyện giữa những người câm điếc luôn rộn rã trong tươi vui thì sự xuất hiện của Nhàn lập tức biến không khí ấy trở nên im lặng. Trước Nhàn, những người câm điếc lại rụt rè, ngại mở lời dù chỉ là những cử chỉ, ký hiệu. Rào cản về ngôn ngữ tưởng như muốn đánh sập giấc mơ về ngôi nhà hoa khi cô bắt tay vào thực hiện. 

Nhàn đã chọn một lối đi để tiếp cận, rồi hòa đồng với những người câm điếc: hơn một tháng buộc mình trở thành một người câm điếc. Cô giao tiếp bằng cử chỉ, ký hiệu với mọi người xung quanh. Cuốn sổ, cây bút là vật bất ly thân với Nhàn suốt thời gian này. Cô bị bố mẹ la mắng, bạn bè cười cợt bảo bị điên… nhưng mặc kệ.

“Tôi rất vui bởi chính nhờ một tháng trời làm “người điên” ấy đã giúp tôi gần gũi hơn với những người câm điếc. Tuyệt vời hơn là những người bạn này đã chịu mở lòng với chúng tôi. Và giờ đây, tôi và họ đã tin tưởng hoàn toàn vào sự tử tế của nhau” – Nhàn nói trên tờ Tuổi Trẻ.

Do dự án phi lợi nhuận, hướng đến thiện nguyện, Nhàn cũng đã gặp không ít khó khăn. Có lúc các bạn bị xương thủy tinh lên cơn đau, không đến học làm hoa được, Nhàn lại đem nguyên liệu đến nhà để hướng dẫn, cũng như hỗ trợ phần nào tiền thuốc cho các bạn, báo Lao Động cho hay.

Những bông hoa hy vọng

Sau hơn 1 năm thành lập, hiện nay ngôi nhà hoa đang là nơi sinh hoạt của Nhàn, mẹ của mình là bà Nguyễn Thị Lộc (53 tuổi) cùng 6 bạn trẻ câm điếc, xương thủy tinh. Tùy vào khả năng, những bạn làm việc tại đây sẽ được hưởng mức lương cơ bản khoảng 3 triệu đồng/tháng. Ngoài 3 bạn câm điếc làm việc thường xuyên tại nhà hoa, số hoa do những bạn xương thủy tinh làm được sẽ do Nhàn đến tận nhà thu gom đều đặn 2 lần mỗi tháng.

Nhàn (đứng bên trái) đang dạy cho các bạn nhỏ cách làm hoa giấy. Ảnh: PĐ/ Lao Động.

Với những dòng tâm sự được viết ra giấy, Trà My, một bạn câm điếc đang làm việc tại Lavin Home, chia sẻ: “Từ khi được làm việc tại đây, tôi thấy cuộc đời mình như sang trang. Nó có phần vui vẻ hơn, đáng sống hơn và đặc biệt là tôi có thể tự kiếm tiền trang trải cuộc sống, không còn là gánh nặng của bố mẹ”.

Còn Thảo, một bạn bị bệnh xương thuỷ tinh thì tâm sự: “Nói về hoa giấy, có lẽ khi nghe thì thấy nó mong manh lắm. Mong manh như chính xương của mình vậy đó. Nhưng thực ra dù nó là hoa giấy nhưng cũng không dễ dàng hư hỏng, mà ngược lại bền vững, mạnh mẽ đến lạ… Mình yêu những bông hoa giấy, yêu màu sắc của ngàn hoa, yêu bản thân mình, yêu những gì mình đã và đang sáng tạo ra… Sống vì đam mê thì con người ta sẽ luôn mạnh mẽ, kiên cường đúng không các bạn!”.

Mỗi bông hoa giấy sau khi hoàn thành sẽ được bán với giá từ 12.000 đồng đến trên dưới 100.000 đồng. Nhiều chậu hoa lớn có giá đến vài triệu đồng, theo báo Tuổi Trẻ.

Cô gái Huế với vẻ đẹp dịu dàng bộc bạch: “Mỗi người trong chúng ta ai cũng luôn muốn tìm cho mình những niềm hạnh phúc riêng, và hạnh phúc của mình chính là cảm thông, sẻ chia và giúp những phận đời kém may mắn kia vươn lên trong cuộc sống”.

Video xem thêm: Từ cô gái gốc Hà Thành đến cán bộ nhà ở Liên Hợp Quốc: Không bao giờ là muộn để tìm thấy “ngôi nhà” của chính mình

videoinfo__video3.dkn.tv||5e9743f48__