Bạn có nhớ bức ảnh người đàn ông tị nạn Syria từng phải bế con bán bút mưu sinh trên đường phố Beirut nóng bức đã khiến cả thế giới xúc động 2 năm trước? Ông bố tị nạn đáng thương ngày nào giờ đây đã là chủ của 3 cửa hàng lớn và thuê tới 16 nhân viên cũng là những người cùng cảnh ngộ với mình.
Một tấm hình được một nhà hoạt động xã hội chụp tại thành phố Beirut, Liban hồi tháng 8/2015. Trong ảnh là người đàn ông có tên Abdul Halim Al-Attar (33 tuổi), một người Syria gốc Palestine đến Liban từ một trại tị nạn ở Syria, đang bế trên tay cô con gái nhỏ cùng một vài chiếc bút mang đi bán.
Ngay lập tức, bức hình đã gây bão trên mạng xã hội Twitter, bởi đó là thời điểm nóng đối với cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu. Cuộc sống lay lắt khi ấy của những con người tha hương quả thật rất đáng thương. Người chụp bức ảnh cho biết: “Bức ảnh này thật xúc động. Bạn hãy nhìn khuôn mặt và cách người bố cầm những chiếc bút như thể chúng là tất cả mọi thứ anh có trên thế giới này”.
Sau đó, chính nhà báo kiêm lập trình viên Gissur Simonarson, người đã chụp bức ảnh đã sử dụng tài khoản Twitter của mình để gây quỹ, nhằm mang tới một sự giúp đỡ cho ông bố đơn thân này, với hy vọng anh có thể bắt đầu một cuộc sống mới. Chỉ trong vòng một vài tháng chiến dịch đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và thu được 191.000 đô-la. Số tiền này đã nhanh chóng được chuyển đến Al-Attar, qua một người bạn của anh (sau khi mất một khoản phí chuyển tiền lên tới 21.000 đô-la).
Nhận được một sự giúp đỡ rất lớn như vậy, Al-Attar đã trích 25.000 đô-la để gửi về quê hương giúp đỡ cho những người vẫn kẹt lại trong vùng đất của chiến tranh ấy. Số còn lại anh đã đầu tư vào kinh doanh ăn uống, Al-Attar đã mở liền ba cửa hàng, bao gồm một tiệm bánh, một cửa hàng Kebab và một nhà hàng.
Anh còn thuê nhân viên là những người tị nạn Syria có cùng hoàn cảnh với mình đang sinh sống tại Liban này. Những cửa tiệm của anh đã trở thành nơi để những con người lưu lạc đó có thể lao động chân chính và tự nuôi sống mình mỗi ngày.
Cuộc sống của cha con anh Al-Attar đã hoàn toàn thay đổi khi anh bắt đầu bước vào công việc kinh doanh nhờ số tiền quyên góp của những người có tấm lòng trên khắp thế giới.
Reem, cô con gái 4 tuổi của Al-Attar không còn phải theo cha đi bán bút dạo như hai năm trước. Gia đình ba người của anh nay đã được sống trong một căn hộ rộng hơn và đầy đủ hơn, ở phía nam Beirut. Con trai anh, Abdullah 9 tuổi cũng đã được đi học sau ba năm không được đến trường.
“Không chỉ cuộc đời tôi thay đổi, mà cả cuộc sống của các con tôi và cuộc sống của những người dân Syria mà tôi đã giúp đỡ nữa”, anh chia sẻ với phóng viên CNN.
Quả thật, những người tới làm việc trong tiệm của Al-Attar đã tìm lại được nụ cười của họ. Công việc ổn định giúp họ có thể nuôi sống gia đình mình, thay vì đi lang thang trên các con phố và nhận những ánh nhìn thiếu thiện cảm của người dân địa phương.
Đó hẳn là lý do, những người trẻ làm việc trong quán của Al-Attar rất nghiêm túc và chăm chỉ. Những người bước ra từ nghèo khó luôn là những người hiểu rõ nhất cơ hội được làm việc mỗi ngày quý giá và hạnh phúc tới nhường nào.
Trong một cuộc phỏng vấn, anh nói với một nụ cười tươi: “Hãy luôn giữ sự lạc quan cho chính mình, khi Thượng Đế muốn ban cho bạn một thứ gì đó, bạn sẽ nhận được nó”.
Bên cạnh lòng biết ơn Thượng Đế, Al-Attar cũng cảm thấy rất biết ơn những người xa lạ đã giúp đỡ mình. Nhờ họ, anh có được thu nhập ổn định từ cửa hàng bán bánh mì thịt nướng đang kinh doanh thuận lợi.
Anh chia sẻ: “Tôi phải đầu tư tiền, nếu không thì tiêu bao nhiêu rồi cũng sẽ hết”. Đây thực sự là một quyết định chín chắn và đúng đắn của người cha này. Tinh thần sống tự lực và quý trọng sự lao động từ khi còn đi bán bút dạo đã giúp anh nhận ra được giá trị chân thật của đồng tiền – nó không phải để hưởng thụ mà là để tạo ra cơ hội lao động chân chính cho chính mình và cho nhiều người khác.
Nhiều người khi được nghe câu chuyện đã nhận xét rằng Al-Attar là một người rất khôn ngoan khi chọn cách này để mưu sinh, từ đó tạo dựng cho mình một cuộc sống hoàn toàn khác. Nhưng quan trọng hơn, sự đầu tư này cho thấy anh Al-Attar rất biết quý trọng sự giúp đỡ của người khác.
Bên cạnh việc có được một cuộc sống đầy đủ và ổn định hơn, điều khiến người cha 33 tuổi này mừng rỡ nhất chính là: Anh cảm nhận được mình đã là một phần của cộng đồng và cảm giác lạc lõng trước đây đã không còn.
Những năm trước, khi tới đất nước Liban, cha con anh cũng như những người Syria khác thường không hay nhận được sự cảm thông và tôn trọng. Nguyên nhân của những ánh mắt không thiện cảm này bắt nguồn từ việc họ không có công ăn việc làm. Điều đó giống như một “gánh nặng” đối với những người dân địa phương. Các cụm từ tiêu cực như “những kẻ vô công rồi nghề”, “không làm việc ắt sẽ sinh tật xấu”, “họ sẽ làm loạn nơi này” từ đó cũng xuất hiện thường xuyên.
Nhưng khi Al-Attar có một cơ hội để chứng minh rằng anh không lười biếng, và những người nhập cư khác họ cũng thực sự muốn lao động, họ tới đây không phải để trở thành những kẻ “ăn bám”, phải lưu lạc cũng là điều bất đắc dĩ. Những thay đổi bắt đầu đến trong cuộc sống của anh: “Nhiều người họ chào tôi khi gặp mặt. Tôi được tôn trọng hơn trước rồi”, anh vui vẻ chia sẻ.
Từ câu chuyện “lội ngược dòng đầy dũng cảm” của người cha tị nạn này, chúng ta có thể thấy rõ rằng lao động chăm chỉ và một thái độ tích cực có giá trị tới mức nào trong cuộc sống của mỗi con người. Nếu những người trên thế giới không nhìn thấy ở Al-Attar hai phẩm chất này, hẳn họ sẽ không cảm động và nhiệt tình giúp đỡ anh đến vậy, và Al-Attar cũng không nhận được món quà xứng đáng của cuộc sống – một cuộc sống ấm no, một tấm lòng không hổ thẹn và sự tôn trọng của những người xung quanh.
Nhi Nhi – Hải Lam
Video xem thêm: 10 năm sống ở trong ống cống để nuôi con trai học Đại Học Y…Tình cha thật vĩ đại!