Đại Kỷ Nguyên

Người chồng Hà Nội năm nào cũng kỷ niệm ngày cưới cùng hai con gái bên di ảnh vợ

Người xưa có câu “vợ chồng nghĩa nặng tình thâm, thương nhau đến lúc bạc đầu còn thương”. Chú Đình, người chồng, người cha trong câu chuyện dưới đây có lẽ là người thấm thía hơn ai hết ý nghĩa của câu ca này.

Ngày kỷ niệm đám cưới không hề thay đổi

Những ngày gần đây, trên các mạng xã hội đang lưu truyền một bức ảnh khiến lòng người ấm áp. Trong không gian của một nhà hàng nhỏ xinh, một gia đình đang ngồi quây quần bên nhau. Có ba người: Cha và hai con gái nhưng lại có bốn bộ bát đũa trên bàn. Theo chị Lê Thu Phương, người đã chia sẻ tấm ảnh gia đình mình cho biết: Hôm ấy là kỷ niệm 31 năm ngày cưới của bố mẹ chị. Bộ bát đũa thứ tư ấy là dành cho mẹ.

Mẹ chị Phương đã ra đi cách đây ba năm, nhưng dường như chưa có ngày nào tình yêu của bố chị dành cho mẹ giảm đi, dù chỉ một chút.

“Mẹ tôi mất cách đây gần 3 năm. Nhưng năm nào đến ngày kỷ niệm ngày cưới của hai người, bố cũng mua hoa, nấu cơm ngon, thắp hương, viết tâm thư post lên facebook mẹ”. Chị Phương viết trên trang cá nhân của mình.

Đến năm nay, bố ốm, đau lưng nhiều nên cả nhà rủ nhau ra tiệm để kỷ niệm ngày đặc biệt. Tưởng chừng như ở chốn đông người, sẽ chỉ có ba bố con lặng lẽ ngồi ăn, rồi nhẹ nhàng trò chuyện cùng nhau. Mẹ sẽ xuất hiện như nhân vật chính trong câu chuyện đó. Vậy mà:

“Bàn thì rộng, chỉ có 3 người nên nhà hàng để có 3 bộ bát đĩa. Đang ngồi chờ thì bố bảo là “con bảo người ta để một bộ bát đĩa ở đây đi cho mẹ còn ăn với”.

Thế là bàn vẫn đủ 4 suất như ngày nào”.

Bức ảnh khiến mạng xã hội ấm lòng những ngày qua (Ảnh dẫn qua: Kênh 14)

Bố không ngại người khác nhìn, không ngại thể hiện tình cảm với người đã cùng ông đi cả nửa cuộc đời. Bố gắp thức ăn vào bát trống bên cạnh, nào tôm, nào cua, rồi nhỏ nhẹ “Mẹ nó ăn cua bấy nhé”, “Này tôm này em ăn đi”, “Để cho mẹ bát chả cá nhé. Ngon lắm!”… Như những ngày mẹ còn sống, bố dành cho mẹ và hai con những gì ngon lành nhất.

Hành động của bố khiến hai cô con gái lớn như cảm thấy mẹ còn ở đây. Nên dù bàn bên cạnh có nhìn cả nhà với ánh mắt khó hiểu, hai chị cũng cùng gắp đồ ngon vào chiếc bát, như thể được một lần nữa gắp đồ ăn cho mẹ.

Trong ấm, ngoài êm

Chị Phương kể thêm về câu chuyện tình yêu của bố mẹ mình. Hai người cưới nhau đã lâu nhưng dường như chưa bao giờ thôi hạnh phúc. Gia đình nào cũng có những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, nhưng bố mẹ chị vượt qua hết, vượt qua để chăm sóc, để yêu thương.

Bố chị là người khó tính, nghiêm khắc nhưng lại rất tình cảm. Bên ngoài, ông không thể hiện nhiều lại có vẻ xa cách, nhưng khi về nhà ông chăm sóc cho vợ con hết mực. Bố nấu ăn ngon, nên không bao giờ ông ngại ngần vào bếp, nấu nướng những bữa thật ngon cho gia đình. Làm con gái bố, chị Phương cảm nhận được người ta có muôn vàn cách để quan tâm và chăm sóc nhau.

Những ngày lễ, bố chị không bao giờ quên mua hoa tặng mẹ, có dịp bố lại đưa mẹ đi công tác cùng để mẹ có dịp mở mang tầm mắt.

Bố mẹ Phương và những người hạnh phúc (Ảnh dẫn qua: thethaovaxahoi)

Đó là dịp đặc biệt, còn ngày thường, bố đều đưa mẹ chị đi làm, vì cơ quan hai người chỉ cách nhau vài dãy phố. Hai ông bà chào hỏi nhau, nhắn tin cho nhau xưng anh, em tình cảm như những đôi vợ chồng trẻ. Những ngày mẹ ốm, bố tự tay nấu cháo cho mẹ, rồi còn kể đủ chuyện để làm cho mẹ cười. Khi có công to việc lớn trong nhà, hay có điều gì cần giải quyết, bố đều hỏi ý kiến của mẹ, cùng thống nhất rồi mới quyết định.

Những điều bố làm tự nhiên lắm, như thể ông coi mỗi việc làm, mỗi hành động ấy là cơ hội để người phụ nữ ông yêu thương cảm nhận được sự chân tình của ông, chứ không hề nặng nề như những thứ trách nhiệm mà người ta phải làm.

“Trong mắt mẹ bố là người chồng lãng mạn. Còn với bố, mẹ là người vợ giản dị, chung thủy, tận tâm”.

Chị Phương và em gái đều hiểu, mẹ được bố yêu thương cũng bởi chính đức hạnh của bà. Mẹ lấy bố và về làm dâu trong một gia đình rất đông anh em. Mẹ tảo tần nuôi nấng, nâng đỡ các em chồng. Mẹ cố gắng hết mình để giúp anh em của bố, từ vấn đề tài chính, đến việc định hướng công việc, rồi xây dựng gia đình. Sau anh chị em chồng là đến các cháu. Tới tuổi con cháu trong nhà học đại học, mẹ lại mở rộng cửa nhà, để các cháu có chỗ ăn ở, lại có người thay bố mẹ bảo ban học hành.

Sự chu toàn và hết lòng của mẹ Xim khiến bố Đình cảm động lắm. Ông cũng hết lòng đáp lại bằng việc chăm lo cho gia đình bên ngoại. Ngày xưa cha ông ta vẫn dạy rằng “gái có công thì chồng chẳng phụ”, liệu còn mấy bạn trẻ thấu hiểu và ghi nhớ lời dạy này.

Duyên ghi dạ, nghĩa tri ân 

Duyên chồng vợ, nghĩa tình thâm (Ảnh minh họa: phunutoday)

Trên các mạng xã hội, người trẻ đang có cơn sốt “Tình yêu thời ông bà anh”, mọi người thi nhau điểm lại những kỷ vật, những câu chuyện tình yêu của ông bà, bố mẹ. Có nhiều đôi bạn trẻ còn chụp ảnh cưới của mình y hệt ngày xưa. Nhưng những điều giản dị bên ngoài ấy liệu có phải là tất cả những gì làm nên hạnh phúc của người xưa?

Hạnh phúc của một gia đình, tình cảm, sự thủy chung của vợ chồng dành cho nhau được bắt nguồn từ một chữ duyên, “vợ chồng không có nợ, ắt không nên đôi” như ông bà ta vẫn dạy. Nhưng để giữ gìn mối nhân duyên quý giá ấy, vợ chồng cần biết “vì nhau”.

Một gia đình chỉ có thể hạnh phúc nếu những người trong ấy đều coi “yêu thương” như một động từ và tập chia nó hàng ngày trong mỗi hành động của mình. Chú Đình, cô Xim trong câu chuyện là một ví dụ minh họa thật đẹp. Nhưng “yêu thương” thực sự là gì? Cuộc sống của họ đã giúp ta có một lời gợi ý:

Trong mỗi hành động ta làm, mỗi lời ta nói, ta đều cân nhắc đến cảm nhận của người kia, đều vì để tốt cho người đó. Khi ta có thể vô tư mà quên đi cái “vì mình”, hướng đến cái “vì người”, khi ấy tình thương chân thật sẽ nở hoa. Ân nghĩa trong cái duyên chồng vợ cũng nằm trọn vẹn trong cái “vì người” ấy.

Hải Lam

Exit mobile version