Đại Kỷ Nguyên

Người có trí tuệ cao là những người cô đơn nhất, bởi vậy hãy học cách ‘cô đơn’…

Con người cho rằng: Tại sao phải chịu đựng nỗi cô đơn khi mà công nghệ có thể kết nối con người vô cùng thuận tiện và dễ dàng. Tuy nhiên,  thực tế là, “mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không học cách chấp nhận sự cô đơn”.

Nỗi ám ảnh sợ cô đơn được xã hội “thêu dệt”

Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) từng chỉ ra rằng: Sự cô đơn có thể làm tăng nguy cơ đột tử của con người. Thậm chí có thể gây ra chết trẻ nhiều hơn bệnh béo phì.

Một nghiên cứu lớn bao gồm hơn 200 nghiên cứu nhỏ hơn ở hàng trăm nghìn bệnh nhân phát hiện: “Có những bằng chứng mạnh mẽ chỉ ra rằng việc bị cô lập xã hội và sự cô đơn làm tăng tỷ lệ tử vong sớm, và cường độ của rủi ro vượt lên trên nhiều các chỉ số sức khỏe khác” (theo nhà nghiên cứu Holt – Lunstad)

Cuộc sống hiện đại càng khiến nhiều người mặc định rằng cần tránh xa cô đơn, càng xa càng tốt. (Ảnh: sains.kompas.com)

Các báo cáo của nhà thần kinh học John Cacioppo cũng cho thấy: Cô đơn có thể dẫn tới sự gia tăng nồng độ cortisol, một loại hormone gây stress, làm tăng huyết áp và giảm lượng máu đi tới các nội tạng. Và các tín hiệu nguy hiểm bị não bộ kích thích do cô đơn có thể làm ảnh hưởng tới sự sản sinh bạch cầu, làm giảm khả năng miễn dịch trước sự tấn công của vi khuẩn.

Còn rất nhiều báo cáo, nghiên cứu về tác hại của cô đơn liên tục được đăng tải trên mặt báo và các kênh truyền thông… Và với những thông tin ấy, con người và xã hội từ lúc nào đã mặc định cô đơn là một thứ tồi tệ và đáng sợ.

Thậm chí, điều này không phải chỉ ở trong xã hội hiện nay mà từ hàng ngàn năm trước, Aristotle – triết gia Hy Lạp cổ đại đã tuyên bố rằng tình bạn là một điều kiện cần thiết để có một cuộc sống tốt. Nếu thiếu bạn bè, chúng ta sẽ không thể là một con người vui vẻ.

Tuy nhiên, “mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không học cách chấp nhận sự cô đơn”.

Đó là triết lý sâu sắc mà nhà khoa học lỗi lạc Blaise Pascal đã đúc kết sau rất nhiều trải nghiệm và nghiên cứu trong các lĩnh vực như vật lý, toán học, cơ học chất lưu, xác suất… và sau này là triết học và thần học.

Theo Pascal, chúng ta sợ sống và tồn tại trong im lặng, sợ việc KHÔNG LÀ MỘT CÁI GÌ ĐÓ TRÊN ĐỜI. Chúng ta ghét sự nhàm chán và sợ bị trở nên vô hình. Vậy nên, chúng ta không nghĩ ra cách nào khác để chạy trốn khỏi các vấn đề cảm xúc ngoài cách tự huyễn hoặc bản thân và tìm kiếm các kết nối với thế giới bên ngoài. Nhưng vấn đề lớn nhất ở đây là: Con người chưa bao giờ học cách ở một mình.

Xã hội càng hiện đại, lời cảnh báo của Pascal càng trở nên chính xác. Nếu có một từ nào đó diễn đạt chính xác nhất những vấn đề của thế giới trong suốt 100 năm qua thì đó ắt hẳn là “sự kết nối”.

“Mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không học cách chấp nhận sự cô đơn” (Ảnh: Juniorsclub.gr)

Công nghệ thông tin đã và đang xâm lấn thái quá vào việc định hướng văn hoá và tư duy con người. Từ điện thoại, đến radio rồi TV, mạng internet, chúng ta có đến hàng ngàn cách để khiến loài người gần nhau hơn. Bạn chỉ cần ngồi tại văn phòng của mình  để tham dự một cuộc họp ở bất kì nơi nào trên thế giới chỉ qua Skype. Bạn có thể đến bất kì nơi nào mà vẫn biết tình hình ở nhà chỉ bằng cách lướt web…

Như vậy, chúng ta có đến vô vàn lợi ích của sự kết nối, tuy nhiên, thứ nào nhiều lợi thì cũng đầy hại. Người ta cũng đã nói rất  nhiều về những tác hại đó: vấn đề quyền riêng tư, việc internet lén lút thu thập dữ liệu, chiếm dụng quá nhiều thời gian của người dùng… Tuy nhiên, còn có một “thiệt hại” to lớn khác mà không phải ai cũng biết: Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thứ đều được kết nối, trừ chính bản thân.

Những triết lý cổ xưa nhất trên thế giới, những bậc cao nhân hiền triết lỗi lạc nhất mọi thời đại, đều khuyên chúng ta rằng: Hãy tự nhận thức bản thân mình. Bởi khi không biết mình là ai, ta chẳng thể nào có nền tảng để tạo dựng cuộc sống. Và khi ấy mọi kết nối với thế giới chỉ là sự tương tác tạm bợ còn con người mãi mãi chỉ là cánh bèo trôi nổi theo dòng nước.

Những người có trí tuệ cao nhất là những người cô đơn nhất

Từ xa xưa, những người được xem là “hiền nhân” sẽ chọn những tu viện hoặc lên núi hay vào các hang động trong núi, rời xa cuộc sống phồn hoa náo nhiệt để “sống đời giản đơn”. Thật kỳ lạ, những con người nằm trong số ít đó, họ không chỉ là những người có trí tuệ và cảnh giới đạo đức cao thượng mà họ còn là những người thực sự hạnh phúc khi cuộc đời đã được giải thoát khỏi những xa hoa phù phiếm. Thế nhưng, thật sự có quá ít người có thể sống được như thế.

Những người có trí tuệ cao nhất là những người cô đơn nhất (Ảnh: tinhhoa.net)

Vậy nên, hầu như tất cả chúng ta đều vướng vào 1 nghịch lý: vừa phải chịu đựng sự cô đơn, vừa không có đủ thời gian dành cho chính mình. Chúng ta vừa muốn thấu hiểu bản thân, vừa muốn kết nối với thế giới bên ngoài hơn là ngồi tĩnh lặng để tự nhận thức chính mình. Kết nối nội tâm là điều quan trọng hơn tất cả những gì chúng ta cần làm trong cuộc sống này. Chỉ tiếc là, có quá ít người thực sự làm điều đó.

Cô đơn khi ở một mình có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng nó là bước khởi đầu, để ta kết nối với bản thân, từ đó tìm ra cách giải quyết mọi vấn đề.

Hiểu Minh

Exit mobile version