Dù con trai không ngớt lời cầu xin, nhưng người cha vẫn không thể bỏ chồng gạch 15 kg trên chân con xuống. Không có chồng gạch ấy, có thể con sẽ không thể lành được vết thương.

Câu chuyện về tình phụ tử này bắt đầu vào ngày cuối tháng 7 năm 2016. Vốn anh Dư Tịnh Vĩnh vẫn có một gia đình yên ấm. Anh sống cùng vợ và con trai Dư Thừa Ngân tại Vân Nam, Trung Quốc. 

Ngày 28 tháng 7 năm đó, cậu bé 5 tuổi Dư Thừa Ngân gặp phải một tai nạn không ngờ. Mẹ em do sơ ý đã để con chơi một mình trong bếp. Chị ra đồng gọi chồng về để dùng bữa trưa. Khi anh chị về đến nhà, vừa kịp lúc nghe thấy tiếng khóc thất thanh vọng ra từ bếp. Khi vào tới nơi, anh chị thấy lửa bốc cao và đôi chân của bé Thừa Ngân bị bắt lửa, đang cháy. 

Tuy được bố mẹ dập lửa, cấp cứu và đưa đến bệnh viện ngay, nhưng vết thương của cậu bé 5 tuổi vẫn rất nặng. Chi phí điều trị của bé Thừa Ngân tăng lên hàng ngày, kinh tế gia đình em cũng theo đó mà dần khánh kiệt. Không chịu được áp lực và trách nhiệm, mẹ của Thừa Ngân đã âm thầm bỏ đi. 

Cậu bé Thừa Ân mới 5 tuổi mà đã phải trải qua 22 lần ghép da trong 2 năm.

Là một người cha, dù khó khăn đến đâu, anh Tịnh Vĩnh cũng không bỏ được con mình. Gánh nặng mà anh mang cũng khiến cha mẹ anh không muốn tiếp tục điều trị cho Thừa Ngân. Số tiền viện phí mà gia đình họ Dư đã bỏ ra cũng lên tới 1 triệu nhân dân tệ, bên cạnh đó họ còn mắc nợ thêm một khoảng 500 ngàn nhân dân tệ. Số nợ này là quá lớn với những người nông dân mà thu nhập chính đến từ ruộng ngô và ớt. 

Hai năm trời, người cha ấy vẫn kiên trì theo đuổi việc điều trị cho cậu con trai nhỏ. Một khi con còn sống là còn có hy vọng phục hồi. Nếu bây giờ anh cũng bỏ đi, cũng giũ bỏ trách nhiệm của mình thì ai sẽ chăm lo cho đứa trẻ tội nghiệp này. 

Nghĩ đến con, nhìn khuôn mặt đáng yêu của con và tương lai con có thể lớn lên, có thể làm một người trưởng thành lành lặn, anh Tịnh Vĩnh lại có thêm dũng khí để cố gắng tiếp tục lo cho con. Không chỉ kiếm tiền, người bố ấy giờ còn phải vào vai người mẹ hiền để an ủi động viên con những lúc đau đớn nhất. 

Người bố ấy dù thấy con đau đớn nhưng vẫn phải dùng gạch đặt lên chân con như thế này.

“Bố ơi, con xin bố đấy, bố bỏ ra đi”. Đó là tiếng van xin quen thuộc của bé Thừa Ngân trong phòng bệnh của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Dù biết con đau, nhưng anh Tịnh Vĩnh không thể làm khác. Nếu bỏ số gạch này ra, rất có thể con sẽ không có một cơ thể lành lặn sau này.

Không chỉ làm cha, anh còn làm mẹ. Dùng vòng tay dịu dàng để động viên con.

Chứng kiến nước mắt chảy lăn dài trên đôi má đỏ ửng vì đau của con, anh Tịnh Vĩnh hẳn cũng đang nuốt những giọt lệ của mình vào trong. Anh ôm con trong vòng tay, cùng con vượt qua thời gian khó khăn nhất này.

Những giọt nước mắt trên khuôn mặt non nớt của con.

Mọi chuyện trong cuộc sống xảy đến đều có lý do của nó, không có chuyện gì là ngẫu nhiên và nhiều lúc con người muốn né tránh cũng không thể được. Tuy nhiên, trước mọi thử thách của cuộc sống, con người có được một đặc ân mà không giống loài nào có được, đó là “ý chí tự do”.

Cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều đã từng nói về cái “số trời” đã định ấy:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng nên trách trời gần trời xa
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

Những tai ương đến với gia đình nhỏ của anh Tịnh Vĩnh có lẽ cũng nằm trong sự sắp đặt của Tạo hóa, tuân theo nghiệp quả của anh, vợ và con. Tuy nhiên, Ông Trời có lẽ chỉ đặt định mỗi người vào cái hoàn cảnh ấy, nhưng hành động ra sao, ứng phó với tình huống như thế nào thì đều nằm trong tay con người quyết định. Như trong cùng hoàn cảnh, cùng phải chịu trách nhiệm với vết thương, sự đau đớn và sự an nguy của đứa con thơ, anh Tịnh Vĩnh và vợ đã có những lựa chọn của riêng mình. 

Dù cả thế giới có quay lưng lại, bố vẫn chọn ở lại bên con.

Cụ Nguyễn Du cũng viết một câu trong truyện Kiều: 

“Có trời mà cũng có ta”

Ta không quyết định hoàn cảnh mình ở trong ấy. Nhưng ta quyết định được cách chính ta suy nghĩ và hành động. 

Người chọn cách bỏ đi, từ chối đối mặt với hoàn cảnh. Người chọn cách ở lại, dù mọi khó khăn vẫn kiên định với quyết định ban đầu. Tự do quyết định, tự do lựa chọn của hai con người vì đâu lại khác nhau đến vậy? Câu trả lời phải chăng đến từ những suy nghĩ “vì ai?”.

Người bỏ đi mới chỉ nghĩ được đến bản thân mình, đến những khổ đau mà mình phải mang, phải gánh. Còn người kia vì nghĩ đến con thơ trước, nghĩ đến mạng sống đang mong manh những vẫn có hy vọng sống của con. Suy nghĩ “vì ai” khiến con người ta hành động khác đi rất nhiều. Cơ điểm “vì ai” sẽ cho con người nhiều hơn một lựa chọn để cân nhắc. 

Bố con mình sẽ nương vào nhau mà sống.

Con người chúng ta đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để khắc họa hình ảnh của người mẹ – tạo vật tuyệt vời nhất mà Tạo hóa ban tặng con người. Mẹ nhỏ bé mà tấm lòng bao la. Mẹ mềm yếu mà khi cần vẫn có thể hy sinh tất cả. Sức mạnh của mẹ đến từ đâu? Chẳng phải đến từ hai chữ “vì con”

Tình thương vô điều kiện của những bậc làm cha mẹ, như anh Vĩnh Tịnh phải chăng là một lời gợi ý cho nhân loại, gợi ý cho hướng đi của ý chí tự do. Khi người ta có tự do lựa chọn, người ta phải dựa vào đâu để biết lựa chọn của mình là đúng. 

Khi mở rộng tình thương con, sự “vì con” ấy ra khỏi vòng tròn gia đình, chúng ta có thể tìm lại được lối thoát cho những muộn phiền của mình, lớn hơn là cho những điều vẫn còn nhức nhối trong xã hội.

Nếu mỗi người đều có thể suy nghĩ, hành xử với những người bên mình như cách mà mẹ vì con mà làm mọi điều, mọi sự việc sẽ khác đi rất nhiều. Tình bạn nếu có sự “vì nhau”, liệu có bao giờ có sự phản bội, nếu đồng nghiệp cũng có được sự vì nhau, vì cái chung, liệu có bao giờ còn “đấu tranh”, “ghen ghét”. Nếu người bán hàng có thể “vì khách hàng”, lừa lọc cũng sẽ không có chốn dung thân. 

Vậy ta có nên học cách dần hướng những suy nghĩ của mình tới sự “vì người”, “vị tha”. Biết là khó, nhưng nếu ta cứ bước, nếu mỗi ngày ta chọn sống vị tha hơn một chút, thì con đường nào đi rồi cũng sẽ đến, hành trình nghìn dặm chỉ có thể khởi đầu khi bạn dám bước những bước đầu tiên. 

Ngày ấy rồi cũng sẽ đến, ngày nhìn thấy con bước đi trên đôi chân nhỏ và nở nụ cười thật hạnh phúc.

Hình ảnh khuôn mặt vui cười dưới đây của Thừa Ngân của có khiến bạn muốn bắt đầu tập sống vị tha hơn từ ngày hôm nay?

Nguồn ảnh: Dẫn theo infoglitz

Hy Văn