Sở hữu 2 tấm bằng Đại học, giao tiếp được 4 thứ tiếng, nhưng chú Nguyễn Văn Mẫn lại chọn cho mình công việc không cần đến tất cả những loại bằng cấp này, đó là: Bán bánh mì trước cổng trường Đại học Bách khoa.
Ngày chú Mẫn học phổ thông, học sinh thời đó còn đang học tiếng Pháp, và chú cũng tìm kiếm học hỏi để giao tiếp được. Ngày chú tốt nghiệp Phổ thông trung học cũng là thời điểm chiến tranh biên giới Tây Nam, Khmer Đỏ tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, phá hủy nhiều ngôi làng và giết hại hàng nghìn người dân.
Chú Mẫn nhập ngũ, cuộc chiến tiến dần sang lãnh thổ Campuchia. Trong 5 năm tham gia quân ngũ, chú Mẫn luôn mang theo sách vở để có thể học tiếng với người dân bản địa khi rảnh rỗi.
Trở về từ cuộc chiến tranh, nhiệt huyết và đam mê được học hỏi trong chú Mẫn dường như chưa bao giờ thôi cuộn trào, chú tiếp tục đăng ký thi tuyển vào trường Đại học Bách khoa. Với sự quyết tâm cao, sau một năm ôn luyện, chú trúng tuyển với số điểm loại xuất sắc.
Lúc bấy giờ hệ đại học chưa có giáo trình Pháp – Mỹ, chú Mẫn đã tranh thủ học thêm tiếng Nga. Khi nói được tiếng Nga thì tiếng Anh bắt đầu dần dần hội nhập và phát triển ở Việt Nam, để bắt kịp được xu thế của thời đại, chú đã tự học thêm tiếng Anh. Vừa học đại học vừa trau dồi thêm kiến thức, đến khi tốt nghiệp ra trường chú Mẫn có thể giao tiếp được 4 ngôn ngữ: Pháp, Campuchia, Nga và Anh.
Một người tài giỏi như vậy tại sao lại chọn nghề bán bánh mì? Chú Mẫn nói: “Chú tốt nghiệp đại học Bách khoa loại giỏi, được giữ lại trường để đi dạy. Nhưng không thích nghề giáo nên chú ra ngoài vì thấy không phù hợp với môi trường kiểu cũ… Nên thôi, ra đây phụ cô bán bánh mì luôn, mình cô làm không có nổi”.
Hạnh phúc của một người chỉ đơn giản là họ được làm những việc mà mình thích, chú Mẫn miệt mài học hành từ khi còn là học sinh phổ thông. Cho đến khi vào học ngành cơ khí của trường đại học Bách khoa, với tất cả sự quyết tâm và nhiệt huyết đến trường. Thời bấy giờ ngành cơ khí chưa phát triển chú còn học thêm văn bằng 2 ngành xây dựng và ngành quản trị doanh nghiệp. Để rồi khi ra trường chẳng cần dùng gì đến những văn bằng chứng chỉ nào, chú chọn bán bánh mì cùng cô.
Cảm thấy mình không phù hợp với môi trường làm việc của nhà trường, chú Mẫn ở nhà cùng phụ giúp cô ở tiệm bánh mì, hàng ngày đều có các em học sinh qua lại. Chú cảm thấy rất vui vẻ và gần gũi mọi người, với xe bánh mì nhìn có vẻ đơn giản vậy nhưng cô chú là người lo trang trải toàn bộ kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học và trưởng thành. Và chú cũng tự hào chia sẻ về 3 người con của mình đều đã có công ăn việc làm ổn định.
Người ta vẫn nói “người biết đủ thường vui”, cuộc đời nhìn càng phức tạp thì niềm vui sống đôi khi lại càng đơn giản. Hãy học cách sống hạnh phúc với những gì mình có và theo đuổi những gì mình muốn. Bởi vì hạnh phúc vốn không sẵn có, nó cần chúng ta hành động để đón lấy.
Gia Viên – Hồng Tâm