Mang biệt danh “người đàn ông với cánh tay vàng”, cụ ông 81 tuổi người Úc James Harrison xác lập kỷ lục với 1.173 lần hiến máu, cứu được tính mạng của 2,4 triệu trẻ sơ sinh.

Bước ngoặt cuộc đời đã khiến ông Harrison đến với sứ mệnh cứu người cao cả bắt nguồn từ chính ca phẫu thuật năm 14 tuổi. Nằm viện suốt 3 tháng và được ít nhất 13 người hiến máu cứu sống, Harrison đã quyết tâm sẽ trở thành một người hiến máu tình nguyện như một cách để cảm ơn những người không quen biết đã cứu mạng mình. 

Giữ đúng lời hứa của mình, kể từ khi năm 18 tuổi đến nay, bất chấp chứng sợ kim tiêm, hàng tuần, ông Harrison vẫn đều đặn đi từ bang New South Wales đến trung tâm hiến máu của Hội Chữ Thập Đỏ Úc.

Loại máu kỳ lạ cứu trẻ sơ sinh bị chứng tan máu

Năm 1967, các bác sĩ phát hiện huyết tương trong máu của ông Harrison có kháng thể dùng để chế ra “kháng thể Anti-D”, chữa chứng tan máu ở trẻ sơ sinh, cứu sống các bé gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Chứng tan máu ở trẻ sơ sinh là chứng máu mẫn cảm, thường hay xuất hiện ở phụ nữ mang thai có máu RhD-, khi kết hợp với máu của người bố là RhD+  thì sẽ bắt đầu sinh ra kháng thể tấn công thai nhi mang “tế bào máu ngoại lai” và hồng cầu của bé, dẫn đến phản ứng tan máu, dễ gây thiếu máu, nghiêm trọng có thể gây nên khiếm khuyết não bộ, bại liệt hoặc sảy thai.

Chân dung cụ ông 81 tuổi đã hiến tặng máu 1173 lần (Ảnh: Global Express News).

Các nhà khoa học của Úc hiện đã dùng kháng thể đặc biệt trong máu của ông James để phát minh ra một loại vaccine có tên gọi là Anti-D Immunoglobulin (ở Úc số người có kháng thể này không quá 50 người). Nhờ sự cống hiến của ông James mà Úc đã trở thành một trong những quốc gia phát hiện ra có kháng thể này trong máu người sớm nhất, tạo ra một chấn động có tính cách mạng trong nghiên cứu khoa học để cứu sống hàng triệu trẻ em, theo Sydney Morning Herald.

Trở thành người hiến máu nhiều nhất trong kỷ lục Guinness

Trung tâm nhận máu của Hội Chữ Thập Đỏ Úc cho biết, ông James đã trở thành người hiến máu nhiều nhất trong kỷ lục Guinness. Mỗi tuần ông James hiến 500-800ml huyết tương, trong liên tục 60 năm và đã cứu được khoảng 2,4 triệu trẻ em. 

Theo cô Jemma Falkenmire, nhân viên của trung tâm nhận máu Hội Chữ Thập Đỏ Úc: “Mỗi túi máu đều rất quý giá, nhưng máu của ông James lại hết sức đặc biệt. Máu của ông ấy có thể điều chế thành thuốc cứu mạng cho những người mẹ có máu có khả năng tấn công thai nhi. Mỗi đợt kháng thể Anti-D mà Úc điều chế đều đến từ máu của ông ấy”.

Cô Falkenmire cho biết thêm, ở Úc có hơn 17% phụ nữ đối mặt với nguy cơ này, vì thế ông James đã cứu được vô số sinh mệnh. 

Con gái của ông Harrison cũng sinh đứa con thứ 2 an toàn nhờ vào liều anti–D được tạo ra từ huyết tương của ông (Ảnh: Excelencia Radio).

Kể từ năm 1967, đã có hơn 3 triệu kháng thể Anti-D được đưa vào cơ thể của những người mẹ có máu Rh-. Bản thân con gái ruột của ông James cũng là người nhận máu do ông hiến tặng.

Ông Robyn Barlow, một điều phối viên chương trình Rh đã tìm đến ông James cho hay: “Ông ấy rất tuyệt vời, có rất ít người hiến máu trong thời gian dài mà mạch máu còn khỏe như vậy. Mỗi đợt kháng thể Anti-D mà Úc điều chế ra đều có một phần của ông James”.

Ông James Harrison đã cứu sống vô số người và được xem là “anh hùng của nước Úc”. Tuy nhiên, ông chỉ khiêm tốn chia sẻ: “Đây là việc mà tôi có thể làm được. Tôi chỉ có một tài năng và cũng là thiên phú duy nhất, đó chính là hiến máu”.

Vào ngày 11/5/2018, ông Harrison đã thực hiện chuyến đi hiến máu cuối cùng, lần thứ 1.173, vì đã tới độ tuổi không còn được phép hiến máu. Nhiều cặp cha mẹ cùng những đứa trẻ đã được ông cứu sống đã tới bệnh viện để kỷ niệm sự kiện này. Nhiều người đã đến ôm ông và không ngừng cảm ơn “người đàn ông có cánh tay vàng”.

Video xem thêm: Người hẹp hòi sống nhờ chữ ‘nhận’, người quảng đại sống bằng chữ ‘cho’

videoinfo__video3.dkn.tv||e0febcb93__