“Nhân viên trợ giúp nhân đạo tiếp tục là mục tiêu bắt giữ của các nhóm vũ trang, bất chấp hiện thực này, sự đồng cảm thúc đẩy chúng tôi vượt qua khó khăn để tới trợ giúp những con người khốn khó”.
Malish John Peter hoàn toàn nhận thức được những vấn đề an ninh và tình hình khủng hoảng ở Nam Sudan – quê hương ông, nhưng vẫn quyết tâm thực hiện trợ giúp nhân đạo nhằm giảm nhẹ những đau khổ nơi đây.
Công việc của ông là hàng ngày cung cấp trợ giúp bất chấp xung đột leo thang, không phải để được ghi công, mà để làm lan rộng hy vọng và phục hồi nhân phẩm con người.
“Trợ giúp nhân đạo cho Nam Sudan là để cứu người”, Malish nói với tờ Humanity, đây là lý do lớn nhất ông toàn tâm toàn ý với công việc này.
Bản Báo cáo về An ninh của nhân viên trợ giúp nhân đạo năm 2018, công bố ngày 13/8 của Humanitarian Outcomes, một công ty tư vấn chuyên cung cấp các nghiên cứu và tư vấn chiến lược cho các cơ quan viện trợ nhân đạo, đã xếp Nam Sudan là nơi nguy hiểm nhất cho nhân viên trợ giúp nhân đạo, và đây là nhận định cho năm thứ ba liên tiếp.
Khoảng 1/3 trong tổng số 158 sự cố bạo lực lớn – nhằm vào 313 nhân viên trợ giúp nhân đạo ở 22 quốc gia năm ngoái – đã xảy ra ở Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất trên thế giới, theo bản Báo cáo.
“Đúng, thật không dễ để trở thành một nhân viên trợ giúp nhân đạo ở đất nước này”, Malish cho biết.
Ngày quốc tế về trợ giúp Nhân đạo do Liên hợp quốc đề xuất được tổ chức hàng năm vào ngày 19/8 nhằm vinh danh các nhân viên trợ giúp nhân đạo đã mất hay bị thương trong khi đang thực hiện nhiệm vụ – những người đến để giúp đỡ nạn nhân bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới.
Tìm một nơi trú ẩn và trở về nhà
Malish sinh tại Kupera, một thị trấn nhỏ thuộc phía Tây Nam của Nam Sudan, giáp biên giới với Uganda. Ông lớn lên ở Uganda như người tị nạn, đây là nơi cha mẹ ông đã trốn thoát trong cuộc nội chiến thứ hai giữa miền Nam và miền Bắc Sudan, từ năm 1983 đến năm 2005, giữa Chính phủ Sudan và Quân đội, Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan.
“Tôi mất cha vào năm 1990, khi mới 7 tuổi, và mẹ đã nuôi tôi”, ông cho biết.
“Khi lớn lên, tôi biết những thành tựu mình có được là nhờ sự hỗ trợ hào phóng của các tổ chức từ thiện toàn cầu. Tôi học trung học bằng bảo trợ của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn khi ở Uganda”.
“Sau đó, tôi có bằng đại học đầu tiên ở Uganda bằng học phí tự đóng. Trong năm 2016-2017, tôi học Thạc sĩ về Chính sách công tại Đại học Nottingham ở Vương quốc Anh bằng Học bổng của Open Society Foundations”.
Malish đã kết hôn, có hai con gái sinh đôi 3 tuổi. Ông sống ở Juba, thủ đô của Nam Sudan, trong khi gia đình ông sống ở Arua, Uganda.
“Điều này chủ yếu là thiếu an ninh ở trong nước, nơi nguy hiểm để cả gia đình cùng sống chung; cũng như thiếu các dịch vụ cơ sở, ví như giáo dục và chăm sóc sức khỏe có chất lượng, khiến tôi và nhiều thanh niên khác ở Nam Sudan định cư gia đình bên ngoài đất nước. “
Dù sống tách khỏi gia đình, Malish cho biết ông tự hào là đại diện của CARE, với sứ mệnh tiếp tục cung cấp các trợ giúp thiết yếu như thực phẩm, an ninh và dịch vụ y tế.
Xung đột ở Nam Sudan
Những thách thức ở Nam Sudan có rất nhiều.
“Ví dụ, đường xá quá xấu trong mùa mưa, trong khi chúng tôi phải đi hàng đêm trên đường. Điều đó khiến đội ngũ nhân viên của chúng tôi đối mặt với những nguy cơ mất an toàn lớn hơn”, Malish cho biết. “Những nhân viên trợ giúp nhân đạo tiếp tục là mục tiêu bắt giữ của các nhóm vũ trang, bất chấp hiện thực này, sự đồng cảm thúc đẩy chúng tôi vượt qua khó khăn để tới trợ giúp những con người khốn khó”.
Cuộc nội chiến ở Nam Sudan đã diễn ra từ năm 2013, giữa quân đội chính phủ và các lực lượng đối lập, khiến các trợ giúp nhân đạo trở nên khó khăn do bạo lực thường diễn ra, theo tuyên bố của CARE, một tổ chức nhân đạo toàn cầu cung cấp cứu trợ trong trường hợp thiên tai ở các khu vực khủng hoảng và các giải pháp lâu dài cho đói nghèo trên toàn thế giới.
Thống kê cho thấy những người gặp khó khăn và những người di dời khỏi Nam Sudan nằm trong số những cảnh ngộ tồi tệ nhất trên thế giới, Malish cho biết.
“Ngày nay, 7 triệu người cần trợ giúp nhân đạo, tức là hơn một nửa dân số của đất nước. Hơn 5,3 triệu người, (khoảng 43% dân số), đang trong tình trạng không đảm bảo an ninh lương thực. Con số này dự kiến sẽ tăng lên gần 7 triệu”, Malish phát biểu với Humanity.
Sau khi biết công việc của CARE, Malish đã chính thức tham gia tổ chức này ở Nam Sudan với tư cách là Cố vấn đối tác vào tháng 7 năm 2018. CARE hiện đang triển khai công việc tại 94 quốc gia và đã có mặt tại Nam Sudan từ năm 1993.
Công việc của Malish ở đây là tổ chức những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tham gia vào công việc trợ giúp nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của CARE.
“Một trong bốn người Nam Sudan đã buộc phải chạy khỏi nhà vì xung đột, 1,9 triệu người đã phải di tản và 2,5 triệu người đã trốn sang các nước láng giềng như người tị nạn. Khoảng 85% những người di dời này là phụ nữ và trẻ em”, Malish cho biết. “CARE sẽ tiếp tục công việc ở Nam Sudan để giúp tạo dựng lại sinh kế, cung cấp hỗ trợ y tế thiết yếu cho trẻ em suy dinh dưỡng, bảo vệ quyền của phụ nữ và các bé gái chống lại bạo lực giới”.
Mặc dù một thỏa thuận hòa bình mới được ký hồi đầu tháng 8, hòa bình vẫn chưa đến ở Nam Sudan. Phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cho đến nay, khoảng 4 triệu người đã phải di tản do hậu quả của cuộc xung đột đang diễn ra. Phụ nữ và trẻ em chiếm 85% số người di tản bởi chiến tranh.
Tham gia vào một sứ mệnh
“Tôi cảm thấy tự hào là thành viên của tổ chức này, khi đã cứu sống những người đã có thể chết nếu không có trợ giúp của chúng tôi ở những vùng xa xôi nhất. Kể từ cuộc khủng hoảng năm 2013 ở Nam Sudan, CARE đã trợ giúp nhân đạo cho hơn 900.000 người ở những khu vực khó tiếp cận”, ông cho biết.
Người già và người dễ bị tổn thương là những người bị ảnh hưởng nhất bởi cuộc chiến đang diễn ra. Mức độ mất an ninh lương thực trầm trọng đã khiến nhiều người sống sót bằng cây dại.
Malish thừa nhận có những ngày có thể rất khó khăn cho các nhân viên trợ giúp nhân đạo ở Nam Sudan.
“Không dễ để cân bằng giữa nhu cầu công việc, gia đình, và suy nghĩ về tương lai của đất nước này như một người Nam Sudan, nhưng điều khiến tôi vượt lên là hy vọng và niềm tin rằng Nam Sudan sẽ phục hồi bất chấp con đường tái thiết gai góc”, ông cho biết. “Mỗi khi tôi lái xe quanh thành phố và chứng kiến sự gia tăng số lượng trẻ em trên đường phố và những khó khăn sống còn của phụ nữ và những cô gái, hơn bao giờ hết, tôi nguyện phục vụ những người đang trong khốn khó”.
CARE hỗ trợ các nhóm phụ nữ thành lập các ngân hàng thôn xóm. Ở Nam Sudan, phụ nữ khó tiếp cận các khoản vay nhỏ. Các ngân hàng thôn xóm cho phép họ tiết kiệm và có được những khoản vay để bắt đầu kinh doanh nhỏ để giúp đỡ gia đình.
Malish cho biết CARE đang tập trung đặc biệt vào việc tự chủ của phụ nữ và trẻ em gái ở Nam Sudan, giúp họ về tài chính để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng của họ và cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội để vượt qua bạo lực thân thể và tình dục.
Kinh doanh của Adau Asok Khor đang khởi sắc nhờ sự hỗ trợ và tư vấn của CARE về cách điều hành một doanh nghiệp nhỏ, “Tôi có những tiêu chuẩn cao mà tôi luôn tuân theo”, bà cho biết. (Phụ nữ tiết kiệm cho hòa bình ở Nam Sudan)
Bất kỳ cá nhân nào trên thế giới có thể tham gia với Malish và CARE để phục vụ Nam Sudan bằng cách trở thành một nhân viên trợ giúp nhân đạo hoặc đóng góp tài chính, ông cho biết.
“Mỗi 28 € quyên góp cho CARE sẽ giúp một phụ nữ được khám thai 4 lần, để đảm bảo sinh con khỏe mạnh. Mỗi khoản 48 € cung cấp những món ăn ngon cho một gia đình trong một tháng và mỗi khoản 130 € có thể cung cấp trợ giúp dinh dưỡng đầy đủ cho một trẻ em suy dinh dưỡng”, Malish cho biết.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Pháp,
Xuân Hà biên dịch