Nhiều năm qua, việc làm mang ý nghĩa nhân văn của anh Nguyễn Ngọc Dũng (xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn được người dân địa phương trân trọng và nhắc đến với sự biết ơn.

Anh Dũng kể, 3 năm trước, khi chở vợ đi lên Lao Bảo anh gặp tai nạn giao thông, sức khỏe suy giảm nặng, nhất là đôi chân bị teo và yếu đi rất nhiều. Từ ngày sức khỏe giảm sút, anh nghỉ hẳn làm rẫy và chuyển sang sửa chữa xe đạp và đồ điện gia dụng ở nhà.

Thời gian trước nhà anh có làm rẫy cà phê ở khu vực gần bản Bù, xã Tân Lập. Đến mùa thu hoạch, anh thường xuyên có mặt ở rẫy để hái cà phê và cũng thỉnh thoảng ghé qua bản Bù chơi. Mỗi lần đi tắt qua bản anh lại thấy rất nhiều xe đạp của các em học sinh bị hư hỏng không có chỗ sửa, vứt lăn lóc, trong khi các em lại phải đi bộ đến trường xa hàng cây số.

Từ những điều tận mắt thấy, anh đề xuất các bà, các mẹ hái cà phê giúp để anh có thời gian sửa xe cho các cháu, sửa chữa đồ điện giúp các gia đình trong bản. Cũng bắt đầu từ đó, anh thỉnh thoảng đến sửa xe, sửa đồ giúp dân bản, dù rằng lúc ấy chưa sửa xe, sửa đồ điện chuyên nghiệp.

Nhờ sự động viên của một số giáo viên thân tình ở Trường THCS Tân Lập, chủ nhật hàng tuần anh cũng đóng cửa quán để theo các thầy vào bản sửa xe đạp, sửa đồ điện miễn phí giúp học sinh và người dân một số bản như bản Cồn, bản Vây, bản Bù…

Nguyễn Ngọc Dũng cùng thầy giáo đến bản sửa xe cho các em học sinh (ảnh: Dân Trí).

Anh Dũng nói với báo Dân Trí: “Dân bản và học sinh ở các bản ấy đều có cuộc sống khó khăn, điều kiện đi lại trắc trở nên mình thực tâm chỉ muốn giúp họ khắc phục phần nào khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống. Với tôi, tôi chỉ muốn giúp các em có được chiếc xe đạp cứng cáp để đến trường học chữ và mong muốn các em cố gắng học hành để mai sau thành người có ích cho xã hội. Tôi thấy rất tự hào khi những chiếc xe đạp cũ hư hỏng, qua tay tôi trở thành một chiếc xe đạp tốt giúp cho các cháu đến trường, tôi thấy rất hạnh phúc”.

Dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, bản thân tật nguyền nhưng chưa khi nào anh Dũng thôi mong muốn giúp đỡ những em học sinh nghèo được đến trường. Câu chuyện về anh Dũng và thầy cô giáo ở huyện miền núi Hướng Hóa đã truyền cảm hứng cho cộng đồng, để mỗi người sống có trách nhiệm hơn, biết yêu thương và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Chủ nhật nào anh Dũng cũng đi sửa xe giúp trẻ trong bản (ảnh: Dân Trí).

Giống như anh Dũng, ông Đỗ Văn Út cũng sửa xe, nấu nước miễn phí giúp người khuyết tật, có hoàn cảnh khoá khăn.

Hơn 2 năm nay, người dân con hẻm 96 Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận, Tp.HCM) đã quen với hình ảnh của ông Đỗ Văn Út – người thợ sửa xe có tấm lòng thơm thảo với người nghèo, người khuyết tật.

Ông tâm sự với PV Đời sống & Pháp lý: “Đa phần những người khuyết tật mà tôi gặp đều bán vé số hoặc chạy xe ôm. Với mình 5, 10 nghìn đã khó kiếm thì với người ta có được số tiền đó còn vất vả cỡ nào. Mình khó khăn một thì người ta khó khăn gấp đôi, ba lần mình”.

Ông Đỗ Văn Út hành nghề sửa xe tại hẻm 96 Phan Đình Phùng (ảnh: Minh Quân/Đời sống & Pháp lý).

Bên cạnh đồ nghề sửa xe, ông Út còn “trang bị” gần 20 bình nước năm lít đựng trà và nước lọc nằm trên chiếc thùng xốp to chứa đá cây. Chỉ vào những bình nước với vẻ tự hào, ông nói đây là “đồ nghề” hàng ngày để ông làm thêm một việc tốt nữa – trà đá miễn phí. 

20h hàng ngày, ông Út lại nấu trà để nguội, rót vào bình chuẩn bị cho ngày hôm sau. Trời nắng thì có hơn 20 bình, mưa cũng khoảng chục bình cùng nước đá. Mỗi ngày ông Đỗ Văn Út làm gần trăm lít trà đá miễn phí cho mọi người.

Chị Ngân (bán vé số) nói: “Nhờ có ổng (ông Út) với bình nước ở đây mà mấy người bán vé số, xe ôm đỡ tốn tiền mua nước bên ngoài, cũng tiết kiệm được thêm một vài đồng”.

Video xem thêm: Thiên thần ở khắp nơi mẹ ơi (music video Tuổi thần tiên)

videoinfo__video3.dkn.tv||a2e1b6d02__