Đại Kỷ Nguyên

Người đàn ông với ‘cánh tay vàng’, 60 năm hiến máu cứu hơn 2 triệu trẻ em trên thế giới

Cứ đều đặn 2 lần mỗi tháng trong 60 năm, ông James Harrison lại đến Ngân hàng Máu Chữ Thập Đỏ Úc để hiến máu.

Nhưng đây không phải là một cuộc hiến máu thông thường. Với một cuộc hiến máu thường, nó có thể cứu được 3 mạng sống, đối với hiến huyết tương là 18 mạng.

Nhưng trong máu của cụ ông 81 tuổi này có một thành phần đặc biệt, nó đã giúp cứu sống hơn 2,4 triệu trẻ em.

Động lực để ông Harrison có thể thực hiện điều kì diệu này bắt đầu vào năm 1951, khi ông phải trải qua ca phẫu thuật lồng ngực và sống sót nhờ 13 đơn vị máu của những người hiến tặng. Cảm kích trước hành động đó, ông quyết tâm hiến máu cứu lại người khác. Khi đủ 18 tuổi ông bắt đầu hiến máu.

Trong huyết tương của ông có chứa kháng thể anti-D hiếm và mạnh mẽ, có thể cứu sống những em bé bị chứng thiếu máu tán huyết (HDN). Căn bệnh này xuất hiện khi người mẹ và thai nhi có nhóm máu không tương thích, các kháng thể của người mẹ tấn công các tế bào hồng cầu của em bé đang phát triển. HDN có thể dẫn đến suy tim, tổn thương não và tử vong.

Sau nhiều lần hiến, máu của ông đã được dùng truyền cho hơn 3 triệu phụ nữ Úc. (Ảnh: Abcnews)

Người đàn ông 81 tuổi này sẽ kết thúc hành trình này bằng lần hiến thứ 1173.

“Bằng cách phân tích dữ liệu về các ca sinh ở Úc, tỷ lệ người nhận và nguy cơ tử vong từ HDN, Tổ chức Máu Chữ Thập Đỏ Úc (ARCBS) khẳng định máu của ông Harrison đã cứu sống 2,4 triệu trẻ em” – bà Robyn Barlow, người phát hiện thành phần đặc biệt trong máu của ông Harrison chia sẻ.

Cụ James Harrison được xem là một người hùng của đất nước Australia và nhận được nhiều danh hiệu cao quý. Số lần hiến máu của cụ giờ đã vượt ngưỡng 1.000. Năm 2011, cụ James được trao kỷ lục Guiness người hiến máu nhiều nhất, với 1.000 lần.

(Ảnh: Reuters)

“Đó là một món quà của tạo hóa. Ông ấy đã cứu hàng triệu đứa bé. Tôi đã khóc khi nghĩ về những cống hiến của ông Harrison. Chúng tôi sẽ không còn được gặp ông ấy nữa. Việc sức khỏe và mạch máu của ông ấy đủ tốt để hiến máu trong một thời gian dài như vậy là rất, rất hiếm” – bà Barlow đã ôm chặt ân nhân để chào tạm biệt.

Các bác sĩ bày tỏ hy vọng sẽ có thêm nhiều người hiến máu xuất hiện; có thể một ai đó trong số họ sẽ là một James Harrison thứ hai. Hiện ở Úc chỉ có 200 người hiến đủ tiêu chuẩn cho chương trình Anti-D. 

Lòng tốt của ông đáng được để lại thành di sản và đặt ra thách thức cho cả cộng đồng nếu muốn đánh bại kỷ lục đó”.

Trước ngày chia tay, ông Harrison bày tỏ sẽ rất vui nếu có ai đó phá được kỷ lục 1.173 lần hiến máu của mình. “Đó sẽ là một điều vô cùng tuyệt vời” – ông nói

Tuấn Vũ

Exit mobile version