Khi biết rằng không còn nhiều cơ hội ở bên con mình nữa, bố của Lindsey đã quyết định lưu lại những khoảnh khắc cuối cùng của con. Đó là khi vợ anh ôm cây đàn ghi-ta ngân lên những lời ly biệt chua xót… Khoảnh khắc ấy thật sự đã lấy đi nước mắt của bao người…
Thời gian có thể xóa nhòa mọi nỗi đau, nhưng đối với bố mẹ của Lindsey, điều này thật không hề dễ dàng bởi vết sẹo mang tên em thật sự là quá lớn.
Những ai biết đến Lindsey Lourenco đều cho rằng em là một chiến binh dũng cảm. Suốt 6 năm qua, em đã can đảm sống chung với căn bệnh bạch cầu tàn ác. Kí ức tuổi thơ của em là những đợt trị liệu và những tháng ngày nằm trên giường bệnh. Em không hiểu niềm vui của những người bạn đồng trang lứa khi được tung tăng cắp sách đến trường.
Mỗi lần Lindsey chạy hóa chất là một lần gia đình em hy vọng phép màu xảy đến. Mỗi ca ghép tủy bắt đầu, bố mẹ Lindsey lại nguyện cầu mong em qua cơn bạo bệnh, để em lại được cắp sách đến trường, để cả nhà lại được nhìn thấy nụ cười nở trên môi em.
Năm tháng trôi đi, Lindsey giờ đã 18 tuổi. Mẹ em ước mơ em có một cuộc sống bình thường như bao người bạn khác. Tuy nhiên, bác sỹ thông báo rằng, bệnh tình em không có chuyển biến.
Cho đến một ngày, Lindsey không còn phải chịu đau đớn nữa. Những mỏi mệt lùi lại phía sau, em ra đi mãi mãi khi không còn đủ sức chống lại với bạo bệnh. Sau lần trị liệu cuối cùng em rơi vào hôn mê sâu, bác sỹ nói với bố mẹ em rằng hãy chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.
Bố Lindsey nghẹn ngào chia sẻ: “Lindsey đã thua cuộc”. Bố mẹ em đau đớn chấp nhận sự thật, trong lúc tuyệt vọng khi biết tin con mình không qua khỏi, mẹ của em đã mượn cây đàn ghi-ta và ngồi cạnh giường bệnh vừa đàn vừa hát cho con gái nghe.
Chứng kiến cảnh vợ mình hát một bài hát tự sáng tác cùng với cây đàn bên cạnh con gái bé nhỏ tội nghiệp, bố Lindsey đã không cầm được nước mắt. Bài hát này cũng được mẹ em hát khi em hoàn thành ca ghép tủy đầu tiên, chỉ khác nhau ở hoàn cảnh lúc đó thì hy vọng của gia đình về một Lindsey khỏe mạnh là rất lớn.
Còn giờ em đang nằm đó mê man bất tỉnh, bỏ quên tất cả những người thân yêu ở lại. Em chọn một lối đi khác, một lối đi không phải chịu những khổ đau bệnh tật, không phải chạy những đợt trị liệu như bây giờ. Em chọn cho mình một sự giải thoát khi không thể đồng hành cùng bố mẹ lâu hơn được nữa.
Ba của Lindsey viết:
“Đêm qua tôi vào phòng bệnh của Lindsey, Darlene đang đau đớn hát cho con. Cô ấy muốn Lindsey nghe bài hát mà mình viết cho con thêm một lần nữa…
Tôi thật sự tin rằng, mặc dù Lindsey đang trong trạng thái hôn mê, con bé có thể nghe thấy mẹ mình đang hát và cảm nhận được tình yêu xung quanh mình. Tôi không thể nghĩ rằng ngay cả trong những khoảng thời gian khó khăn và đau đớn nhất của cuộc sống, vẫn còn đó khoảnh khắc đẹp và tình yêu mạnh mẽ, vô điều kiện.
Một bản ghi âm chưa chỉnh sửa, chưa ghi nhận, hoàn toàn thô ráp và xúc động của một người mẹ gửi tới cô gái sắp ra đi, con gái yêu quý của tôi, Lindsey: Yêu con mãi mãi, con gái yêu!”
Video bài hát dành cho Lindsey, “So Strong”:
Sự thật đau lòng khi khoảnh khắc cuối cùng của camera ghi lại hình ảnh đó của hai mẹ con thì cũng là lúc Lindsey trút hơi thở cuối cùng. Căn bệnh bạch cầu đã đưa em rời xa gia đình, đến một miền bất tận xa xôi nào đó.
Sự ra đi của Lindsey tuy có để lại nhiều tiếc nuối, nhưng bố mẹ em cũng đã làm tất cả những gì tốt nhất cho con mình. Trong những tháng năm ngắn ngủi của cuộc đời em không lúc nào phải chịu cô đơn, bố mẹ luôn túc trực và chăm sóc tận tình, họ chưa một lúc nào để em phải một mình.
Cuộc đời mỗi người đều thoáng qua như cơn gió, nếu có duyên dài hạn thì có thể ở với nhau trọn kiếp. Sự ra đi âu cũng là số trời đã định, khó ai có thể xoay chuyển hay làm ngược lại với quy luật đó của tạo hóa. Hy vọng về bên kia thế giới Lindsey sẽ không còn phải chịu những đớn đau, bệnh tật.
Mọi sự tiếc nuối rồi sẽ phai mờ dần cùng thời gian, nhưng những điều mà bố mẹ Lindsey đã làm cho em đã khiến em hạnh phúc và mãn nguyện khi ra đi. Em đã mang theo tình yêu thương vô bờ của bố mẹ cùng với lời ru và những tiếng đàn ghi-ta sâu lắng.
Gia Viên