Đại Kỷ Nguyên

Người mẹ mất con đã lựa chọn cách ứng xử khiến mọi người thán phục

Con gái gặp tai nạn xe cộ qua đời, La Anh phải đi ngàn dặm xa xôi đón tro cốt của con. Những hành động sau đó của cô khiến nhiều người thán phục.

Người mẹ tại thôn Cao Minh, huyện An Hóa, tỉnh Hồ Nam đã vượt hơn 3000 km, mất hai ngày một đêm, để đến Đại Liên. Cô đi từ miền quê nghèo xa xôi hẻo lánh, không đủ tiền ngồi máy bay, phải đi bằng xe khách liên tỉnh.

Khó khăn lắm cô mới hỏi được đường đến trường con gái. Ngồi phía trước xe, thời tiết oi ả khiến mồ hôi La Anh liên tục đổ ra. Nhìn ra ngoài xe, nước mắt của cô lặng lẽ rơi – cô chưa từng đi xa để biết rằng thế giới bên ngoài lại rộng lớn đến vậy.

(Ảnh: Diego Torres, Pixabay)

Hai năm trước, các hương thân tại thôn đã khua chiêng gõ trống tiễn Tương Nhi lên đường. Họ dặn dò: “Cháu học cho tốt, tương lai đón mẹ lên hưởng phúc. Mẹ một mình nuôi cháu khôn lớn, thật không dễ dàng.”

Hai năm sau, các hương thân lại phải xót xa tiễn La Anh, họ dặn cô: “Nhất định không được buông tha người lái xe đã làm hại Tương Nhi. Anh ta đã phá hỏng hạnh phúc của gia đình lớn này!”

Mọi người trong làng đều muốn cùng La Anh đi Đại Liên. Không muốn họ phải vì mẹ con cô mà vất vả, La Anh đã quyết định đi một mình. Trên một chặng đường dài như vậy, trong lòng cũng lo lắng, cô sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề. La Anh tự trấn an bản thân: “Mình càng sợ hãi thì tâm càng rối loạn.”

Tại bến xe Đại Liên, thầy giáo của Tương Nhi, các bạn học, ban lãnh đạo của công ty xe buýt và cả Tiểu Phó – người lái xe gây ra tai nạn – cũng cùng đến đón La Anh. Mọi người đều biết cô vừa mất đi đứa con duy nhất, nên có làm gì cho cô lúc này cũng vẫn không đủ.

Đầu tiên La Anh muốn đến thăm nhà Tiểu phó. Ngôi nhà chỉ vỏn vẹn 50 mét vuông mà có những 5 người ở. Gặp mặt mà mọi người không biết nên nói sao. Một lát rồi La Anh lên tiếng: “Nhà ở của vợ chồng cô Phó nhỏ quá!”.

Vợ Tiểu Phó nghẹn ngào: “Hai vợ chồng là công nhân bình thường, kết hôn rồi vẫn không mua nổi nhà ở. Trước còn đỡ, từ ngày anh ấy lái xe, phải làm ca, thường xuyên mất ngủ. Bấy lâu anh ấy không về với gia đình. Hiện tại thì lại xảy ra việc đó…”

Thấy vợ Tiểu Phó rơi lệ, La Anh không nỡ: “… Cô Phó à! Tôi chỉ nghỉ ở lại nhà ăn một bữa cơm…” Thấy Tiểu Phó định đi mua thêm đồ ăn, La Anh lại ngăn: “Nhà có gì ăn nấy thôi.”

Hôm sau, nhà trường đã thay cô mời luật sư để nghiêm trị lái xe và yêu cầu bồi thường thỏa đáng. La Anh không gặp, mà chỉ nhẹ nhàng nói: “Con bé đã làm cho các anh phiền, tôi lại còn làm phiền thêm nữa. Nhờ các anh đưa thi thể của Tương Nhi đi hỏa táng. Nhờ một bạn học thân thiết nhất của Tương Nhi dẫn tôi đi đến những nơi con bé đã từng đến, đi dạo cùng tôi. Còn lại tôi sẽ tự mình giải quyết, không để trường thêm phiền, cũng không để cho đám nhỏ trễ nải việc học hành.”

Sau khi hỏa thiêu thi thể của con gái, La Anh bỏ hộp tro cốt của Tương Nhi vào ba lô, rồi ôm như ôm một đứa trẻ. Cô cùng bạn của con gái đến ghềnh Kim Thạch thuộc khu Tân Hải. Họ lặng lẽ cùng nhau ở đây một ngày. Mắt bạn học của Tương Nhi đều sưng lên vì khóc, nhưng La Anh không rơi lệ. Bạn của Tương Nhi lo lắng nói: “Dì ơi, dì khóc đi cho nhẹ lòng.”

La Anh lúc này mới nói: “Ba của Tương Nhi qua đời khi con bé mới 4 tuổi, ta nhìn Tương Nhi mà cầm nước mắt, sợ rằng con gái nhìn thấy mẹ khóc, sẽ bị tổn thương…”

Ngày hôm sau, La Anh đến làm việc về vụ tai nạn làm chết con gái cô. Phía công ty cũng chuẩn bị sẵn sàng để bồi thường theo luật định, cùng món tiền bồi thường riêng của Tiểu Phó. Vì không muốn để không khí thêm căng thẳng, công ty xe buýt không để Tiểu Phó ra mặt, và mời thêm luật sư. Dường như mọi người đang trong tâm trạng chờ đợi để ứng phó với một cơn bão lớn.

La Anh vẫn rất bình tĩnh, cô gặp mặt chỉ khoảng 5 phút để trao đổi nội dung chính. La Anh nói: “Tôi chỉ muốn nhờ các anh hai việc. Thứ nhất là để Tiểu Phó lái xe trở lại. Thứ hai là Tiểu Phó bị bệnh mất ngủ, các anh chuyển cho Tiểu Phó bài thuốc chữa mất ngủ: 10 nhân táo đỏ, trộn với muối, dầu, rồi đun sôi, ăn khi còn nóng, ăn chừng một tháng, khẳng định có tác dụng.”

Mọi người đều ngỡ ngàng, La Anh dừng một chút lại nói: “Tương Nhi đã gây phiền cho các anh rồi.”

(Ảnh: Ddouk, Pixabay)

La Anh rời đi, công ty cố gắng theo cô để trả tiền bồi thường, nhưng La Anh không lấy. Dù thế nào cô cũng nhất định không nhận. Cô nói: “Tiền này tôi không dùng làm gì. Số tiền của Tiểu Phó trả lại cho anh ta, phần còn lại hãy thưởng cho các lái xe. Nơi thành phố xe cộ đông đúc, đi đường không dễ dàng, lái xe cũng thật không dễ sống.”

La Anh trở về, hành lý của cô giờ nhiều hơn vì có thêm chiếc ba lô đựng hộp tro cốt của Tương Nhi. Cô ôm hộp tro của con ở trước ngực, thất thần nhìn về phía trước.

Mọi người trong công ty xe buýt đều lo lắng cho cô. Họ đã bỏ tiền thuê một chiếc xe cho mọi người đến thăm La Anh, dù biết thôn cô ở là nơi tỉnh lẻ xa xôi.

Về tới nơi đây, mọi người mới cảm nhận được sự chất phác, chân thật của người dân nghèo, cùng điều kiện vật chất quá thiếu thốn. Trường học và nhà ở đều trông lụp xụp. Nhà của La Anh được chống bằng mấy cây cột nhưng giờ nó cũng không còn chắc chắn nữa.

La Anh đưa tất cả đoàn người của công ty xe buýt đến các gia đình trong thôn. Đi đâu cô cũng nói: “Mọi người xem, tôi nói không sai, những người của công ty này tốt lắm.”

5 người trong chuyến đi chỉ lưu lại tiền về, còn lại họ gom toàn bộ để mua đồ dùng sinh hoạt cho La Anh. Người giàu có còn hối tiếc đã mang quá ít tiền.

Hiện đã 5 năm qua đi, nhưng những người ở Đại Liên vẫn thường đến thôn Cao Minh. Không chỉ có người của công ty xe buýt, mà nhiều người khác cũng cảm kích đối với tấm lòng của La Anh mà đến. Họ dùng khả năng của mình để đầu tư sửa đường, xây mới trường học. La Anh cũng vì thế mà hãnh diện.

Người mẹ mất con đã rất rộng lượng, và đưa thôn làng của cô đến gần hơn với cuộc sống hiện đại. Tha thứ là đức tính tốt đẹp nhất! Khoan dung với người khác là khoan dung với chính mình. La Anh có thể dụng tâm thông cảm cho người khác, thật sự rất đáng quý!

San San

Xem thêm:

Exit mobile version