Sự tha thứ có lẽ là một trong những điều khó thực hiện nhất trong cuộc đời mỗi người. Nếu bạn vẫn còn trăn trở với câu hỏi: “Liệu có thể thật sự tha thứ cho ai đó?”, câu chuyện của một người mẹ vừa mất con dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rằng sự bao dung là món quà quý giá mà bất cứ ai cũng nên biết cách trao tặng.
Vào buổi sáng một ngày tháng 11 năm 2012, cậu học sinh Jordyn Howe trên đường đi xe buýt tới trường đã mang theo khẩu súng của cha dượng. Cậu giấu nó dưới đồ đạc của mình và cha mẹ cậu không hề hay biết. Trên chuyến xe buýt ngày hôm đó, cậu bé đã bỏ khẩu súng ra ngoài, lúi húi cùng đám bạn “lên đạn”. Ngồi cùng Jordyn trên chuyến xe là Lourdes – cô bạn cùng lớp của cậu. Cô bé thấy tò mò nên đã mượn và bắt đầu nghịch khẩu súng. Cô bé chĩa súng ngắm khắp xe, đùa cợt, giả vờ như mình chuẩn bị bắn ai đó.
Thấy vậy, Jordyn giằng khẩu súng lại và chỉ xuống sàn, bóp cò. Nhưng viên đạn vẫn nằm lì trong nòng súng. Do đó, cậu bé đã nâng khẩu súng lên, chỉ vào người bạn cậu và kéo cò một lần nữa. Ngay lập tức, viên đạn bay ra khỏi khẩu súng, cắm thẳng vào cổ của cô bạn. Lourdes được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng các bác sĩ đã không cứu được cô bé.
Thủ phạm là cậu bé Jordyn khi ấy mới 15 tuổi, đã ra đầu thú ngay sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra. Cậu muốn chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đã gây ra cái chết của bạn mình, Lourdes Guzman-DeJesus.
Jordyn Howe đã phải ra hầu tòa vì hành động gây chết người ấy. Tờ Daily Mail cho biết, theo luật pháp của Hoa Kỳ, dù chưa tới tuổi vị thành niên, nhưng Jordyn vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật về hành động của mình như với tư cách của một người trưởng thành. Em sẽ phải đối mặt với hai tội danh: giết người với vũ khí nguy hiểm, và sở hữu, sử dụng vũ khí khi chưa tới tuổi vị thành niên.
Phiên tòa này thực sự là một sức ép tâm lý rất lớn đối với Jordyn. Chắc chắn những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực sẽ không tha cho cậu bé: Sự bất ngờ vì hậu quả quá nghiêm trọng của hành động đùa nghịch của mình, sự dằn vặt khi vừa gây ra một cái chết, sự hối hận, xấu hổ vì những gì mình đã làm. Tất cả những cảm xúc này của em có thể nâng lên tới mức cực điểm trong phiên tòa xét xử. Khi em phải đối mặt với sự nghiêm khắc của luật pháp và nhất là với sự đau khổ, có thể là trách móc của cô Ady Guzman-DeJesus, mẹ Lourdes.
Ngày xét xử cuối cùng đã tới, Jordyn Howe xuất hiện trong phiên xử với trang phục hàng ngày. Khuôn mặt luôn hơi cúi xuống và đôi mắt cậu bé đượm buồn. Chúng ta đều có thể hình dung sự nặng nề trong tâm trí của cậu bé.
Nhưng trong phiên tòa xét xử, thực sự đã có một điều kì diệu xảy ra, mà không ai có thể nghĩ đến.
Phiên tòa diễn ra như đúng dự kiến. Cậu bé Jordyn đã nhận được bản án của mình: Cậu bị kết tội đã ngộ sát người bạn cùng lớp. Cậu cũng đã thấy được hình ảnh của người mẹ thân yêu của bạn, nhìn thấy sự suy sụp, đau khổ và những giọt nước mắt nhớ thương con của cô. Có lẽ cậu bé đã cảm nhận được hậu quả lớn lao mà hành động vô ý của cậu gây ra.
Nhưng Jordyn và tất cả mọi người trong phòng xử án đều bất ngờ khi mẹ của Lourdes, cô Ady tiến về phía cậu, khuôn mặt vẫn còn nguyên sự xúc động.
Cô đã vòng tay ôm lấy Jordyn vào lòng để nói với cậu rằng: Cô tha thứ cho cậu. Cả hội trường như lặng đi trước hành động này, không ít người đã không kiềm chế được sự xúc động của mình.
Tờ Miami Herald tường thuật quan toà Ellen Due Venzer ở Miami-Dade Circuit nói:
“Tôi đã chứng kiến thảm kịch con người diễn ra trong phòng xử án này suốt 20 năm nay, nhưng tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng được việc mẹ của nạn nhân lại ôm người đã giết chết con mình”.
Khi trả lời câu hỏi phỏng vấn bên ngoài phòng xử, cô Ady cũng đã giải thích một cách đơn giản về hành động của mình: “Công lý đã được thực thi (…) Jordyn là bạn của con gái tôi và tôi biết con bé muốn tôi tha thứ cho cậu bé”. Cái ôm và những lời giải thích của một người mẹ vừa mất con ấy có khiến bạn cảm thấy: Tha thứ là điều có thể?
Liệu bạn có đang tự hỏi chính mình, tại sao cô Ady lại có thể làm được điều phi thường ấy? Câu trả lời hợp lý nhất có lẽ cũng đã nằm trong những gì cô chia sẻ với báo chí: “Công lý đã được thực thi”- điều ấy có nghĩa là người đã cướp đi mạng sống của Lourdes đã phải đối mặt với tội lỗi của cậu ấy và chấp nhận sự trừng phạt của luật pháp – đó chính là công bằng dành cho con gái nhỏ của cô.
Nhưng quan trọng hơn, cô Ady hiểu rất rõ rằng người đang đứng trước vành móng ngựa kia vẫn là một đứa trẻ, cậu bé bằng tuổi con gái bé bỏng thiếu may mắn của cô. Cậu bé còn có cả tương lai phía trước, sự hận thù sẽ chỉ có thể đóng chặt lại trái tim và những ngày tháng sau này của cậu. “Tôi muốn con gái ở đây, nhưng có lẽ tha thứ sẽ mang lại yên bình cho tất cả”. Sự bình yên ấy là sự bình yên trong tâm hồn và cuộc sống của Jordyn, và của cả chính cô.
Các báo đài không thể phỏng vấn Jordyn sau phiên tòa. Nhưng cái ôm đầy thiện niệm của cô Ady có lẽ đã chạm đến trái tim của cậu thiếu niên ấy, giúp cậu hạ bỏ mọi rào cản tâm lý, để có thể thực sự cảm nhận được nỗi đau mà những người ở lại đang phải gánh chịu. Cảm giác về nỗi đau thật gần như vậy chắc chắn mạnh mẽ hơn hàng vạn lời giáo huấn, hàng ngàn hình phạt. Nó sẽ giúp cậu bé khắc ghi thật sâu trong tâm trí sự nguy hiểm và những tổn thương mà súng đạn có thể gây ra cho con người.
Jordyn sau cái ôm ấy sẽ càng thấm thía hơn trách nhiệm của mình khi cầm trong tay một khẩu súng – thứ có thể cướp đi sự sống và sự bình an trong tâm hồn của không chỉ một người. Vì lẽ đó, trong những gì Jordyn sẽ làm để chuộc lại lỗi lầm của mình, cậu sẽ cùng mẹ của Lourdes đi tới các trường học để chia sẻ về chủ đề: Sự nguy hiểm của việc sử dụng vũ khí một cách thiếu trách nhiệm.
Chưa nhiều người có thể vượt lên nỗi đau của chính mình, để dùng thiện tâm đối đãi với những người đã làm bản thân tổn thương như cô Ady. Nhưng chúng ta luôn có quyền hy vọng rằng câu chuyện của cô sẽ truyền thêm sự dũng cảm cho những con người đang phải chịu sự dày vò của hận thù, để họ cũng có thể từ đau khổ của mình mà vượt ra, mà tha thứ cho người kia, để tất cả đều tìm được sự bình yên.
Theo Daily Mail
Nguồn ảnh: Daily Mail
Xuân Dung biên dịch
Xem thêm: