Được tòa xử ly hôn và có quyền chăm con, nhưng đã gần 2 năm trời chị Hạnh không được nhìn thấy mặt con. Chị đã đi khắp nơi, gõ cửa rất nhiều cơ quan để xin giúp đỡ. Thậm chí chị đã bán cả mảnh đất của mình để làm lộ phí, tiếp tục tìm con. Mọi việc dường như vô vọng. Đến ngày 27/3 vừa qua, điều hạnh phúc nhất đã đến với người mẹ kiên cường.
Mẹ không bao giờ bỏ con
Năm 2015, chị Hạnh và anh Thành chính thức làm vợ chồng. Sau đó, khi biết mình có mang, chưa kịp vui mừng, người phụ nữ Đồng Nai này đã bị chồng và bố mẹ chồng bắt bỏ con. Anh Thành đã trải qua hai đời vợ và đã có hai cô con gái. Vì vậy, gia đình anh sợ đứa trẻ trong bụng chị cũng là con gái.
Tuy nhiên, chị Hạnh kiên quyết giữ sự sống cho con. Khi đang mang bầu ở tháng thứ 5, chị nén nỗi đau khổ vì cuộc sống nơi nhà chồng, khăn gói về nhà bố mẹ đẻ để qua kỳ sinh nở. Chị dự định sinh xong sẽ nuôi con một mình, chứ không bao giờ chị bỏ đi giọt máu của mình.
Khi biết vợ sinh con trai, chồng chị đã từ Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã về quê đón hai mẹ con chị về lại nhà cũ. Không còn tình cảm với anh Thành, nhưng nghĩ đến cảnh con không cha như nhà không nóc, chị Hạnh cũng đồng ý theo anh về. Những tưởng có bé Tài, cậu con trai kháu khỉnh, chị Hạnh sẽ bớt khổ. Nhưng mâu thuận trong gia đình vẫn xảy ra liên miên.
Đỉnh điểm là thời điểm tháng 8 năm 2016 (khi bé Tài được 7 tháng tuổi), bố mẹ chồng đuổi chị Hạnh khỏi nhà. Đặc biệt họ không cho chị được gặp con, mặc dù đứa trẻ còn chưa cai sữa.
Ôm niềm tủi phận và thương con, chị trở về nhà ngoại. Thời gian ấy, nỗi nhớ con khiến chị thao thức hàng đêm. Cứ nhìn dòng sữa chảy thấm đầy ngực áo, chị lại thấy lòng thắt lại, nước mắt lại rơi.
Gian nan hành trình tìm lại quyền làm mẹ
Không còn cách nào khác, chị Hạnh nộp đơn ra tòa xin ly dị và xin được quyền nuôi con. Sau hai phiên xử, ngày 16 tháng 03 năm 2017, tòa án thành phố Biên Hòa đã xử cho chị được ly dị và nuôi bé Tài. Thời điểm đó, Tài còn quá nhỏ và rất cần tới sự chăm sóc của mẹ.
Tuy nhiên, chồng cũ của chị Hạnh không hợp tác. Anh nhất quyết không giao con cho chị với lý do, trong quá trình chung sống, chị Hạnh có những biểu hiện bất thường về thần kinh, đồng thời lại không có nguồn thu nhập ổn định. Bất chấp quyết định, yêu cầu và thuyết phục của cơ quan chức năng, anh Thành nhất quyết không hợp tác.
Quãng thời gian ấy đối với chị Hạnh thật dài và khó khăn. Thời gian đầu khi bị đuổi khỏi nhà, ngày nào chị cũng bắt xe vượt 80 cây số lên thành phố Biên Hòa mong được nhìn và được gặp lại con. Tuy nhiên, lần nào chị cũng phải ra về trong nước mắt, gia đình chồng không cho chị thăm con.
Chị Hạnh nghỉ việc, dùng tiền tiết kiệm để đi khắp nơi xin giúp đỡ. Không biết viết đơn, cũng không biết nhờ ai, người mẹ ấy quyết vượt qua giới hạn của mình, tự soạn những lá đơn. Chị bỏ ra sáu ngày trời để hoàn thành công việc. Dù khó đến đâu chị cũng vượt qua bởi con trai đang chờ.
Đơn thư của chị được chấp nhận, cơ quan chức năng cũng ra quyết định cưỡng chế 3 lần nhưng đều không lay chuyển được cha đứa trẻ. Chị Hạnh buồn, thất vọng vô cùng. Thời điểm này mọi thứ của chị đều như trở về số 0: chưa một lần được gặp lại con, sức khỏe cũng cạn kiệt theo những chuyến thăm con vô vọng và những chuyến đi dài xin lại quyền nuôi con. Tuy nhiên, tình mẫu tử giúp chị trụ vững để tiếp tục cuộc hành trình.
Trong thời gian chờ đợi sự hồi tâm chuyển ý của chồng, chị Hạnh đã bán đi mảnh đất của mình. Số tiền bán đất chị để dành để đi tìm lại con mình. Thời gian đó, chị Hạnh cũng bớt số lần lên tìm cơ hội thăm con, một tuần chị chỉ lên thành phố hai lần. Thời gian còn lại, chị mua hoa quả về bán ở chợ. Chị đi bán hàng không chỉ để lấy lời làm tiền dành dụm, mà hơn hết là để khỏa nỗi nhớ con. Không có công việc, không có những lúc rong ruổi ngoài đường, chị cũng không biết mình sẽ phải đối mặt ra sao với cuộc sống của một người phụ nữ bị tước quyền làm mẹ.
Cái kết có hậu cho người mẹ kiên cường
Hai năm trời không được gặp con đã bào mòn sức khỏe, trái tim và niềm hy vọng của chị Hạnh. Một ngày, chị ngồi thất thần bên sạp hoa quả, trong tâm mang ý định làm liều để một lần được gặp con rồi chết cũng cam lòng. Thời điểm tuyệt vọng ấy, chị nhận được điện thoại. Cuộc gọi khiến chị không tin vào tai mình. Cơ quan chức năng gọi thông báo: Chị cần chuẩn bị giấy tờ để ngày 27 tháng 3 đón con về.
Ngày hôm đó, nước mặt chị vẫn rơi dù khuôn miệng đã có thể khẽ cười. Chồng cũ của chị bế Tài lên cơ quan để trao con cho mẹ. Anh nhận ra trong quãng thời gian qua mình đã sai, nên đồng ý để bé Tài về với mẹ.
Thương con, chị muốn ôm trầm con vào lòng, nhưng vẫn phải nén lại mong muốn ấy. Chị sợ xa mẹ hai năm, Tài sẽ lạ, sẽ khóc la. Nhưng cuối cùng, chị cũng đưa được con về. Bé Tài quen trở lại với mẹ rất nhanh và không hề quấy khóc. Bé ăn chơi rồi ngủ bên mẹ như chưa hề có cuộc chia ly nào trước đó. Phải chăng bằng một cách nào đó, cậu bé biết trong hai năm qua, không giây phút nào mẹ thôi thương và nhớ em.
Giờ đây, chị Hạnh đã có thể yên tâm tiếp tục cuộc sống. Sạp hoa quả giúp chị có thu nhập từ 300 đến 500 ngàn một ngày, đủ để chị lo cho bé Tài một cuộc sống ấm no.
Nguồn ảnh: dẫn qua Vietnamoi
Hy Văn