Ở một số vùng quê, người Nhật sẽ nuôi một vài chú cá trong bể nước của gia đình. Họ rửa rau, rửa bát và thậm chí là… đánh răng từ nguồn nước lấy từ bể cá này. Hãy cùng thực hiện một chuyến thăm quan ngắn cùng Benjamin McCracken để khám phá bí ẩn thú vị đằng sau tập quán lạ lùng này nhé.
Benjamin (Ben) đã thực hiện chuyến thăm quan ngắn của mình tại một ngôi làng Harie của Nhật Bản để tìm hiểu về một nét văn hóa rất đặc biệt trong đời sống hàng ngày của người dân ở ngôi làng này “Những bể cá trong nhà” – được người Nhật gọi là Kabata.
Ben có mặt đầu tiên tại trạm tình nguyện của làng, đây là nơi sẽ cung cấp cho anh tour du lịch đầy thú vị này. Bên ngoài trạm, Ben tìm thấy một tấm biển hiệu ghi “Ngôi làng của những dòng nước sống động” (The Village of Living Water). Mọi thứ đều có vẻ rõ ràng nhưng chỉ có đi đến cuối cuộc hành trình, Ben mới thực sự hiểu được ý nghĩa của tên gọi này.
Trước khi hành trình bắt đầu…
Theo lời giải thích chung của người hướng dẫn: Người dân ở Harie dùng “nước nguồn” dẫn từ thiên nhiên để phục vụ rất nhiều hoạt động trong sinh hoạt thường nhật.
Nước trên ngọn núi gần làng sẽ đổ về hồ Biwa, sau đó dòng nước sẽ theo hệ thống các kênh rạch để tới từng hộ gia đình.
Người Harie để dòng nước là chính nó, không bắt giữ dòng nước cho cá nhân ai. Và lần nào khi dòng nước ghé vào những bể Kabata của mỗi nhà, nó đều được người ta sử dụng với sự trân quý.
Bạn đang thắc mắc, nếu rửa rau, rửa bát cùng chung nguồn nước như vậy có vệ sinh?
Những chú cá chép mập mạp đang thư thái bơi lội trong làn nước trong mát sẽ cho bạn câu trả lời. Tất cả những chất bẩn từ rau củ và đồ dùng sẽ được cá chép – Nhân viên vệ sinh chuyên nghiệp này xử lý. Chúng cũng sẽ rất vui vẻ ăn hết những đồ thừa còn sót lại trong bữa ăn của bạn.
Những chú cá chép được nuôi ở đây còn khiến người ta tưởng tượng đến những chiến binh, bảo vệ cho sự trong sạch của dòng nước, và chúng cũng chính là sứ giả, nhắc nhở con người: Tất cả đều là sự sống, đều cần được tôn trọng. Vậy nên có lẽ sẽ không bao giờ bạn nhìn thấy cảnh tượng người Nhật tùy tiện làm bẩn nguồn nước của mình.
Thực sự dòng nước trong làng Harie luôn lưu động và không bao giờ bị ách lại ở bất kì đâu, nước vẫn giữ được sự tự do của nó. Đó chính là lý do tại sao Làng có tên là “Làng của những dòng nước sống động”.
Hệ thống dẫn nước đi khắp làng Harie thực sự rất đẹp. Dưới đáy kênh là rất nhiều cây thủy sinh xanh mướt. Chúng tồn tại ở đó không hề ngẫu nhiên.
Loài tảo này còn có thể nở hoa, nên tới mùa xuân nó còn mang thêm một nhiệm vụ nữa: Khiến những con kênh trở nên xinh đẹp hơn với những nụ hoa bé xinh dập dềnh trong làn nước trong vắt.
Khi bước chân vào làng Harie Ben bắt gặp tấm biển gỗ lớn được đặt ngay ngắn đầy trang trọng ở nơi mọi người có thể quan sát, với mục đích truyền tải thông điệp:
Nước là kho báu của làng Harie và những người tới đây dù với mục đích gì cũng được yêu cầu trân trọng và đối xử với dòng nước như một vật báu.
Bạn sẽ hiểu vì sao người dân Harie lại trân quý nguồn nước tới vậy khi được nếm thử loại nước vẫn lưu chuyển một cách hài hòa, tự nhiên qua bao nhiêu thế hệ trong ngôi làng này. Ben của chúng ta đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra nước cũng có mùi vị của riêng nó. Hơn thế nữa, nước từ những nguồn khác nhau lại có mùi vị rất khác biệt, mang dấu ấn của nơi nó bắt nguồn.
Một người dân tốt bụng đã làm một hệ thống dẫn nước từ bể Kabata của gia đình ra đến ngoài, với mục đích để những người đi đường có thể sử dụng khi cần.
Kabata còn được sử dụng như một chiếc tủ lạnh. Người dân ở Harie rất thích bảo quản những rau củ tươi ngon của họ trong làn nước nguồn tươi mát này. Rau củ sẽ không bao giờ bị héo hay cháy lạnh. Việc trồng trọt ở Nhật không hề dễ dàng, nên rau củ không đơn thuần chỉ là thực phẩm. Đó là lý do vì sao, người dân Nhật dành một sự trân trọng đặc biệt cho tất cả những gì mà đất trời ban tặng cho họ. Kabata trở nên quý giá ở chỗ nó giúp họ tránh được sự lãng phí thực phẩm – những món quà của các vị Thần.
Người Nhật còn có thể đánh răng rửa mặt tại bể Kabata này, họ rất chú ý sử dụng các loại xà phòng và kem đánh răng dịu nhẹ, thân thiện với môi trường. Vì không ai trong ngôi làng này muốn làm tổn thương dòng nước, những chú cá chép và những sinh vật khác sinh sống trong chiếc bể Kabata này.
Ben kết thúc chuyến hành trình của mình bằng việc ghé thăm một cửa hàng sản xuất đậu phụ của làng.
Cửa hàng này sử dụng nước từ bể Kabata để làm đậu. Biểu cảm trên khuôn mặt anh và những ghi chú của Ben khiến chúng ta hiểu, anh đang được thưởng thức món đậu ngon lành như thế nào “Đậu phụ tươi ở đây là món mà bạn chắc chắc phải nếm thử”. Có lẽ món ăn sẽ đượm vị thanh khiết của nước nguồn và vị béo ngậy đặc trưng của đậu tương người dân gieo trồng.
Hành trình của Ben đã kết thúc nhưng bạn có thấy trong mình vẫn có một cảm giác bâng khuâng nào đó? Bạn đang nghĩ tới nơi mình sống, tưởng tượng viễn cảnh gia đình, nhất là những đứa con thân yêu của bạn cũng có được may mắn như những người dân của Harie, được dùng thứ nước mát lành của thiên nhiên. Mong ước ấy dường như ai cũng có, nó thật đẹp và chính đáng. Nhưng bạn có đang tự hỏi, vì sao người Nhật lại có thể nghĩ ra những điều tuyệt vời như vậy?
Câu trả lời phải chăng nằm ở cái tên “Ngôi làng của những dòng nước sống động”. Tên gọi này cho chúng ta hiểu rất rõ thế giới quan của người Nhật. Con người của xứ sở Phù Tang tin rằng dòng nước cũng có sự sống của riêng nó, nói cách khác, dòng nước cũng là một sinh mệnh. Vậy bất kể sinh mệnh nào cũng đáng được trân quý, nâng niu. Đó là lý do, người dân Harie không bao giờ đối xử thô bạo với dòng nước mà thiên nhiên ban tặng.
Người Nhật sống với dòng nước với sự khiêm cung, đối xử với nước bằng lòng biết ơn, nên họ được hưởng sự trong mát của thiên nhiên ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Phải chăng chính là người Nhật đã chọn cách sống “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, và Đạo thuận theo tự nhiên” mà Lão Tử truyền dạy từ hàng ngàn năm trước đã giúp họ nghĩ ra hệ thống Kabata này. Để rồi, dòng nước nơi ngôi làng nhỏ xinh xắn ấy, không biết tự bao đời đã nuôi dưỡng sự mạnh khỏe, đức khiêm cung, nhẫn nại và sự hiền hòa trong tâm hồn của mỗi người dân bình dị ở xứ sở Phù Tang.
Bài viết dựa theo nhật kí hành trình của Benjamin McCracken.
Nguồn ảnh:en.biwako-visitors.jp
Hải Lam tổng hợp
Xem thêm: