Đại Kỷ Nguyên

Người phụ nữ nuôi 2.000 trẻ em bị bỏ rơi: Chặng đường khó khăn, sự sống của các con là động lực

Trong cuộc đời một người phụ nữ, làm mẹ một đứa trẻ đã là hạnh phúc lớn. Vậy làm mẹ và tự tay chăm sóc hơn 2000 đứa con sẽ có cảm giác như thế nào? Cô Lu Lijing, người đã dành 12 năm để chăm sóc những đứa con xa lạ có lẽ là người hiểu rõ hơn ai hết cảm giác khó khăn nhưng tuyệt vời ấy. 

Lu Lijing là người Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Bắc Kinh. Cô còn lấy tên tiếng anh là Lily để dễ dàng trao đổi trong công việc. Nhiệm vụ chính của cô là chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi. Cô hiện đang là người sáng lập một tổ chức phi chính phủ có tên “Những giọt sương rơi trên hoa nhỏ”. Tổ chức của Lily cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho các trẻ em mồ côi. Đồng thời, “Những giọt sương rơi trên hoa nhỏ” còn hỗ trợ các gia đình có trẻ mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, để họ đủ những kiến thức cần thiết, từ đó có thể chăm sóc con cái mình được tốt nhất. 

Sự hoạt động ổn định của “những giọt sương rơi trên hoa nhỏ” là kết quả của 12 năm bền bỉ của Lily trên chuyến hành trình mang tình thương, sự ấm áp đến với những em bé thiệt thòi. 

Khởi đầu bên cạnh những người giỏi nhất

Lily kể lại trên trang blog cá nhân, cô bắt đầu công việc chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi vào năm 2006. Khi mới chập chững vào nghề, cô đã may mắn gặp được những người giỏi nhất trong lĩnh vực này, đó là Brent và Serena Johnson. Hai bậc tiền bối phương Tây đã dìu dắt Lily, giúp cô trở thành một con người đủ mạnh mẽ, vững vàng và sẵn sàng để có thể giúp đỡ những đứa trẻ. Trong ba năm tiếp theo, cô đã học hỏi rất nhiều về nghề chăm sóc đặc biệt này. Lily đã học từ những bước căn bản nhất. Sau đó, cô còn tích lũy những kinh nghiệm trong vai trò quản lý về chuyên môn. 

Lily đã chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi từ 2006.
Với cô, việc chăm sóc sức khỏe cho những đứa trẻ thiệt thòi là niềm đam mê.

Cô chia sẻ trong 3 năm này, cô đã dành toàn tâm toàn ý để chăm sóc hơn 600 đứa trẻ bị bỏ rơi, trong đó có rất nhiều trẻ sinh non và tật nguyền. Lily nhớ lại, một giai đoạn, trung tâm thứ hai mà cô làm việc đã tiếp nhận 11 trẻ em bị sinh non trong vòng ba tuần. Họ không thể và cũng không nỡ từ chối những đứa trẻ cần được giúp đỡ. Trước khi xây dựng tổ chức của riêng mình, Lily đã làm việc cho hai tổ chức chuyên chăm sóc trẻ mồ côi và chăm sóc hơn 1400 đứa trẻ. 

Cô đã chăm sóc hơn 2000 những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Cho đến năm 2016, sau 10 năm làm việc không mệt mỏi để nuôi và chăm sóc những trẻ mồ côi tàn tật, sinh non, cùng với sự giúp sức, động viên và khích lệ của hai tiền bối Brent và Serena Johnson, Lily bắt đầu tạo lập tổ chức của riêng mình. Cô đặt tên cho tổ chức là “Những giọt sương rơi trên hoa nhỏ” (Dew Drops Little Flower). Từ khi thành lập đến nay, tổ chức của Lily giúp đỡ hơn 120 đứa trẻ, tư vấn tận tình cho 68 gia đình để chăm sóc những đứa trẻ thiệt thòi.

Chặng đường khó khăn, động lực đến từ những đôi mắt, những nụ cười và khát khao được sống

Dành toàn bộ tâm huyết của mình để nuôi nấng, chăm sóc cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, Lily đã không lập gia đình. Cô chấp nhận không có đứa con của riêng mình để đổi lấy cơ hội được làm mẹ, được chăm sóc cho những em bé gặp những thử thách từ khi mới ra đời. Không chỉ thiếu tình yêu thương, mà chúng còn mắc phải nhiều những bệnh tật, phải chịu nhiều nỗi đau trên thân thể. 

Không có những đứa con của riêng mình, nhưng cô vẫn được hưởng hạnh phúc làm mẹ.

Cô chia sẻ trong bài viết kể về cuộc hành trình của mình rằng, trong cả 12 năm ấy, luôn có hai câu hỏi thường trực trong cô. Tại sao cô có thể làm công việc này lâu dài đến vậy, và làm thế nào để cô có thể tiếp tục công việc này, tiếp tục duy trì “Những giọt sương rơi trên hoa nhỏ”? 

Một phần động lực đến từ sự dẫn dắt và động viên của hai bậc tiền bối Brent và Serena. Nhưng cô biết rõ, động lực lớn nhất nằm ở những đứa trẻ. Những khuôn mặt dịu dàng, niềm khao khát được sống mạnh mẽ ẩn trong mỗi tấm thân nhỏ xíu khiến Lily có thêm quyết tâm để làm hết sức mình, chăm sóc để các con có thêm cơ hội sống.

Khao khát sống của những đứa trẻ khiến cô trân quý công việc của mình.

Lily chia sẻ rằng cô đã cảm nhận được niềm vui đích thực khi chứng kiến cậu bé sinh non “không còn hy vọng” Xiang hay cậu bé mắc chứng ruột ngắn Xiao sống sót và trở thành những đứa trẻ khỏe mạnh. Nước mắt cô đã rơi khi nghe Xiao hát ca khúc “Chúa thương con” bằng tiếng Anh với anh chị em và bố mẹ nuôi người nước ngoài của mình. 

Sự sống và hạnh phúc mà những đứa trẻ thiệt thòi ấy có được dường như chính là động lực để Lily trở thành mẹ của những đứa trẻ xa lạ và tiếp tục công việc ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác không chút chán nản. 

Bởi vì khi cho đi bạn còn nhận lại nhiều hơn rất nhiều

Những đứa trẻ đã cho Lily rất nhiều hạnh phúc, nhờ các con cô hiểu hơn rất nhiều về cuộc sống, về sức mạnh của tình yêu thương.

 “Càng cho đi, bạn càng nhận về nhiều hơn” câu ngạn ngữ này đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nhưng không phải ai cũng có đủ can đảm để sống và kiểm chứng sự chân thật của nó. 

“Nhiều người nói rằng tôi đã làm rất nhiều điều cho lũ trẻ, nhưng sẽ chính xác hơn khi nói rằng tôi nhận được nhiều hơn rất nhiều những gì tôi đã đem lại cho các con”, đây là lời tâm sự của Lily. 

Với cô, nếu không có cơ hội được ở bên cạnh, chăm lo cho những đứa trẻ, cô sẽ không biết được sức sống của một con người mạnh mẽ đến nhường nào. Cô cũng không biết được rằng nói “không” đôi khi là điều khó khăn nhất mà con người phải làm. Nếu không có công việc và những đứa trẻ, Lyli cũng sẽ không trở thành người cứng đầu, không bao giờ chịu từ bỏ khi các bác sĩ nói rằng “không còn hy vọng”. Và nếu không có những đứa trẻ, cô cũng không có cơ hội để gặp được những con người tuyệt vời đến từ khắp nơi trên thế giới. 

Điều đó khiến cô không bao giờ hối hận về lựa chọn của mình.

Vậy nên, Lily không bao giờ thất vọng hay nuối tiếc vì những điều cô đã làm, vì lựa chọn cống hiến sự sống, sức mạnh và tình thương của mình cho những đứa trẻ thiệt thòi ấy. 

Nguồn ảnh: dewdropslittleflower

Hy Văn

Exit mobile version