Trong nhiều thập kỷ qua, Singapore luôn giữ danh xưng là “đất nước sạch sẽ hàng đầu thế giới”, được Reuters báo cáo là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có lời giải khá trọn vẹn cho bài toán rác thải. 

Với diện tích khoảng 772 km2 và dân số hơn 5,8 triệu người, tính riêng trong năm 2017, Singapore đã sản sinh ra 8.443 tấn rác thải rắn mỗi ngày, tương đương khối lượng của 5.600 chiếc ô tô, theo Straits Times.

Vào những năm 1960, giới chức Singapore từng tuyên bố đất nước sắp hết chỗ… đổ rác. Nhưng đến năm 1979, Singapore đã tìm ra giải pháp. Họ xây dựng nhà máy đốt rác đầu tiên, gia nhập nhóm quốc gia tiên phong về “Waste to Energy” (WTE) – biến rác thải thành năng lượng.

Bên trong 1 nhà máy đốt rác của Singapore (ảnh: Reuters).

40 năm kể từ khi nhà máy đốt rác đầu tiên đi vào hoạt động, đến nay Singapore đã xây dựng thêm 3 nhà máy như vậy. Họ đã có thể xử lý 90% rác thải của đất nước, biến nó thành năng lượng điện, với một hệ thống vận hành kín kẽ và hiệu quả đến kinh ngạc.

90% rác biến thành điện

Đây chính là cách hệ thống vận hành bên trong mỗi nhà máy đốt rác ở Singapore:

Đầu tiên, xe tải mang rác đến nhà máy. Toàn bộ rác được dồn vào hầm chứa được thiết kế đặc biệt để ngăn mùi hôi thối bốc ra.

Kế đó, máy nghiền sẽ làm vỡ vụn rác thải cứng rồi đưa vào lò đốt.

Nhiệt từ quá trình đốt sản sinh hơi, giúp đẩy máy phát turbine và tạo ra điện để phục vụ đời sống của người dân.

Điều đặc biệt, khói được tạo ra trong quá trình đốt rác không hề gây ô nhiễm môi trường bởi nó đã được lọc kỹ để loại bỏ các chất gây hại trước khi xả ra ngoài.

Một nhà máy đốt rác ở Singapore (ảnh: JDC)

Tuy nhiên, quy trình này vẫn chưa hoàn hảo, bởi vẫn còn 10% lượng rác còn lại gồm rác không thể đốt được (rác thải kim loại, nhựa…) và tro trong quá trình đốt rác. Điều này dẫn đến một biện pháp xử lý độc đáo khác của Singapore dành cho số rác thải “cứng đầu” này!

10% rác thải trở thành đảo du lịch

Singapore xây dựng nhà máy đốt rác đầu tiên năm 1979 thì đến 20 năm sau, đảo rác Semakau cũng hình thành, là nơi “yên nghỉ” của các thể loại rác và tro tàn không thể tái chế, không thể đốt tiếp được. Trên thực tế, đây là “đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên toàn cầu, vô cùng độc đáo và khó thực hiện.

Để tạo ra Semakau, năm 1995, Chính phủ đã cho di dân 2 hòn đảo Pulau Semakau và Pulau Sakeng vào đất liền. Với khoảng trống không xa lắm giữa 2 đảo này, họ xây dựng một bờ kè bằng đá, cát, đất sét, chất chống thấm và chống rỉ.

Kế đến, phần biển trong bờ kè được phân thành nhiều ô nhỏ. Rác thải và tro từ nhà máy điện được tàu chở đến đây, đổ vào hết ô này đến ô khác, hết năm này đến năm khác… Dần dần, nó tạo thành một hòn đảo nhân tạo rộng 3,5 km2 và có thể chứa 63 tỷ mét khối rác!

Semakau – hòn đảo du lịch được làm ra từ rác, chính xác là 10% rác của Singapore (ảnh: NatGeo).

Sau khi đổ tro vào những ô trống được chuẩn bị sẵn, người ta còn lấp đất lên. Mục đích nhằm “mời gọi” các loài côn trùng và chim chóc đến làm màu mỡ cho đất. Ý tưởng này trở nên thành công ngoài mong đợi khi Semakau ngày nay là điểm quan sát chim nổi tiếng bậc nhất của Singapore.

Một điều kỳ lạ là ý tưởng “đổ rác” này dường như không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khi dưới đáy biển san hô vẫn sống. Trên 2 đảo tự nhiên cạnh bên, động vật hoang dã vẫn tồn tại và khu rừng vẫn rất xanh. Thậm chí, Semakau còn được nhiều du khách đến tham quan và các cặp đôi chọn làm điểm chụp ảnh cưới.

Tuy nhiên, không quy trình nào là hoàn hảo

Lướt qua quy trình xử lý rác của Singapore, mọi thứ có vẻ rất “khớp”, từng bước đều được tính toán kỹ lưỡng và hoàn hảo. Tuy nhiên, vấn đề 10% rác thải của Singapore vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sức chứa của đảo nhân tạo Semakau cũng chỉ có hạn, những ô trống đã dần lấp đầy. Dự kiến đến 2035, Semakau sẽ đạt đến giới hạn chịu đựng của nó. Như vậy, đồng nghĩa rằng, Singapore còn khoảng 17 năm để nghĩ cách xử lý tối ưu hơn. 

Singapore còn khoảng 17 năm để nghĩ cách xử lý tối ưu hơn (ảnh: Reuters).

Còn chúng ta thì sao? Giống như hòn đảo Semakau xanh – sạch – đẹp của Singapore, Trái Đất cũng có giới hạn và chỉ có thể “gồng gánh” được một lượng rác nhất định mà thôi.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nghiêm khắc hơn với lượng rác thải ra mỗi ngày của bản thân mình, bởi ngay cả một hệ thống xử lý rác hoàn hảo như của Singapore (hay của bất kỳ nước nào) cũng không thể làm thay vấn đề trách nhiệm và ý thức của mỗi người.

(Nguồn tham khảo: Tech Insider, Strait Times, Channel News Asia)

Video xem thêm: 21 phép tắc là phong thủy tốt nhất cho cuộc đời

videoinfo__video3.dkn.tv||607d025ff__