Ở rất nhiều những vùng đất nghèo khó, việc học của con trẻ không phải là một điều tất yếu như ở những thành phố lớn. Để một đứa trẻ được đến trường, cha mẹ, thầy cô và chính bản thân các em đều phải nỗ lực rất nhiều. Trong hoàn cảnh nghèo nàn, khó khăn ấy, có những người thầy đã dùng tất cả sự tận tâm và sáng tạo của mình để giúp cho học trò có một ngày đến trường trọn vẹn ý nghĩa và niềm vui.
Dù còn một trò thầy vẫn dạy
Bạn hẳn còn nhớ câu truyện bên Hàn Quốc, một ngôi trường vẫn mở cửa để đón học sinh duy nhất của mình. Ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cũng có một người thầy như vậy. Hàng ngày, dù trời nắng hay mưa, nóng hay lạnh, thầy vẫn đều đặn tới trường, bởi ở đó còn có một cậu học trò nhỏ đang chờ.
Người thầy giáo tận tụy ấy là thầy giáo tiểu học Từ Trạch Phong, 54 tuổi. Thầy đã gắn bó với ngôi trường Du Thành này từ những năm 80 của thế kỷ trước, cùng nó trải qua khoảng thời gian hoàng kim, cho tới những ngày cuối cùng cô đơn nhất này. Thầy Trạch Phong nhớ lại thời gian những năm 90, ngôi làng này rộn rã tiếng nói cười. Ở đây có 9 thầy cô cùng nhau dạy dỗ, dìu dắt khoảng 100 đứa trẻ trong thôn nên người.
Trước đây, vì nằm sau ngọn núi Thái Hành Sơn, ngôi trường lúc nào cũng có được sự thanh tĩnh và không khí trong lành. Trẻ con theo đó cũng học được cái tĩnh lặng cần có để trí tuệ và nhân cách cùng phát triển song hành. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cuối cùng cũng tràn về vùng quê thanh vắng này. Người ta bắt đầu xây dựng những ngôi trường mới trong trung tâm, nơi phố huyện đông đúc. Các gia đình khá giả hơn cũng theo đó cho con cái chuyển đi. Họ mong chúng sẽ có một nền giáo dục tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, ở thôn nghèo Du Thành này vẫn còn một đứa trẻ không thể lên phố học. Đó là Giai Kỳ. Mẹ cậu bé bỏ đi khi em còn rất nhỏ, cha lại đi làm ở tỉnh xa, nên giờ Giai Kỳ sống cùng với ông nội. Hai ông cháu dựa vào việc nhặt rác, rau cháo nuôi nhau cho qua ngày. Cuộc sống khó khăn, ông không thể cho Giai Kỳ đi học ở xa cùng chúng bạn.
Nhưng may mắn vẫn mỉm cười với cậu bé có khuôn mặt hồn hậu này. Trong thôn vẫn còn thầy Trạch Phong. Người thầy luôn làm việc tinh thần trách nhiệm trọn vẹn – Dù chỉ còn một học trò thầy vẫn sẽ lên lớp dạy học.
Thầy Trạch Phong dạy cho Giai Kỳ tất cả là 4 môn học, ngoại ngữ, toán học, âm nhạc, và giáo dục thể chất. Dù ngày nào sân trường, lớp học cũng vắng hoe nhưng, điều đó không lấy đi niềm hạnh phúc được dạy và được học của thầy giáo cùng cậu học trò nhỏ. Hai người dường như vẫn luôn tận hưởng những khoảnh khắc quý giá bên nhau.
Nhưng cuối cùng, để Giai Kỳ có được sự học tốt hơn, có thêm những bạn bè cùng trang lứa, thầy Trạch Phong đã khuyên em tới học ở thị trấn. Ông nội cậu bé cũng đã đồng ý. Tuy không muốn xa ông nội và thầy giáo nhưng Giai Kỳ vẫn lên trường mới học, nhờ tiền quyên góp của nhiều người.
Tháng 5 năm ngoái, ngôi trường nhỏ chỉ có một thầy một trò đã chính thức đóng cửa.
Không có máy tính, học tin học vẫn chỉ là chuyện nhỏ
Câu chuyện đang khiến rất nhiều người sử dụng mạng nức lòng. Ở Kumasi, nước Ghana xa xôi, việc có được một chiếc máy tính để dạy tin học cho những đứa trẻ vẫn là một điều xa xỉ. Nhưng cái khó không ngăn được mong muốn truyền thụ kiến thức mới của một thầy giáo địa phương, thầy Owura Kwadwo.
Đối mặt với tình trạng thiếu thốn trang thiết bị vật chất, thầy giáo trẻ đã sáng tạo ra cách giảng dạy của riêng mình. Anh vẽ lại hình ảnh của giao diện MS Word lên bảng đen. Màn hình máy tính nhỏ xíu bỗng được thầy giáo “hô biến” phóng to trên cả mặt bảng với những chú thích tỉ mỉ và chi tiết. Thầy giáo trẻ chia sẻ, anh đã được tham gia một khóa học về nghệ thuật thị giác (visual art), trải nghiệm quý đã giúp anh tạo ra cách dạy học mới mẻ này.
Tuy không có máy tính, nhưng bức tranh vẽ lại toàn bộ giao diện trên màn hình MS Word sẽ giúp học sinh của thầy Owura cảm giác như đang ngồi trước màn hình. Các chú thích tỉ mỉ sẽ cho phép học trò làm quen bước đầu với các chức năng cơ bản của phần mềm. Cách học trực quan này đã phát huy tác dụng khi khiến lũ trẻ ham thích giờ tin học mặc dù lớp học không có bất kỳ chiếc máy tính nào.
Bên cạnh sự ham thích, cách dạy của anh Owura cũng truyền tải khá thành công kiến thức mới cho các học sinh. Thầy giáo chia sẻ: “Tôi chắc chắn rằng học sinh khá hiểu những gì mà tôi muốn truyền tải khi tiết học kết thúc”.
Sau khi đăng tải những bức ảnh về lớp học đặc biệt này trên Facebook cá nhân, thầy giáo trẻ đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Đồng thời, có nhiều người hảo tâm đề nghị quyên góp máy chiếu và máy tính xách tay cho lớp học của anh.
Owura chia sẻ với Bored Panda rằng, anh đang lên kế hoạch để đưa các máy tính được quyên góp đến những ngôi trường khác. Tình trạng thiếu trang thiết bị vẫn đang diễn ra ở rất nhiều nơi trên đất nước châu Phi nghèo khó này.
Công nghệ, robot sẽ có thể thay thế người thầy?
Thế giới càng hiện đại, công nghệ càng phát triển, con người đang ngày đêm để tâm trí để sáng tạo ra những cỗ máy mới, những chương trình máy tính, những robot có thể giao tiếp với con người. Dần dần trong các nhà máy, robot sẽ thay thế người công nhân, trong các văn phòng những cỗ máy này sẽ thay thế các nhân viên bằng xương thịt. Và trường học cũng không nằm ngoài tầm mắt của những nhà khoa học sống vì công nghệ ấy.
Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới, trường học bắt đầu nghĩ tới việc dùng các robot để hỗ trợ học sinh, sinh viên lĩnh hội những tri thức mới. Robot sẽ là một sự lựa chọn hấp dẫn để dần thay thế người thầy trong tương lai không xa. Ngoài chi phí rẻ, robot có thể làm việc toàn thời gian, giảng nhiều môn học, trả lời mọi câu hỏi mà không một lời kêu ca hay phàn nàn. Nhưng đó có thực sự là một lựa chọn hoàn hảo cho tương lai?
Nếu chúng ta nghĩ về giáo dục chỉ đơn giản là đưa thật nhiều tri thức cho những đứa trẻ của mình, để chúng trở thành những “thư viện sống” thì robot là lựa chọn tối ưu, không gì để bàn cãi. Tuy nhiên, chúng ta gửi con em mình tới trường học liệu có phải chỉ để học những kiến thức này? Câu trả lời chắc chắn là không. Chúng còn cần học cách làm người.
“Tiên học lễ – Hậu học văn” vốn luôn là kim chỉ nam cho các trường học ở ta. Robot chỉ có thể đáp ứng phần “học văn”, chứ liệu nó có thể dạy cho con trẻ phần “lễ nghĩa”? Câu chuyện của hai thầy giáo, một ở nơi châu Phi xa xôi, một ở rất gần ta là những ví dụ cụ thể để góp thêm tiếng nói: Không cỗ máy thông minh nào có thể thay thế được người thầy.
Giai Kỳ sẽ học được điều gì từ người thầy Trạch Phong của mình, chẳng phải chính là tinh thần trách nhiệm cao cả. Dù chỉ còn lại một học trò, thầy cũng làm tròn bổn phận của mình. Vì đã nhận lãnh hai chữ “làm thầy”, dù khó khăn tới đâu cũng phải làm cho thật tốt, không vì ngoại cảnh mà bỏ dở việc cần làm.
Còn các em bé châu Phi, chúng sẽ học hỏi được điều gì từ thầy giáo của mình. Chẳng phải chính là tinh thần không ngại khó, nhẫn nại tìm ra một lối đi riêng, nhất là khi gặp trở ngại và khó khăn. Bên cạnh đó, chỉ có rèn luyện chính mình, theo đuổi sự ưu tú, chúng ta mới có thể giúp đỡ người khác một cách hiệu quả phải chăng cũng chính là một bài học lớn mà thầy giáo người Ghana dạy cho học trò.
Những cỗ máy được lập trình để ngay lập tức đưa ra đáp án cho mọi câu hỏi có thể giúp những đứa trẻ cảm nhận, hiểu và làm được những điều tốt đẹp đó? Đi tìm đáp án cho câu hỏi này sẽ tiếp tục mở ra một câu hỏi lớn cho mỗi người: Nỗ lực đưa công nghệ đi sâu hơn vào sinh hoạt và đặc biệt là giáo dục lại là cách nhanh nhất chúng ta gạt bỏ bản chất con người ra khỏi cuộc sống của chính mình?
Nói cách khác, với những ước muốn thay thế tất cả bằng robot, con người chúng ta đang dâng tặng cuộc sống của mình cho những cỗ máy và những tác giả thật sự đã tạo ra chúng?
Hy Văn