Đại Kỷ Nguyên

Người thương của cha tôi không phải là mẹ…

Ba đối xử rất tốt với mẹ nhưng trong lòng ông là một người phụ nữ khác (ảnh minh hoạ: Shutter Stock).

Những ngày cuối đời, ba chỉ gọi tên một người, mà người đó không phải mẹ tôi. Ông ú ớ gọi tên người khác. Tại sao không phải mẹ, không là mẹ?

Đối với tôi đây là chuyện không thể chấp nhận được, và càng không thể tin được. Tôi lớn lên trong sự dạy dỗ của ba, ông là người tôi tin tưởng và ngưỡng mộ nhất thế gian. Ba chưa từng để mẹ vất vả bao giờ, bất cứ công việc nặng nhọc nào ba cũng đều giành làm hết, không cho mẹ và tôi đụng tay vào. Tôi đã nghĩ rằng, hẳn ba phải thương mẹ lắm, nhưng không, trước khi lìa đời, ông chỉ luôn miệng gọi tên một người phụ nữ khác…

Lạ là mẹ chẳng oán giận ba. Bà quay đi, lau vội giọt nước mắt lăn dài trên má rồi trách duyên phận trớ trêu không cho ba gặp lại người phụ nữ ấy lần cuối để ông được mãn nguyện.

Mãi đến ngày ba qua đời, tôi mới được mẹ kể câu chuyện cuộc đời ba…

Mẹ tôi 32 tuổi mới lấy chồng, cái tuổi thời đó bị gán cho là gái già, ế, dù mẹ không hề xấu. Người yêu đầu tiên của mẹ hy sinh ngoài chiến trường, người thứ hai phụ bạc, thanh xuân của mẹ cứ thế trôi dài…

Ba gặp mẹ khi đã qua một lần đò, hai người đến với nhau đều mang một nỗi niềm riêng, ở bên nhau vì cái nghĩa phu thê, nhưng trong lòng đều mang một mối tình chôn giấu nơi sâu thẳm trái tim. Ba dù nhớ thương người vợ cũ nhưng chưa một lần làm điều gì có lỗi với mẹ hay với gia đình, ngược lại ba luôn chăm lo cho mẹ và tôi từng ly từng tý. Mẹ biết trong lòng ba có người khác nhưng chưa từng ghen tuông. Bà hết mực chăm sóc ba, chu đáo với gia đình và họ hàng nhà chồng. Tôi đã nghĩ mình có một gia đình vô cùng viên mãn…

Ba tôi đã từng có một mối tình khắc cốt ghi tâm với vợ cũ (ảnh minh hoạ: Một Thế Giới).

Ba và vợ cũ sống với nhau được 5 năm, nhưng thương nhớ kéo dài trọn đời, mãn kiếp. Mẹ kể, ngày ấy ba đi làm vất vả suốt ngày, nhưng chiều nào về cũng gội đầu, lau tóc cho người ấy. Đôi vợ chồng trẻ cuối tuần lại đèo nhau đến làng trẻ mồ côi thăm các em. Vợ làm bánh, chồng nặn tò he, họ cùng nhau chơi đùa với lũ trẻ… 

Hạnh phúc của ba không bao lâu, do nhà nội ngày càng khó chịu ra mặt với cô con dâu suốt 5 năm không sinh con, mà ba là con trai một – độc đinh, đích tôn. Đã vậy bà ấy lại còn ốm yếu, phải chạy chữa tốn kém. Đồng lương thầy giáo của ba không đủ xoay xở, ông phải làm thêm các việc chân tay để kiếm tiền lo cho vợ. Vì bà, ba có thể làm mọi thứ chỉ để thấy vợ được vui vẻ, bình an.

Nhưng nhà nội tiếp tục làm áp lực, đổ lỗi cho bà ấy làm xui rủi, mạt vận nhà chồng, đã không sinh đẻ được lại còn ốm đau dặt dẹo. Hễ ba vắng nhà là nội lại lôi bà ra hành hạ, mạt sát…

Chịu không nổi những lời đay nghiến, nhất là cảnh chồng vất vả, lo toan, khổ sở vì mình, nên bà bỏ đi biền biệt.

Ba tất tả chạy tìm khắp nơi bà vẫn biệt tăm. Đến lúc ông nhận được lá thư gửi từ một thành phố xa xăm cùng tấm ảnh bà chụp chung với người mà bà gọi là ‘chồng mới’, ba mới chịu chấp nhận sự thật rằng người thương đã xa ông thật rồi.

Cũng từ đó, bà ấy không một lần về lại quê cũ.

Nhiều năm sau, ba cưới mẹ theo sắp đặt của gia đình và mẹ sinh tôi. Mẹ cũng biết vợ cũ của ba, vì bà ấy học cùng trường, trên mẹ vài khóa. Mẹ bảo bà ấy hiền lành, đặc biệt có mái tóc thướt tha và nổi tiếng đẹp nhất trường. Rất nhiều người theo đuổi nhưng không hiểu sao bà ấy lại chọn ba tôi – một người nhút nhát, ít nói.

Tôi biết rằng để kể về người cũ của ba như vậy thật không dễ với mẹ. Mẹ vẫn vậy, luôn tôn trọng ba và bà tôn trọng cả người phụ nữ duy nhất mà ông đem lòng yêu thương.

Rồi ông nội tôi đổ bệnh nan y, bao nhiêu tiền của cả nhà mang đi chữa trị vẫn không đủ. Ba kêu bán căn nhà và mảnh đất hương hỏa. Đúng lúc đó, người cũ bỗng gửi về một khoản tiền lớn, nhờ người bạn mang đến để ba lo cho ông. Ba đỏ mặt từ chối, nhưng người ấy kiên quyết không về nếu ba không nhận.

Ba viết thư cho bà, gửi hết bức này đến bức khác… (ảnh minh hoạ: tiin)

Ông nội nhờ được cứu chữa kịp thời từ khoản tiền ấy mà qua khỏi. Ba viết thư gửi người thương: “Anh nợ em một đời…” – thư gửi đi không có hồi âm. Sau này ba xoay đủ tiền, định tìm người thương để gửi trả nhưng bà quyết không gặp, không nhận. Ba gửi thư cho bà, một bức, hai bức, ba bức… hết bức này đến bức khác, cuối cùng chỉ nhận được lời nhắn “không muốn nhắc lại, nhớ lại những gì đã thuộc về quá khứ”.

Tâm nguyện gặp lại người thương của ba mãi không thể thực hiện. Cho đến khi bà ấy qua đời, được đưa về quê mai táng. Ba lặng người khi biết ra sự thật rằng bà ấy không hề lấy chồng khác, bức ảnh ấy chỉ là để ba… quên bà, đừng đi tìm nữa.

Thì ra suốt ngần ấy năm bà lặng lẽ giúp việc cho một nhà nọ. Bà sống lặng lẽ, tử tế, nên lúc bệnh được nhà chủ yêu thương, lo lắng, rồi giúp hoàn thành tâm nguyện đưa bà về quê. Khoản tiền gửi ba chính là tiền công giúp việc bà chắt chiu bao năm và vay thêm nhà chủ rồi làm việc trừ dần.

Ba tôi từ lúc đó càng đắm chìm vào cõi khác. Ông thường ngồi thẫn thờ, im lặng, nhìn vào khoảng xa xăm… 

Rồi chẳng bao lâu ba cũng đổ bệnh. Ông qua đời với lời trăn trối được nằm cạnh ‘người thương’. Rồi ông lẩm nhẩm gọi tên người ấy cho đến khi chìm vào giấc ngủ miên viễn…

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Đạo nghĩa vợ chồng trong văn hoá truyền thống

Exit mobile version