Mấy ngày nay gia đình và bạn bè ở Việt Nam lẫn Châu Âu nhắn tin hỏi thăm tình hình gia đình mình bên Mỹ thế nào? Ai cũng lo lắng vì Mỹ hiện đang là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới. Mọi người căn dặn mình nhớ đeo khẩu trang và hỏi mình có bị dân Mỹ kỳ thị vì là người Châu Á và đeo khẩu trang không? Có đủ đồ ăn không? Có bị thiếu toilet paper không? Có bị thất nghiệp không? Và rất nhiều những câu hỏi tương tự.

Và cũng nhiều những câu cảm thán như “Sao nước Mỹ to lớn thế kia mà kiểm soát dịch bệnh dở quá!” “Sao bảo Mỹ xịn lắm mà không mua được khẩu trang, nước rửa tay khử trùng?…

Mình xin chia sẻ tóm tắt những gì đang xảy ra nơi mình đang sống do chính mình chứng kiến, không phải để chê bai hay tâng bốc nước Mỹ mà chỉ để mọi người có thêm cái nhìn khác với những gì được đọc được nghe. Mình ko phải nhà báo hay blogger, cũng không hứng thú chính trị hay Đảng phái nên xin đừng “rủ” mình thảo luận về vấn đề này.

1. Khẩu trang

Người Mỹ họ không có thói quen đeo khẩu trang. Khi ai đeo khẩu trang không có nghĩa người đó đang bị bệnh. Họ đeo để tránh lây bệnh cho người khác. Trong tình hình COVID-19, mình và ông xã vẫn đeo khẩu trang khi đi siêu thị hay đi check-up ở bệnh viện. Ông xã mình làm phi công nên phải đi tới các sân bay, tiếp xúc với nhiều người, nhiều chỗ khác nhau, bạn ấy cũng đeo khẩu trang N95 và mang theo cồn để rửa tay và khử trùng khi cần thiết.

Lúc mới bắt đầu tháng 03, khi ở Mỹ chưa bùng dịch, mọi người có vẻ thờ ơ trước việc đeo khẩu trang, nhưng cả tuần gần đây đã có nhiều người đeo hơn và không ai nhìn người đeo khẩu trang kỳ thị hay có những hành động thái quá. Lúc mình đi check-up ở bệnh viện có gặp một vài y tá trong thang máy, họ đã ra dấu với mình “That’s good! Take care of yourself!” khi thấy mình đeo khẩu trang.

Mình cũng thấy nhiều người đeo cả găng tay y tế rất nghiêm chỉnh. Hiện tại tình hình mua khẩu trang tại Mỹ rất khan hiếm. Hầu như là không thể, trừ phi order online và giá khá cao. Một số cộng đồng người Việt ở Mỹ đã đăng ký tình nguyện may khẩu trang (theo tiêu chuẩn của bệnh viện) để gửi tặng các bác sĩ, y tá,… Hiện nay nhiều công ty ở Mỹ cũng đã gấp rút chuyển qua may khẩu trang để kịp cung ứng cho mùa dịch.

2. Siêu thị tại Mỹ những ngày dịch:

Rất may mình chưa phải trải qua cảnh chen lấn đi mua đồ ăn hay giành giật toilet paper. Nhà mình thường luôn mua đủ thức ăn cho khoảng 2 tuần, ngay cả giấy vệ sinh cũng vậy. Do đó khi mọi người ùn nhau đi mua, mình cứ thong thả. Khi nào rảnh thì ra siêu thị gần nhà ngó xem có gì cần thì mua về.

Nhà mình mua thực phẩm đóng hộp nhiều chút vì giữ được lâu. Mua đồ ăn cho hai con chó đủ trong 1 tháng. Đồ ăn tươi sống thì siêu thị họ vẫn fill up trên kệ mỗi ngày. Vào những lúc cao điểm, họ sẽ qui định mỗi người chỉ được mua tối đa 2 chai nước rửa tay, 2 pack gà chẳng hạn.

Nhiều nguồn tin cho rằng, toilet paper là mặt hàng khan hiếm nhất ở Mỹ trong mùa dịch (ảnh: pixabay).

Chuỗi siêu thị lớn gần nhà mình còn để cái bảng trước cửa là mọi người hãy mua sắm như bình thường, họ cam kết cung ứng đủ hàng nên không cần quá hoảng loạn. Các siêu thị cũng có giờ dành cho người già, người tàn tật có thể đến mua sắm mà không phải chen lấn, chờ đợi. Ba má chồng mình đều trên 65, khi đi siêu thị, ba má vẫn đeo khẩu trang và đeo găng tay để phòng tránh bị lây nhiễm.

3. Y tế

Các bệnh viện đang làm việc hết công suất. Chính phủ đã kết hợp với các công ty để sản xuất nhiều bộ test kit cho kết quả nhanh hơn. Những thông tin này nếu ai theo dõi tin tức hàng ngày ắt sẽ biết. Dù không có bảo hiểm y tế vẫn được chữa trị COVID-19.

4. Trường học

Mặc dù đóng cửa nhưng phụ huynh vẫn có thể đến trường lấy đồ ăn miễn phí cho con mình. Các em học sinh được học onlne tại nhà và giờ giấc vẫn tuân thủ như khi học tại trường.

5. An ninh

Có rất nhiều người đồn rằng giá súng đạn của Mỹ tăng vọt do người dân ùn ùn đi mua súng phòng thân vì sợ bạo loạn. Thật chất mỗi gia đình người Mỹ hầu như ai cũng có ít nhất 1-2 cây súng trong nhà. Không phải đợi đến bây giờ mới kéo nhau đi mua.

Các Tiểu bang và County (các quận) tại Mỹ cũng đã ban bố lệnh “stay home” trong 14 ngày. Những trường hợp khẩn cấp và nhu cầu chánh yếu vẫn sinh hoạt bình thường, ví dụ như đi chợ, khám bác sĩ, mua thuốc uống, ra ngân hàng… Họ gọi là “essential business”.

À, mấy tiệm rượu bia vẫn được mở cửa. Lý do, nếu đã bắt dân tình ở nhà rồi mà còn không cho nhâm nhi thì lỡ stress quá nó quậy lên thì mệt. Nói tóm lại, lực lượng cảnh sát Mỹ cả mấy tuần nay đã phải làm việc ngày đêm để giữ gìn an ninh trật tự. Bản thân mình thấy việc stay home trong 2 tuần không là vấn đề lớn. Miễn sao góp phần vào việc không lây lan bệnh dịch là được. Chính phủ và y tế còn bao thứ phải lo, mình chỉ việc ngồi im 2 tuần so ra quá dễ!

6. Công việc

Mọi người đã work ở nhà nhiều hơn 2-3 tuần trước. Ông xã mình cũng đã tạm ngưng bay 2 tuần nay. Các hãng hàng không Mỹ đang thiệt hại rất nặng nề và họ đang tìm mọi cách để tránh tổn thất lớn cho hàng chục ngàn nhân viên.

Ở hãng ông xã mình có đến hơn 13.000 phi công. Rất nhiều chuyến bay bị huỷ, phi công phải chấp nhận mức lương tối thiểu và nghỉ từ 1 tới 2 tháng tại nhà. Đứng trước tình hình này, rất nhiều những phi công sắp về hưu đã tình nguyện nghỉ hưu sớm hơn qui định để nhường lại công việc cho những người phi công trẻ hơn còn đang gồng gánh trách nhiệm gia đình. Đó chính là tinh thần của người Mỹ. Ai bảo người Mỹ không có tình người?!

Chính phủ Mỹ cũng đang liên tục giải quyết hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp cho con số đã tăng lên 3.3 triệu người chỉ trong vòng vài tuần.

7. Cứu trợ

Sau cả tuần bàn bạc, hai đảng đã thông qua gói trợ cấp 2.2 ngàn tỷ Đô cho người dân. Ước tính có tới 80% dân số Mỹ được nhận $1200 mỗi người lớn và $500 cho con nít. Số tiền này cũng từ tiền thuế mà ra. Sở Thuế IRS sẽ gởi tiền trực tiếp, cho những người dân Mỹ đã nộp sẵn các chi tiết về trương mục ngân hàng của họ, cho IRS khi khai thuế, để có thể nhanh chóng nhận tiền bồi hoàn thuế trước đây, sẽ nhận được tiền vào giữa Tháng Tư, “nhiều phần” là trong tuần lễ khởi sự ngày 13 Tháng Tư. Văn kiện nêu trên ước lượng là có khoảng 60 triệu người dân sẽ nhận được tiền vào thời điểm đó.

Cơ quan này nói sẽ gửi chi phiếu trước tiên đến những người có lợi tức thấp nhất. Tiền vẫn vô thẳng nhà bank của họ giống như mỗi tháng họ lãnh trợ cấp. Khoảng ba tuần sau cơ quan IRS sẽ khởi sự gửi các tấm chi phiếu đến nhà dân, nhiều phần là vào tuần lễ của ngày 4 Tháng Năm.

Theo Sở Thuế thì họ chỉ có thể gửi ra khoảng 5 triệu tấm chi phiếu mỗi tuần, do vậy, có thể sẽ mất 20 tuần lễ, tức là gần 5 tháng mới gửi hết, có thể sẽ phải đợi tới vài tháng mới nhìn thấy tấm chi phiếu. Tiếc là nhà mình không được nhận. Ở Mỹ vậy đó, phải thật nghèo hoặc thật giàu mới sướng, chớ lỡ cỡ giống nhà mình thì lại không được gì. Mặc dù có chút buồn nhưng mình nghĩ, dù sao hoàn cảnh mình vẫn đỡ hơn nhiều người nên thôi cứ vui lên.

À, Mỹ cũng chi 35 triệu đô để giúp 25 quốc gia trong đó có VN. Chính phủ cũng cho dân khai thuế chậm hơn.Một số ngân hàng hỗ trợ cho trả chậm tiền nhà. Sinh Viên vay nợ cũng được hỗ trợ.

Ông xã mình nói ổng chưa thấy “hiện tượng” này bao giờ. Người Mỹ đó, họ không bỏ rơi đồng bào để trục lợi cho bản thân trong tình hình nguy khốn.

8. Tình hàng xóm

Nhỏ bạn vừa chia sẻ một câu chuyện ấm áp vô cùng. Một người hàng xóm xa chưa từng quen biết đã bỏ vào thùng thư nhà cô ấy 1 gift card trị giá $150 để giúp cổ mua đồ ăn cho các con. Người hàng xóm này tình cờ đọc được post của cô ấy trên Nextdoor khi cô hỏi thăm xem có chỗ nào cung cấp thức ăn miễn phí hay không? Họ giúp mà không cần đòi hỏi cảm ơn hay đền đáp!

Cũng trên group Nextdoor gần khu mình, mọi người chia sẻ từng chai nước rửa tay, cuộn giấy vệ sinh, hỗ trợ người già đi siêu thị mua thức ăn. Các bà mẹ giúp nhau mua sữa mua tả mang đến để trước cửa nhà. Dù là da trắng, da vàng hay da màu.. điều đó ko còn quan trọng nữa.

Nước Mỹ có thể đã vĩ đại trong lòng bạn. Và có thể bây giờ bạn đang thất vọng về nước Mỹ vì nhiều lý do, nhưng tất cả những điều đó không làm cho bạn trở nên hạnh phúc hay tốt đẹp hơn. Hãy biết chia sẻ, cảm thông và tương trợ những người xung quanh trong lúc này.Những năng lượng tiêu cực không thể thay đổi được cục diện, chúng chỉ khiến chúng bực bội và đau khổ hơn mà thôi.

Nước Mỹ không phải là một đất nước hoàn hảo. Vẫn còn rất nhiều điều bất cập với một xã hội khổng lồ phải gánh vác trên vai trọng trách không chỉ cho một quốc gia mà cả toàn Thế Giới. Và các bạn hãy dành lời chúc mừng cho những ca được hồi phục, cho những người bác sĩ, y tá, cảnh sát, nhà nghiên cứu vaccine… Họ đang ngày đêm làm việc trên toàn hành tinh này, không chỉ để cứu người dân của họ mà còn cứu cả Thế Giới.

Hãy sống bằng trái tim nhân ái. Và hãy cầu nguyện cơn “ác mộng” này sớm qua để trả lại cuộc sống trước kia cho nhân loại.

Be safe! Be positive!

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Trong dịch bệnh đi tìm phương cách, nhiều người muốn hiểu hơn về Pháp Luân Công?

videoinfo__video3.dkn.tv||3ef3db99f__